Sớm giao quyền tự chủ cho các trường đại học
Tự chủ đại học (ĐH) là vấn đề đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, cho đến nay các trường vẫn trong tình trạng người hào hứng, kẻ dè đặt tuyển sinh riêng. Thời gian gần đây, khi góp ý cho Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cần quy định rõ những việc các trường được tự chủ.
Ảnh minh họa.
Không tự chủ nửa vời
Theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, tự chủ đại học là một trong các yếu tố quan trọng nhất để phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
Để thực hiện cơ chế tự chủ, cần tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng để các trường đại học thực hiện quyền tự chủ của mình trong hành lang pháp lý đó. Cùng với cơ chế hậu kiểm và giám sát xã hội, bỏ các quy định mang tính xin cho-phê duyệt. Và để tránh tình trạng bất nhất thì Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cần gỡ bỏ những gì quy định cứng nhắc hoặc mang tính nước đôi ảnh hưởng đến việc tự chủ của các trường, đồng thời quy định rõ những việc các trường được tự chủ để văn bản dưới luật không quy định khác đi, lại biến thành cơ chế xin cho. Ví dụ như tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Luật Giáo dục ĐH hiện hành quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh”, đồng thời lại thêm câu “Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực” và “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh” như vậy là tự chủ nửa vời.
Ông Tùng phân tích, về bản chất, ĐH công lập và ngoài công lập chỉ khác về việc ai là chủ đầu tư ban đầu, còn chức năng, trách nhiệm xã hội, quyền tự chủ… thì cần phải giống nhau. Điều này cũng là để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trường công trường tư. Do đó, Luật Giáo dục ĐH cần sửa theo hướng này. Những gì không liên quan đến đầu tư, đến chủ đầu tư thì không cần quy định gì khác giữa đại học công lập và ngoài công lập.
Đồng tình với những phân tích ở trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng khi được tự chủ một cách toàn diện về tuyển sinh, tài chính, học phí, quản lý thì các trường phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội trước nguồn nhân lực đào tạo ra. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần phải kiểm soát chặt chẽ việc giao quyền tự chủ cho các trường. Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm trước xã hội khi giao quyền tự chủ cho các trường ĐH đến đâu, bởi nếu giao quyền tự chủ vô tội vạ mà không có sự kiểm soát chặt chẽ thì chắc chắn việc đào tạo sẽ kém chất lượng, gây lãng phí lớn cho xã hội và thiệt hại lớn nhất vẫn là người học..
Áp dụng tự chủ với tất cả các ĐH công lập
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) vừa cho hay, Bộ đang trình Chính phủ áp dụng cơ chế tự chủ cho tất cả các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Theo bà Phụng, việc giao quyền tự chủ (nhất là tự chủ về tài chính) cho các cơ sở giáo dục công lập là cơ hội để mở ra cho các cơ sở giáo dục ĐH nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính để phản ứng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cung cấp cho thị trường lao động.
Theo đó, trừ những cơ sở đã thực hiện cơ chế đặc thù của Chính phủ như ĐH Quốc gia, trường ĐH Việt Đức, trường Đại học Khoa học và công nghệ (ĐH Việt Pháp) và các cơ sở GDĐH của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT đã trình Chính Phủ để ban hành Nghị định tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập; đồng thời, đang thực hiện sửa Luật Giáo dục ĐH để tạo cơ chế tự chủ cho các trường.
Thực hiện chủ trương này, Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh việc thành lập Hội đồng trường tại các trường công lập và nghiên cứu để ban hành/trình ban hành các quy định cần thiết, rõ ràng về mối quan hệ giữa hội đồng trường, đảng uỷ và ban giám hiệu... để thực hiện tự chủ. Trên cơ sở đó, các cơ quan chủ quản sẽ trao quyền cho Hội đồng trường và tạo cơ chế đồng bộ để từng bước xoá bỏ cơ chế chủ quản, đảm bảo quyền tự chủ thực sự cho các trường.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để thực hiện tự chủ; nhận thức về tự chủ của một số cơ sở giáo dục đại học và cán bộ quản lý giáo dục còn chưa thống nhất và chưa đầy đủ; cách tiếp cận và tư duy về bản chất, mức độ thực hiện tự chủ đại học còn có điểm khác nhau giữa cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan quản lý về quan điểm, cách thức, mức độ thực hiện tự chủ. Cùng với đó trình độ quản trị đại học cũng còn hạn chế, thực hiện tự chủ chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học trong cơ sở giáo dục ĐH. Mặc dù Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực hơn 4 năm nay nhưng còn nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thành lập Hội đồng trường.
Ngay cả những cơ sở đã thành lập Hội đồng trường thì nhiều Hội đồng trường cũng chưa phát huy được vai trò nên ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học, làm cho việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và chất lượng đào tạo chưa được nâng cao.