Để phụ nữ và trẻ em gái không còn là nạn nhân của bạo lực
Tại Việt Nam, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội. Phụ nữ, trẻ em gái còn là đối tượng bị mua bán, lạm dụng, xâm hại tình dục và bạo lực ngoài phạm vi gia đình.
Đây là chia sẻ của ông Lê Khánh Lương, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Hội thảo tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức ngày 16/10, tại TP Hồ Chí Minh.
Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới, ông Lê Khánh Lương cho biết: Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, các địa phương và các tổ chức quốc tế đã có nhiều chính sách và giải pháp thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình.
Chương trình Hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 quy định việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15-11 đến 15-12). Năm 2016, Tháng hành động lần đầu tiên được tổ chức với hơn 800 hoạt động và sự kiện, thu hút sự tham gia của hơn 200.000 người. Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 sẽ được tiếp tục tổ chức với nhiều hoạt động, sự kiện nhằm thu hút sự tham gia của nhiều người và góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về bình đẳng giới.
Từng đi nhiều nơi khảo sát vấn đề bất bình đẳng giới, bà Hà Thị Quỳnh Anh, cán bộ Nhóm giới Quỹ Dân số Liên hiệp quốc chia sẻ giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chính bản thân người phụ nữ phải đủ mạnh mẽ để thoát ra khỏi tình trạng bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, các tổ chức, dịch vụ công có sự tiếp cận đa ngành để hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình, gồm hỗ trợ dịch vụ y tế để chăm sóc những tổn thương, hỗ trợ sự bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng và hỗ trợ pháp lý.
Cần có sự tin tưởng và lắng nghe những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục, bị bạo lực gia đình, tổ chức nhiều chương trình truyền thông về phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình để thay đổi nhận thức của mọi người về thực hiện bình đẳng giới.
Theo thống kê, rất nhiều trường hợp phụ nữ đi làm để nuôi chồng con, lo tất cả mọi việc sinh hoạt trong gia đình trong khi chồng không đi làm, chỉ lo ăn uống, cờ bạc và lấy tiền của vợ. Nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình nghiêm trọng, nhiều người vợ bị chồng tạt axit, tưới nước sôi, đánh đập vì chồng ghen tuông hoặc có vấn đề không hài lòng.
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và lựa chọn giới tính thai nhi là những biểu hiện chính của bất bình đẳng giới tại Việt Nam.
Qua khảo sát cho thấy 34% phụ nữ từng kết hôn bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục, phần lớn phụ nữ bị bạo lực gia đình không nói với ai và không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công.