Triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Không ít thách thức
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật BHVBQPPL) được kỳ vọng sẽ hạn chế những văn bản “trên trời” song tại hội nghị tập huấn Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật BHVBQPPL do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 16/10 cho thấy rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc triển khai.
Nhiều dự thảo sao chép lại
Đánh giá về Luật BHVBQPPL năm 2015 TS Trần Trọng Đào, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) khẳng định: Luật BHVBQPPL năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm trong các hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) như: Quy định rõ hơn khái niệm VBQPPL, quy phạm pháp luật, thẩm quyền về mặt nội dung, giảm bớt một số loại VBQPPL…
Đặc biệt, Luật BHVBQPPL năm 2015 có nhiều quy định mới nhằm nâng cao vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ.
Tuy nhiên một số đơn vị chưa chủ động trong việc đề xuất ban hành VBQPPL liên quan đến lĩnh vực mà mình quản lý, mà chỉ thực hiện đề nghị ban hành VBQPPL khi phát sinh yêu cầu, điều này dẫn đến tình trạng nhiều văn bản ban hành không đảm bảo tiến độ, phải chuyển sang năm sau hoặc không được ban hành (ví dụ ở Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp năm 2017 có 2 nghị định, 1 quyết định và 10 thông tư từ năm trước chuyển sang).
Cũng theo ông Trần Trọng Đào, trong quá trình dự thảo VBQPPL một số đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ về trình tự, thủ tục xây dựng VBQPPL như: chưa tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội trước khi xây dựng dự thảo văn bản ( kể cả đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính), chưa lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản hoặc có lấy ý kiến nhưng chưa đảm bảo thời gian theo quy định, đối tượng lấy ý kiến hẹp, chất lượng góp ý không cao. Kết quả là chất lượng của một số dự thảo VBQPPL không cao, chưa đảm bảo về thể thức, thậm chí có văn bản chỉ sao chép các VBQPPL ở trung ương. Do đó tính khả của VBQPPL ở các cấp sau khi ban hành không cao.
Đồng tình, đại diện Văn phòng Bộ LĐTB &XH cũng cho biết, một số dự thảo còn thấp, chưa dự liệu được đầy đủ các khả năng tác động của văn bản dẫn đến phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung (đặc biệt là các văn bản hướng dẫn dưới hình thức thông tư.
Coi đánh giá tác động là quy định bắt buộc
Những năm gần đây, việc đánh giá tác động chính sách đã có những chuyển biến tích cực, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đánh giá tác động chính sách trong quy trình lập đề nghị theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế như đôi khi còn mang tính hình thức, đánh giá chưa sát thực tế, còn phụ thuộc tư duy chủ quan của người xây dựng chính sách…
Để khắc phục tình trạng này, một trong những điểm mới quan trọng của Luật BHVBQPPL năm 2015 đã tách bạch quy trình xây dựng chính sách ra ngoài quy trình soạn thảo nhằm khắc phục tình trạng “vừa thiết kế vừa thi công”. Trong quy trình xây dựng chính sách, đánh giá tác động về mọi mặt của chính sách là bước vô cùng quan trọng để giúp các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phương án tối ưu nhất giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn quản lý. Để chính sách này đi vào đời sống, các đại biểu cho rằng, cần đưa việc đánh giá chính sách là nội dung bắt buộc, trong đó, xây dựng các tiêu chí đánh giá một cách đầy đủ và đúng đắn theo các tiêu chí khác nhau như: Tính hiệu lực của chính sách, tính hiệu quả, tính công bằng của chính sách.
Tại buổi tập huấn, ý kiến nhiều đại biểu cũng cho rằng: Đánh giá chính sách là việc xem xét, nhận định về giá trị các kết quả đạt được khi ban hành và thực thi một chính sách. Để có thể đi vào cuộc sống, chính sách được thể chế hóa thành các quy định pháp luật. Việc nhìn nhận và đánh giá chính sách do đó thường gắn với sự đánh giá những quy định pháp luật này có phù hợp với những yêu cầu của cuộc sống hay không và chúng được vận hành như thế nào trên thực tế.
Chính vì vậy, nội dung đánh giá tác động của từng chính sách cần phải nêu rõ vấn đề cần giải quyết, mục tiêu của chính sách. Mặc dù trong Luật BHVBQPPL năm 2015 đã quy định thủ tục bắt buộc lấy ý kiến góp ý và phản biện báo cáo, nhưng cần quy định cụ thể lấy ý kiến và phản biện.