Những tấm lòng nhân ái

Nam Việt 17/10/2017 08:05

Phát huy truyền thống đoàn kết “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc, ngày 17-10-2000, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Kể từ đó, ngày 17-10 hàng năm trở thành ngày cao điểm của cuộc vận động. Mốc thời gian từ ngày 17-10 đến Ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam 18-11 cũng trở thành Tháng cao điểm “Vì người nghèo”.

Ngày cao điểm của cuộc vận động Vì người nghèo 17-10 của Việt Nam cũng trùng với Ngày Quốc tế chống đói nghèo được Liên hợp quốc chính thức công nhận từ cuối năm 1992.

Trong quá trình phát triển của nhân loại cũng như từng quốc gia, bộ phận người nghèo trong xã hội bao giờ cũng tồn tại như một sự day dứt. Làm gì để họ đỡ khổ, để họ có điều kiện vượt lên số phận, từ đó có những đóng góp cho xã hội luôn là câu hỏi với lương tâm của mỗi người, nói rộng ra là của mỗi quốc gia và toàn thế giới.

Ngày Vì người nghèo năm nay đến khi mà cả nước đang hướng về các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc gặp thiên tai. Hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, trút nước xuống nhiều nơi trên đất nước ta. Đây là đợt mưa lớn lịch sử trong vòng hơn 30 năm trở lại đây. Nước ở những dòng sông lên cao, gào thét ngày đêm. Nước trong những con suối cuồn cuộn chảy. Đất ngậm nước lâu ngày trở nên yếu hơn bao giờ hết, dễ dàng bị sụt lún, xói lở. Những triền núi cao cũng trở nên yếu hơn, sạt lở bất cứ lúc nào. 6 ngôi nhà ở bản Khanh (tỉnh Hòa Bình) bị núi sạt lở chôn vùi. 18 con người lương thiện bất ngờ bị vùi lấp trong đêm...

Rồi còn đó rất nhiều người dân sinh sống, làm ăn dọc theo những con sông phải di dời khẩn cấp. Nước ngập mênh mông. Con sông quê vốn hiền hòa là thế, thơ mộng là thế bỗng chốc trở nên hung dữ nhấn chìm, cuốn phăng nhà cửa, hoa màu. Công lao hàng chục năm ròng của người dân bỏ ra bị cuốn trôi theo dòng nước.

Trong những ngày qua, nước ở những hồ thủy điện, hồ thủy lợi, đập tràn cũng dâng cao, đe dọa công trình. Để giữ an toàn cho hồ đập, việc xả nước nhằm giảm áp lực là cần thiết nhưng mặt khác nó cũng dồn nước xuống vùng thấp, khiến cho tình hình ở đây vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng. Trong tình thế ấy, việc san sẻ yêu thương, giúp đỡ người không may gặp nạn, giúp đỡ người nghèo lại càng cấp thiết hơn, ý nghĩa hơn.

Việc quyên góp được tổ chức trên phạm vi cả nước chính là nằm trong ý nghĩa đồng bào, truyền thống cao đẹp của dân tộc thương người như thể thương thân. Đóng góp dù lớn dù nhỏ, dù nhiều dù ít cũng đều hết sức quý giá. Tích tiểu thành đại, mỗi người bằng tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ người bị nạn, người nghèo sẽ cho ra kết quả to lớn. Trong việc trợ giúp người nghèo, người gặp nạn vùng thiên tai, người ta mong muốn rằng những đóng góp đó sớm đến tay người nhận, đúng đối tượng. Bởi lẽ sự trợ giúp kịp thời sẽ tiếp sức trực tiếp và hiệu quả nhất.

Ông cha ta nói rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Sự kịp thời phải là trên hết. Không có lý do gì khiến những đóng góp cho người nghèo, người gặp nạn lại bị chậm. Nếu điều đó xảy ra thì sự đóng góp sẽ giảm ý nghĩa và những người nhận được sự trợ giúp cũng không được trợ lực khi cần kíp nhất.

Nhân Ngày Vì người nghèo 17-10, trở lại câu chuyện làm gì để hỗ trợ người nghèo một cách hiệu quả nhất. Mấy năm nay, người ta bàn nhiều về việc “cho cần câu” thay vì “cho xâu cá”, với lập luận rằng những giúp đỡ vật chất cụ thể cũng chỉ giúp người nghèo khỏi lúc đói lòng, cái chính là phải giúp họ tự đứng trên đôi chân của mình, có cách làm ăn mới, tự mình vươn lên thoát nghèo. Điều đó không sai. Nhưng cũng không thể coi là duy nhất đúng. Vì rằng sự giúp đỡ người nghèo đúng lúc sẽ làm họ ấm lòng, nhen lên niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Xã hội từ đó cũng trở nên ấm áp hơn, nhân ái hơn.

Tuy nhiên, việc giúp đỡ người nghèo bên cạnh những đợt quyên góp rất cần thiết thì còn phải tính đến chiến lược dài hơi, sự thoát nghèo bền vững cho bộ phận công dân thiếu may mắn. Họ chính là bộ phận yếu thế trong xã hội. Đất nước còn nhiều vùng nghèo, nhiều người nghèo rất cần những chính sách hỗ trợ. Và chúng ta cũng đã có những chính sách như vậy.

Đó là chủ trương xóa đói giảm nghèo, là xây dựng những công trình phúc lợi phục vụ dân sinh ở những xã nghèo. Con em học sinh nghèo đến trường được miễn giảm học phí cùng với những chính sách ưu đãi khác. Người nghèo khi khám chữa bệnh được trợ giúp. Người nghèo được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp từ ngân hàng chính sách xã hội, để có lực đầu tư phát triển sản xuất... Đó là những chính sách căn bản, chính sách nền tảng để giúp người nghèo cơ hội đổi đời, vượt lên số phận.

Nhưng trong sự tăng tốc phát triển hiện nay, đáng tiếc là khoảng cách giàu - nghèo có nguy cơ giãn rộng. Suốt nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước đã tìm mọi cách để trợ giúp bộ phận công dân nghèo vươn lên. Thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được thế giới thừa nhận. Tuy nhiên, cùng với niềm vui khi xã hội dần thịnh vượng, số người giàu nhiều lên thì cũng còn đó sự day dứt với những người nghèo. Không ai trên cõi đời này muốn mình là người nghèo. Không ông bố, bà mẹ nào nỡ nhìn con cái không được đến trường, không thể bằng chúng bằng bạn chỉ do cái tội nghèo.

Những người khá giả trong xã hội nào cũng được coi là đầu tàu kéo cả toa tàu đi về phía trước. Họ thành công chính là nhờ tài năng, bản lĩnh, kể cả may mắn, nhưng trong những lý do đó không thể phủ nhận việc nhiều người trong số họ có một xuất phát điểm tốt. Vì vậy, việc giúp đỡ người nghèo của những người thành đạt cũng chính là quay lại với chính mình.

Khi xã hội giàu có lên, số người giàu nhiều hơn thì càng cần sự nhân ái nhiều hơn. Chỉ có như vậy xã hội mới ấm áp, mới hàn gắn. Rút ngắn khoảng cách giàu nghèo đòi hỏi sự nỗ lực lâu dài. Giúp đỡ người nghèo đòi hỏi một tấm lòng nhân ái.

Nam Việt