Xu hướng mới: Mua quyền công dân thông qua đầu tư
Ngày nay có tiền không chỉ mua được những món hàng xa xỉ mà ngay cả quyền công dân của một nước cũng có thể nằm trong tầm với. Gần đây nhất, sự kiện Brexit đã làm dấy lên làn sóng người dân Anh đổ xô đi đăng ký hộ chiếu Ireland.
Ảnh minh họa.
Trong lúc nhiều người dân Anh tìm cách sở hữu được những tấm hộ chiếu Ireland do quan ngại về tương lai của đất nước sau khi tách khỏi EU, thì một bộ phận khác không ngần ngại ghi danh xin hẳn Quyền công dân theo các chương trình đầu tư (CIP), khi mà chỉ bằng việc đầu tư vào nền kinh tế một quốc gia, một người sẽ được cấp cho tấm hộ chiếu quyền lực hơn.
"CIP thường thu hút những cá nhân đến từ các nước có hộ chiếu bị hạn chế đi lại, như các nước ở Trung Đông" - Nuri Katz, chủ tịch công ty cố vấn tài chính quốc tế Apex Capital Partners, cho hay - "Phần lớn các cá nhân đầu tư dạng này là giới doanh nhân có khối tài sản khoảng từ 2-15 triệu USD".
Hãng tư vấn xin quyền công dân Henley&Partners có trụ sở ở London (Anh) mới đây chỉ ra rằng Đức là quốc gia có tấm hộ chiếu được mong sở hữu nhất thế giới, xếp hạng dựa trên Chỉ số Hạn chế Visa 2017, nhờ được miễn thị thực khi đi tới 177 quốc gia trên thế giới. Đối với những người sở hữu tấm hộ chiếu không có “sức mạnh” như vậy thì CIP là một lựa chọn thay thế.
Khung pháp lý này cho phép người nước ngoài nhận được các tấm hộ chiếu bằng việc đóng góp một khoản tài chính lớn, thường là vào trái phiếu chính phủ hoặc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
CIP được cho ra mắt từ năm 1984 khi St. Kitts và Nevis - 2 quốc đảo nằm ở vùng biển Caribbe - đưa ra phiên bản đầu tiên và trở nên phổ biến hơn vào năm 2009.
"Có rất nhiều CIP ở vùng Caribbe, bởi đơn giản là khu vực này cần tiền và không có nhiều nguồn lực khác để họ có thể thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI)" - ông Katz nói.
Và theo thời gian, các chương trình kiểu này đã trở nên tiêu chuẩn hơn ở các nước phát triển như Mỹ, Canada và Anh, hay một số quốc gia khác ở châu Âu. Cũng có nhiều quốc gia khác đang cân nhắc về việc áp dụng CIP như Montenegro, Georgia, Kazakhstan và một số nước ở khu vực Balkan.
Cơ chế của CIP
Theo ước tính, hiện thế giới hàng năm có khoảng 5.000 người nhận được quyền công dân ở nước ngoài thông qua CIP. Ông Katz cũng là một trong số này. Ban đầu là một công dân Mỹ, vị doanh nhân này nhận được quyền công dân ở Israel và Canada, nơi mà ông sống trong một thời gian dài. Sau đó ông nhận thêm quyền công dân của đảo Kitss và Nevis nhờ đầu tư vào bất động sản.
Ông cũng là một công dân của Antigua chỉ nhờ việc mua một ngôi nhà, nơi mà ông hiện đang sống cùng gia đình mình.
"Tôi xin quyền công dân ở Antigua bởi nhận thấy có ngôi trường tốt cho con trai tôi theo học tại đây" - Katz nói - "Khi mua ngôi nhà này, tôi nhận ra rằng xin quyền công dân là lựa chọn khôn ngoan hơn là xin giấy phép cư trú, vốn yêu cần tái gia hạn định kỳ".
Nghe về CIP tưởng chừng dễ, nhưng thực chất tiến trình xin quyền công dân dạng này thường mất vài tháng, có khi vài năm. Thông thường, người xin sẽ phải trải qua một quá trình đánh giá về tài chính, tiền án tiền sự nếu có, để đảm bảo rằng số tiền họ đang có là hợp pháp.
Hiện nay, CIP của Mỹ thuộc dạng khó xin nhất thế giới. Người nộp đơn cần phải có khoảng thời gian sinh sống ở nước này 5 năm trước khi được xem là hợp lệ để xin quyền công dân. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt cũng kéo dài mất vài năm.
Quyền công dân tốt nhất
Số tiền đầu tư theo diện CIP để nhận được quyền công dân cũng tùy thuộc vào từng nước, như ở Dominica là 100.000 USD và ở Cyprus là 2,4 triệu USD. Và tấm hộ chiếu tốt nhất thường là có chi phí đầu tư cao nhất.
"Đảo Cyprus sở hữu quyền công dân thuộc hàng đắt nhất vì một số lý do. Thứ nhất, quyền được sinh sống ở châu Âu được xem là rất có giá" - ông Katz nói - "Thêm vào đó, các nhà đầu tư tin rằng đầu tư tiền vào bất động sản ở Cyprus mang lại lợi nhuận cao".
Ngoài ra, quốc gia ở vùng Địa Trung Hải này cũng được xem là nơi tiếp cận dễ dàng nhất đối với quyền công dân EU, thời gian xử lý đơn xin nhanh và tài liệu miễn phí.
Quyền công dân ở một số quốc gia khác cũng được nhiều người quan tâm như Bồ Đào Nha, nơi mà Chương trình Thị thực Vàng cho phép cư trú trong 2 năm và nhanh chóng nhận được quyền công dân.
Ở Bồ Đào nha, những người muốn xin quyền công dân cần phải đầu tư khoảng tiền tối thiểu 419.160 USD vào bất động sản hoặc tạo nên 10 công ăn việc làm cho quốc gia này.
Trong khi đó, các nước như Antigua và Barbuda - thuộc vùng biển Caribbe - lại có quyền công dân xin được với số tiền nhỏ hơn. Chỉ cần 200.000 USD tiền đóng góp vào Quỹ Biến đổi Quốc gia là đủ điều kiện.