Đánh cược tính mạng trên cầu dân sinh

Hạnh Nguyên 18/10/2017 08:45

Huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bị chia cắt bởi nhiều sông suối nên những cây cầu treo, cầu tạm là giải pháp tối ưu giúp người dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa thuận tiện trong việc đi lại.

Tuy nhiên, thời gian qua, bà con vùng rốn lũ này lại đang đối mặt với nỗi sợ hãi khi mỗi ngày phải đi lại qua những cây cầu tạm bợ, xuống cấp không biết sập bất cứ lúc nào.

Lo nhất là đợt mưa lũ vừa qua, trong khi các vùng khác chỉ bị cô lập 1-2 ngày thì người dân thôn Hương Yên, xã Lộc Yên lại phải “sống treo” tới 9 ngày do chiếc cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu chỉ cần mưa xuống là ngập băng, cầu lại như chiếc bừa hỏng, không có lan can bảo vệ nên người dân khiếp sợ mỗi khi phải đi qua.

Cây cầu dân sinh tạm bợ của người dân vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh.

Người dân vùng rốn lũ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thường xuyên phải đối mặt với nỗi sợ hãi khi mỗi ngày phải đi qua những chiếc cầu dân sinh xuống cấp. Song để mưu sinh, bà con không còn cách nào khác buộc phải đánh cược mạng sống của mình trên những chiếc cầu tạm bợ.

Đánh đu với số phận

Huyện miền núi Hương Khê bị chia cắt bởi nhiều sông suối nên những cây cầu treo, cầu tạm là giải pháp tối ưu giúp người dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa thuận tiện trong việc đi lại.

Toàn huyện có 22 xã, thị trấn thì đến 18 xã bị chia cắt bởi các con sông Ngàn Sâu, Sông Tiêm, sông Rào Trổ…

Để giao lưu buôn bán, sinh hoạt với bên ngoài người dân buộc phải qua sông, qua đò, đi qua các cầu tạm, cầu treo… Điều này đồng nghĩa với việc họ luôn phải đối mặt với hiểm nguy, đuối nước.

Đợt lũ vừa qua, trong khi các vùng khác chỉ bị cô lập 1-2 ngày thì người dân thôn Hương Yên, xã Lộc Yên lại phải “sống treo” tới 9 ngày.

Nguyên nhân là do chiếc cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu chỉ cần mưa xuống là ngập băng, cầu lại như chiếc bừa hỏng, không có lan can bảo vệ nên người dân không dám bước chân qua cầu khi nước chưa rút.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện - Phó chủ tịch UBND xã Lộc Yên, cầu Hương Yên năm nào cũng xảy ra tai nạn. Gần đây nhất là ngày 22/7, trong lúc chị Nguyễn Thị Sâm (43 tuổi, xóm Hương Yên, xã Lộc Yên) cùng hai đứa con nhỏ đi qua cầu tràn thì bất ngờ cả ba mẹ con bị nước cuốn trôi.

Trước khi 3 mẹ con chị Sâm gặp nạn, mực nước trên sông Ngàn Sâu vẫn bình thường. Chỉ qua một trận mưa lớn, cộng với Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ, trong tích tắc mực nước sông dâng cao, vượt qua cầu tràn làm ba mẹ con chị Sâm đi qua cầu không giữ vững được tay lái.

Rất may, hôm đó người dân đã nhanh tay cứu được chị Sâm và bé Đinh Nguyễn Như Quỳnh (3 tháng tuổi), còn em Đinh Văn Sơn (17 tuổi, học sinh lớp 11, Trường THPT Hương Khê) bị nước cuốn mất tích, 2 ngày sau mới tìm được thi thể.

Ông Thiện cho biết: Xóm Hương Yên hiện có 108 hộ dân (với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã), trong đó có khoảng 55 em học sinh các cấp thường xuyên phải đi lại qua chiếc cầu tràn này. Ngoài ra, người dân ở các xóm khác như Hưng Yên, Yên Bình, Hương Giang… cũng sử dụng cầu để mưu sinh ở phía bên kia. Trên thực tế, trong những năm gần đây nhiều gia đình đã chuyển đi sinh sống ở nơi khác do không có cầu vượt lũ nên vào mùa mưa thường bị cô lập, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Cầu treo Hà Linh (xã Hà Linh) cũng được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Cây cầu nối liền các tuyến giao thông huyết mạch của xã Hà Linh đến các vùng lân cận đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Lê Xuân Phú - Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho biết: Gần đây thấy quá nguy hiểm, nhận thấy cầu có thể sập bất cứ lúc nào …

Nín thở chờ đợi

Trước những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn tại các các cầu dân sinh xuống cấp nhưng vẫn phải “oằn mình” chống đỡ hàng nghìn lượt người và phương tiện, thời gian qua chính quyền và người dân xã Lộc Yên, Hà Linh thường xuyên “cầu cứu” lên cơ quan chức năng.

Đánh cược tính mạng trên cầu Hương Yên.

Ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chia sẻ: Những năm qua chính quyền luôn quan tâm và trăn trở về những cây cầu dân sinh.

Trong đó có những cầu trọng tải lớn để vận chuyển lương thực, thực phẩm, giao thương hàng hóa, các hoạt động văn hóa… đồng thời cũng là đường cứu nạn cửu hộ trong mùa mưa bão.

Đối với những cầu dân sinh đã xuống cấp, uy hiếp tính mạng người dân, huyện đã tập trung đề xuất, tham mưu ở tất cả các cuộc họp ở tỉnh, tiếp xúc cử tri. Đối với cầu Hà Linh, hiện nay đã được tỉnh cho chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục để cuối năm 2017 khởi công.

Cũng theo ông Huấn, thời gian gần đây, huyện Hương Khê đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, cơ quan chức năng, đầu tư một số cầu như cầu Phương Mỹ (xã Phương Mỹ), cầu Tân Dừa (xã Hương Trạch)…

Tuy nhiên, còn có những cầu đã xuống cấp như cầu treo Hương Giang (nối liền thị trấn Hương Khê đi Lộc Yên, Hương Thủy) có mức đầu tư lớn nhưng do kinh phí của huyện còn khó khăn nên rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ để xây mới, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Riêng đối với cầu Hương Yên, theo Phó chủ tịch UBND xã Lộc Yên Nguyễn Chí Thiện, sau hàng trăm lần kiến nghị, hàng chục lần khảo sát của cơ quan chức năng thì nay cầu đã lọt vào danh mục các dự án trung hạn từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên ông Thiện cũng băn khoăn, cây cầu uy hiếp tính mạng người dân, ảnh hưởng đời sống sản xuất, sinh hoạt, giao thương mỗi ngày mà dự án cứ nằm trên giấy năm này qua năm khác thì người dân vùng tâm lũ Lộc Yên không biết đến khi nào nguôi nỗi lo lắng.

Đợt lũ vừa qua, trong khi các vùng khác chỉ bị cô lập 1-2 ngày thì người dân thôn Hương Yên, xã Lộc Yên lại phải “sống treo” tới 9 ngày. Nguyên nhân là do chiếc cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu chỉ cần mưa xuống là ngập băng, cầu lại như chiếc bừa hỏng, không có lan can bảo vệ nên người dân không dám bước chân qua cầu khi nước chưa rút.

Hạnh Nguyên