Thu gọn đầu mối, giảm biên chế
Chính phủ vừa đề xuất thí điểm hợp nhất 3 văn phòng (đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) thành 1 văn phòng; Thanh tra và kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và nội vụ thành 1 cơ quan; văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành 1 đầu mối.
Quyết tâm thu gọn đầu mối, hợp nhất một số cơ quan qua đó giảm biên chế của Chính phủ được nhiều chuyên gia, dư luận đánh giá cao, tuy rằng đây là việc không dễ thực hiện.
Ảnh minh họa.
Đề cập đến nhóm giải pháp thể chế chính sách về tổ chức bộ máy, Chính phủ nêu rõ: “Chính phủ sẽ rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Chính phủ, Thủ tướng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, điều chỉnh, sắp xếp lại một số cơ quan nhà nước có nhiệm vụ giao thoa, trùng lắp về quản lý nhà nước, bảo đảm liên thông về phạm vi, đối tượng quản lý”.
Đối với sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Chính phủ yêu cầu thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy như quy định khung số lượng cơ cấu tổ chức, biên chế, cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quyết định hợp nhất, thành lập hoặc không thành lập cơ quan chuyên môn thuộc cấp mình quản lý theo quy định.
Những động thái này là một trong những động lực quan trọng để các bộ, ngành địa phương phải kiểm điểm, “soi” lại mình, có phương án cụ thể thực hiện quyết tâm tinh giản biên chế thông qua sắp xếp, thu gọn lại đầu mối. Thu gọn đầu mối để giảm biên chế đã được thực hiện ở một số địa phương thời gian qua.
Việc sắp xếp, hợp nhất các cơ quan trùng lắp nhiệm vụ đã được tỉnh Quảng Ninh quyết liệt làm, qua đó tiết kiệm được một khoản ngân sách không nhỏ từ việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy nhà nước. Hay việc thu gọn đầu mối cũng được Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng.
Năm 2016, qua rà soát, sắp xếp Hà Nội đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban; giảm 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở...
Hiện Hà Nội vẫn đang tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy thông qua sắp xếp, thu gọn đầu mối...
Cũng cần nói rằng không phải đến giờ phút này tinh giản biên chế, giảm bớt đầu mối mới được đặt ra. Vấn đề này đã thực hiện suốt nhiều năm qua.
Nhưng, nhìn vào thực tế, sự chuyển động còn rất khiêm tốn. Kết quả khiêm tốn là bởi quá trình làm còn “vướng” rất nhiều điều. Như câu chuyện hợp nhất, sáp nhập một số cơ quan của Hà Nội nhưng hiệu quả chưa nhiều cũng là điều đáng phải suy ngẫm.
Kết quả giám sát của Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố Hà Nội mới đây cho thấy, cùng với sự sắp xếp bộ máy từ Văn phòng UBND TP., các sở ngành, cuối năm 2016, Hà Nội đã sáp nhập 26 ban quản lý dự án (BQLDA) trực thuộc TP. và các sở, ngành thành 5 BQLDA trực thuộc TP., gồm: Ban QLDA giao thông, Ban QLDA văn hóa xã hội, Ban QLDA dân dụng và công nghiệp, Ban QLDA NN-PTNT và Ban QLDA cấp nước, thoát nước và môi trường.
5 “siêu” BQLDA được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản mà không giảm đi bất cứ biên chế nào khiến tổng số cán bộ của 5 ban lên tới 984 người và phải xin ứng tiền ngân sách để trả lương cho thấy không phải cứ thu gọn đầu mối là biên chế giảm.
Bộ Công thương cũng đã từng nổi lên như “ngôi sao cải cách” khi thu gọn số đầu mối (vụ, cục) từ 35 xuống còn 30. Điều này cũng sẽ giúp số phòng, đơn vị trong các vụ, cục sẽ giảm đi nhiều.
Cùng với đó, bộ máy sẽ từng bước được tinh gọn. Tuy nhiên, khi được hỏi về một lộ trình cụ thể gắn với kế hoạch tinh giản số lượng cán bộ, nhân viên thì Bộ này chỉ nói rằng “số lượng người hưởng lương ngân sách, biên chế hằng năm sẽ thực hiện đúng các quy định về biên chế công chức theo số lượng được Bộ Nội vụ giao”. Như vậy thì kết quả cuối cùng vẫn phải cần có thêm thời gian.
Thu gọn đầu mối, giảm biên chế là cần thiết nhưng vì sao nhiều lần tinh giản nhưng hiệu quả lại không được như mong đợi? Một trong những nguyên nhân theo nhiều chuyên gia là bởi “không ai lấy đá tự ghè vào chân mình”.
Tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối liên quan đến lợi lộc, quyền lực cá nhân và các mối quan hệ. Thêm đầu mối, thêm biên chế là là thêm lợi lộc, khi nguồn ngân sách cấp rót tăng lên; cơ hội đưa người thân vào bộ máy mở ra...
Tương ứng, họ sẽ thêm vây thêm cánh để thực hiện những quyết định gọi là “đúng quy trình” nhưng đầy toan tính, vụ lợi, có lợi cho một nhóm người.
Vì thế để có thể thu gọn đầu mối, qua đó giảm biên chế thì phải làm đến cùng. Nói như ĐBQH Bùi Thị An thì “sắp xếp bộ máy thời gian qua của Hà Nội tốt, nhưng tới đây phải kiên quyết làm đến cùng.
Thành phố Hà Nội đã có đề án vị trí việc làm thì phải quyết liệt triển khai, dựa vào đó để đánh giá hiệu suất lao động thực sự của từng người.
Việc “ép cơ học” về mặt đầu mối chỉ nên thực hiện trong 1 - 2 tháng, sau đó phải sàng lọc luôn, kiên quyết sắp xếp lại nhân sự, ai không đạt hiệu quả thì chuyển đi làm việc khác. Ghép nhưng sàng lọc thì bộ máy mới tinh giản. Chỉ ghép cơ học thì không thể tinh giản bộ máy, tinh giản con người”.
Tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối chưa bao giờ là việc dễ. Nhưng khó không có nghĩa không làm.
Theo ông Hoàng Ngọc Giao- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) thì “việc tìm rõ địa chỉ thực hiện yếu kém, có chế tài xử thật nặng đơn vị, người đứng đầu nếu không tuân thủ những quy định về quản lý biên chế chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy công cuộc tinh giản biên chế trúng đích hơn”.
Phải chăng đó cũng là một giải pháp cần thiết khi tiến hành thu gọn đầu mối, giảm biên chế.