Tránh 'đầu voi, đuôi chuột'

Thanh Giang 18/10/2017 09:05

Mong muốn người dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có đầy đủ thông tin sản phẩm để tự tin lựa chọn, thành phố đã có đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm nói riêng, tiến tới toàn bộ thực phẩm tươi sống nói chung.

Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã triển khai nhằm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tạo ý thức và yêu cầu người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn mới thấy vấn đề không đơn giản.

Heo vào chợ đầu mới thành phố Hồ Chí Minh không đủ thông tin truy xuất nguồn gốc và vòng nhận diện.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh tự chủ cung ứng khoảng 20 - 30% thực phẩm cho người dân thành phố. Để đáp ứng được nhu cầu thực phẩm hàng ngày thành phố phải tiếp nhận một lượng lớn thực phẩm từ 11 tỉnh, kể cả nguồn thực phẩm nhập khẩu.

Đây chính là bài toán khó cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm vì rủi ro an toàn thực phẩm với khối lượng khổng lồ như vậy là khó tránh khỏi.

Được triển khai từ tháng 12/2016 trên các kênh bán lẻ hiện đại và từ tháng 3-2017 tại các chợ đầu mối, chợ cấp 1 của thành phố, đến nay thành phố Hồ Chí Minh có 833 siêu thị, cửa hàng thực phẩm, 2 chợ đầu mối, 146 gian hàng thịt heo của doanh nghiệp lớn ở chợ truyền thống thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, khá nhiều cơ sở chăn nuôi, giết mổ thành phố và các tỉnh lân cận đăng ký tham gia Đề án. UBND thành phố chỉ đạo Sở Công thương cùng ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện đúng quy định Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Theo đó, từ ngày 16/10, sẽ kiên quyết không cho thịt heo không đeo vòng nhận diện, không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc nhập vào 2 chợ đầu mối của thành phố.

Thế nhưng, trong ngày đầu ra quân kiểm tra việc áp dụng ở hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, lãnh đạo ngành Công thương đành phải chấp nhận cho heo chưa truy xuất nguồn gốc vào chợ bình thường. Lý do, số lượng heo được đeo vòng, cùng với thông tin truy xuất nguồn gốc chiếm tỷ lệ quá thấp.

Tại chợ Bình Điền có 22 xe heo về chợ nhưng chỉ có 4 xe đáp ứng đầy đủ thông tin theo quy định của Đề án. Tương tự, tại chợ Hóc Môn, có 10/100 xe đáp ứng quy định.

“Xả cửa” cho heo vào chợ vì áp lực của tiểu thương, đồng thời tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho thị trường. Kết quả ngày đầu chính thức triển khai việc heo phải được đeo vòng nhận diện và thông tin truy xuất nguồn gốc đi kèm không hiệu quả như kỳ vọng.

Như vậy việc quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo chỉ thực hiện khá tốt ở kênh bán lẻ hiện đại còn tại kênh truyền thống vẫn có nhiều điểm không phù hợp cần tháo gỡ.

Rõ ràng chủ trương kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm tươi sống mà thành phố Hồ Chí Minh tiên phong thực hiện là phương pháp mới đáp ứng đúng xu thế phát triển của xã hội.

Điều đó hướng đến mục đích cuối cùng là bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, để công tác truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gà đạt hiệu quả đòi hỏi những sửa đổi cách làm.

Bởi vì, qua hiệu quả ghi nhận từ thực tiễn thấy rõ, Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc chưa thật sự hoàn thiện. Đề án xuất hiện lỗ hổng lớn cần phải “vá” lại.

Cụ thể, đầu mối cung cấp nguồn thịt heo từ các tỉnh chưa hỗ trợ để thực hiện tốt Đề án này. Thương lái cho rằng, khi thu mua, vận chuyển heo về cơ sở giết mổ lực lượng thú y các tỉnh không kích hoạt vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần kết nối thương lái, lực lượng thú ý các tỉnh, thành phố có nguồn cung mặt hàng này khi vào thành phố.

Bất cập nữa chưa được xử lý rốt ráo là việc thương nhân vẫn phải bỏ tiền túi đầu tư cho chủ trương này, ngoài phần hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện từ chính quyền thành phố.

Khi phát sinh chi phí từ phía thương nhân thì điều này dễ dàng bị bỏ qua, bởi họ sợ nhất là phải chi thêm tiền cho sản phẩm kinh doanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố phải bỏ “vốn mồi” giúp hoạt động quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống vào nề nếp, sau đó để thị trường tự phát triển, đào thải.

Trường hợp kiểm tra hay yêu cầu quá gắt gao việc truy xuất heo về chợ đầu mối mà thiếu phương án khả thi thì nguy cơ heo không nguồn gốc rõ ràng đi thẳng vào chợ lẻ. Lúc này công tác quản lý việc truy xuất nguồn gốc thịt heo khó gấp bội.

Nói chung khi đã có một đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn thành phố thì song song với phương pháp vận động, tuyên truyền người chăn nuôi, thương lái, cơ sở giết mổ thực hiện cần áp dụng biện pháp chế tài đi kèm.

Thiếu biện pháp chế tài, việc lập biên bản vi phạm, nhắc nhở và yêu cầu làm cam kết không đủ mạnh buộc các chủ thể tuân thủ, nguy cơ Đề án rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.

Thiết nghĩ, chỉ cần các lò mổ yêu cầu heo phải có nguồn gốc mới tiếp nhận, chắc chắn các trang trại chăn nuôi sẽ bị tác động.

Bên cạnh đó, khi lò mổ làm tốt việc truy xuất nguồn gốc, chợ đầu mối chỉ cần kích hoạt, kiểm tra, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Nhưng đó mới chỉ là thịt heo, tiếp tới còn thịt gia cầm, thực phẩm tươi sống nói chung. Sẽ còn khó hơn nhiều. Vậy thì, phải nhanh chóng “vá” lỗ hổng từ các giải pháp đã có, đồng thời tăng cường chế tài xử lý vi phạm.

Chỉ có như vậy mới hy vọng chúng ta có được thực phẩm sạch và một chủ trương đúng cũng không bị rơi vào quên lãng.

Thanh Giang