Nam Định: Nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự không được chuyển CQĐT
Trung ương kết luận trong quá trình thanh tra, Thanh tra tỉnh, sở TN-MT tỉnh Nam Định phát hiện ra những sai phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng các cơ quan này đã không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xác minh, khởi tố điều tra...
Thượng tướng Tô Lâm phát biểu kết luận hội nghị.
Sau 42 ngày kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Nam Định, ngày 18/10, tại tỉnh này, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức hội nghị công bố kết luận thanh tra.
Hội nghị do Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn công tác số 2; ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đồng chủ trì.
Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại hội nghị, đại diện Đoàn công tác số 2 đã công bố bản Dự thảo kết luận kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng tại tỉnh Nam Định.
Theo đó, cùng với việc nêu lên những mặt tích cực, Dự thảo kết luận đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong những mặt công tác trên của tỉnh Nam Định.
Đặc biệt, Dự thảo kết luận kiến nghị tỉnh tập trung xử lý, truy cứu trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan đến 9 vụ án, vụ việc có sai phạm nghiêm trọng, gồm: Tiểu dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn của 5 xã thuộc huyện Nam Trực do Công ty CP nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư.
Việc chấp hành pháp luật về đất đai của Công ty TNHH Hoàng Thọ Đúc; việc chấp hành pháp luật về đất đai của Công ty CP đóng tàu thủy Anh Việt (tại vùng đất bãi xã Xuân Châu (Xuân Trường).
Việc quản lý, sử dụng đất đai của Công ty TNHH thương mại-dịch vụ-nông nghiệp Rạng Động (Nghĩa Hưng).
Sai phạm trong việc giao đất trái thẩm quyền tại các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Ý Yên, Giao Thủy.
Việc Thanh tra tỉnh kết luận 44 cuộc thanh tra có sai phạm kinh tế trên 100 triệu đồng, đã được quyết toán nhưng không có kiến nghị xử lý.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Hàm Vụ trưởng Vụ theo dõi xử lý các vụ án (Ban Nội chính Trung ương),thành viên Đoàn công tác số 2 phát biểu làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng của tỉnh Nam Định.
Những sai phạm liên quan đến Dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn tỉnh Nam Định từ ngày 1/7/2004 đến 31/12/2016.
Liên quan đến vụ án tham ô hơn 4 tỷ đồng xảy ra tại Sở GTVT tỉnh Nam Định, Đoàn công tác kiến nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nam Định có hình thức kỷ luật tương xứng đối với ông Lê Nguyên Khính, nguyên Giám đốc Sở GTVT tỉnh.
Đoàn công tác cũng kiến nghị tỉnh xử lý những sai phạm liên quan đến dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường (xây dựng trên diện tích 9,3 ha, tổng vốn đầu tư 850, 814 tỷ đồng) do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư.
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Đoàn công tác số 2, Thượng tướng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích của tỉnh Nam Định trong công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Thượng tướng Tô Lâm nhìn nhận tình hình tham nhũng, sai phạm về kinh tế ở Nam Định còn phức tạp, qua kiểm tra cho thấy công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, gồm:
Một là: Vai trò trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức,đơn vị trong thực hiện công tác phòng chống tham nhũng còn hạn chế; chưa chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát.
Các vụ việc về tham nhũng, sai phạm kinh tế được phát hiện chủ yếu thông qua đơn tố cáo của công dân; việc giải quyết khiếu nại,tố cáo còn chậm, có vụ việc để kéo dài.
Hai là: Việc phát hiện về tham nhũng, sai phạm về kinh tế qua công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.
Kết luận thanh tra còn chung chung, mới tập trung thu hồi kinh tế, chưa làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm để kiến nghị xử lý.
“Thanh tra tỉnh phát hiện 44 cuộc có sai phạm kinh tế trên 100 triệu đồng, đã được quyết toán nhưng không kiến nghị xử lý, chủ yếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, Thượng tướng Tô Lâm nêu ví dụ.
Trong thời gian qua toàn tỉnh xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đất đai, nhất là việc giao đất, bán đất trái thẩm quyền, gây bức xúc trong dư luận, Thủ tướng đã có chỉ đạo xử lý.
Thanh tra tỉnh, Sở TN-MT tỉnh không kịp thời thanh tra theo chuyên đề, không chỉ đạo, hướng dẫn cấp huyện thanh tra lĩnh vực này, chưa kịp thời kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Những sai phạm này xảy ra trên diện rộng, thời gian kéo dài cho đến nay, có nhiều trường hợp khó khắc phục hậu quả.
Trong quá trình thanh tra phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự nhưng Thanh tra tỉnh, Sở TN-MT tỉnh không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xác minh, khởi tố điều tra.
Ba là: Việc xác minh tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trong một số vụ việc còn chậm, để kéo dài, quá thời hạn luật định; các vụ án kinh tế, án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu xảy ra ở cấp cơ sở; số vụ việc,vụ án ở mức độ lớn, ở mức nghiệm trọng được phát hiện, khởi tố điều tra trong một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đầu tư công,đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách nhà nước còn ít.
Trong công tác xét xử, Tòa án áp dụng hình phạt trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa thực sự đảm bảo chặt chẽ.
Cụ thể là cho một số bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ chưa phù hợp; chuyển tội danh cho bị cáo phạm tội tham nhũng sang tội nhẹ hơn.
Bốn là: Công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và cơ quan kiểm tra Đảng trong việc cung cấp thông tin có liên quan và xử lý các vụ việc,vụ án tham nhũng chưa thường xuyên, chặt chẽ (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh không nắm được hết thông tin về việc Thanh tra tỉnh đã kết luận thanh tra 44 cuộc có sai phạm về kinh tế trên 100 triệu đồng đã được quyết toán); sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ...
Năm là: Kết quả kiểm tra, giám sát cũng cho thấy những sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật đối với một số vụ việc được phát hiện qua công tác thanh tra về lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, thu chi tài chính... có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”, thạm chí là “Tham ô tài sản”...nhưng không được chuyển đến cơ quan điều tra xử lý; việc xử lý trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân chưa tương xứng với sai phạm, chưa đảm bảo quy định của Luật thanh tra...
“Đoàn công tác đề nghị các đồng chí phải nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiêm, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân chưa làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tập trung làm rõ nguyên nhân...”, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.