Mỹ, Nhật, Hàn duy trì biện pháp ngoại giao với Triều Tiên

18/10/2017 19:10

Trong hôm 18/10, giới chức cấp cao của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tái cam kết tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan nhấn mạnh rằng khối đồng minh này vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng cho viễn cảnh xấu.


Thứ trưởng Mỹ, Nhật, Hàn đưa ra tuyên bố trong cuộc họp báo chung hôm 18/10. (Nguồn: AP).

Sau khi có cuộc họp với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Seoul, ông Sullivan nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục xem ngoại giao, cùng với sức ép và các lệnh trừng phạt, như những biện pháp chính để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, dù Washington cam kết theo đuổi hướng tiến cận này, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn sẽ tiếp tục cân nhắc về "tất cả các lựa chọn" bởi "chính quyền Bình Nhưỡng rất khó đoán và không minh bạch", Thứ trưởng Sullivan nói trong cuộc họp báo sau khi nhóm họp.

"Mục tiêu của chúng tôi là, thông qua chiến dịch gây sức ép, mang Triều Tiên trở lại bàn đàm phán mà không có điều kiện nào được đưa ra, để chúng tôi có thể đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên" - ông Sullivan nói trong một cuộc họp báo, sau cuộc họp mà chủ đề thảo luận là nhằm đưa ra phản ứng trước các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên.

"Biện pháp ngoại giao là trọng tâm của chúng tôi và là biện pháp chính để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhưng chúng tôi cũng cần phải sẵn sàng để đáp trả, do tính chất khó đoán của chính quyền Bình Nhưỡng" - ông Sullivan nói.

Trước khi tới thủ đô Seoul để tham gia đối thoại với Thứ trưởng Hàn Quốc Lim Sung-nam, ông Sullivan và Thứ trưởng Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã có cuộc gặp ở Tokyo trong hôm 17-10 và tuyên bố sẽ tìm thêm các biện pháp để gây sức ép đối với Triều Tiên.

Trong hôm 18/10, ông Lim nói rằng các nước đồng minh đã nhất trí rằng tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên cần phải được "kiểm soát một cách ổn định".

Các cuộc thảo luận cấp Thứ trưởng tiếp nối sau một cuộc họp giữa các đặc phái viên hàng đầu của Mỹ, Nhật, Hàn liên quan tới các vòng đàm phám hạt nhân đã bị chững lại với Triều Tiên, trong đó có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc. Vòng đàm phán 6 bên lần cuối cùng được tổ chức vào cuối năm 2008 và Triều Tiên đã tiếp tục thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai vào tháng 5/2009.

Các cuộc thảo luận tổ chức tại Seoul xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tổ chức cuộc tập trận hải quân chung, trong đó gồm nhiều phi cơ chiến đấu, tàu ngầm và nhiều chiến hạm khác, bao gồm cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, nhằm huấn luyện ứng phó với các hành động khiêu khích từ Triều Tiên.

Được biết, 3 quốc gia đồng minh này thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung gần bán đảo Triều Tiên, khiến cho chính quyền Bình Nhưỡng hết sức tức giận, coi đó là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược đất nước họ.

Triều Tiên trong những tháng gần đây đã thử nghiệm nhiều vũ khí nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Họ từng phóng 2 tên lửa tầm trung qua không phận Nhật Bản, trong khi đe dọa sẽ tiếp tục thử nghiệm các loại vũ khí tương tự nhằm vào đảo Guam, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ trên biển Thái Bình Dương.

Phó Đại sứ Triều Tiên tại LHQ, ông Kim In Ryong, hôm 17/10 đã tuyên bố trước LHQ rằng đất nước của ông đã lên kế hoạch thử nghiệm thêm nhiều vụ phóng vệ tinh khác, điều mà chính phủ các nước khác coi là vỏ bọc cho các vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa của chính quyền Bình Nhưỡng.

Trong hôm đầu tuần, ông Kim còn nói trước Ủy ban giải giáp vũ khí của Đại hội đồng LHQ rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã "đạt tới điểm bước ngoặt và một cuộc chiến hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào", chỉ ra các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và cái mà ông gọi là kế hoạch lật đổ chế độ của Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng, Triều Tiên có quyền để sở hữu vũ khí hạt nhân với mục đích tự vệ.

Hội đồng Bảo An LHQ trước đó đã thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ sáu, trong đó nhằm vào giảm lượng nhiên liệu Bình Nhưỡng được nhập khẩu và cấm các nước nhập hàng dệt may từ Triều Tiên, tước đi một nguồn ngoại tệ mạnh quan trọng của nước này.