Loại bỏ linh vật ngoại lai
Trong 2 ngày 17 và 18/10, tại Ninh Bình, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức Hội nghị tập huấn về không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Đại biểu tham dự Hội nghị tham quan di tích tại đền Vua Đinh (Ninh Bình).
Chung tay của cộng đồng
Hội nghị cũng tập hợp kết quả 3 năm thực hiện Công văn chỉ đạo số 2662 của Bộ VHTTDL tới các cơ quan chức năng về việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cung tiến các biểu tượng, linh vật tới các di tích. Vấn đề sử dụng biểu tượng trang trí, hay sản phẩm văn hóa nước ngoài,vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong giai đoạn giao lưu và hội nhập quốc tế đã được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn.
Tại các địa phương, nhiều di tích bày đặt sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích đã tự di dời, gỡ bỏ. Như đình Hồi Quan (xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh) đã loại bỏ hoàn toàn các hiện bày đặt không đúng. Đặc biệt, tại đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), có tượng sư tử đá bày đặt trước cổng vi phạm Luật Di sản văn hóa. Qua thời gian tuyên truyền, đầu năm 2016, đôi tượng sư tử đá này đã được chủ nhân chủ động di dời ra khỏi di tích.
Theo ông Nguyễn Đức Bình- cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sau 3 năm triển khai thực hiện Công văn chỉ đạo số 2662 của Bộ VHTTDL đã có những chuyển biến tích cực trong việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, thẩm mỹ. Đặc biệt, nhiều công sở, nhà dân đã tự động di dời các biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp. Nhiều người đã tự trang bị kiến thức về lịch sử, thẩm mỹ truyền thống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa theo xu hướng tìm về bản sắc dân tộc.
Ghi nhận lớn nhất trong hành trình 3 năm thực hiện ý kiến của Bộ là sự hưởng ứng việc tuyên truyền thông qua cộng đồng mạng xã hội. Đó là một Nguyễn Trí Quang đã thực hiện số hóa gần 100 tượng linh vật Việt. Với những tư liệu hình ảnh này, nghệ nhân, nhà điêu khắc và công chúng sẽ tiếp cận và khai thác tư liệu linh vật được tốt hơn, giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu, bảo tồn và sáng tác sản phẩm thủ công truyền thống. Công ty điêu khắc Liên Vũ và Hội quán Di sản ở Hà Nội đã tiến hành thực hiện phục chế một số mẫu tượng linh vật truyền thống.
Kiến trúc sư Nguyễn Giang, chủ cơ sở xưởng Gỗ Giang ở làng Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) đã thực hiện đầu tư chiều sâu trong việc chế tác linh vật Việt, đào tạo tay nghề thợ chạm khắc các sản phẩm tượng nghê truyền thống, chạm khắc hoa văn kiến trúc. Làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình) đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tạo ra các sản phẩm tượng nghê, sư tử theo phong cách nghệ thuật tạo hình truyền thống. Người mua đến Ninh Vân đã tiếp cận sản phẩm và đặt hàng khá nhiều.
Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng trong đó có phục hồi các biểu tượng, linh vật của dòng tranh này phục vụ Tết Đinh Dậu, sắp tới Tết Mậu Tuất, tranh Kim Hoàng sẽ ra mắt những tranh mới với những linh vật của Việt Nam được lấy mẫu từ trong trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định… nơi có các làng nghề truyền thống, nghệ nhân mộc, đá, đồng cũng đã hưởng ứng tạo tác linh vật nghê, sư tử… đồ thờ theo phong cách nghệ thuật truyền thống. Các sản phẩm đã được khách hàng đón nhận.
Buồn vui lẫn lộn
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân (có cả cán bộ làm công tác quản lý nhà nước) không biết, không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai với các sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Phần lớn nhân dân không biết việc cung tiến tượng linh vật, đồ thờ vào di tích lịch sử văn hóa mà chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Thời gian qua, nhiều sách giới thiệu hoa văn trang trí, tượng… truyền thống của nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc được phát hành với giá thành rẻ.
Bên cạnh đó, chính các nghệ nhân dễ dàng tiếp cận các ấn phẩm này, mua về và lấy mẫu sử dụng để chế tác các sản phẩm của mình. Từ đó sản phẩm mang yếu tố của nước ngoài được nhân bản và phát triển mạnh. Trong khi đó, ở nước ta việc xuất bản các sách giới thiệu về hoa văn, tượng, sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam còn thiếu. Hiện nay cán bộ quản lý còn buông lỏng, ngại va chạm, ngại đụng chạm vấn đề tâm linh, chưa sâu sát với di tích và cộng đồng địa phương để tìm cách tháo gỡ, tuyên truyền vận động.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho rằng điều quan trọng nhất để thực hiện tốt việc tiếp tục thực hiện việc này đó là chúng ta phải truyền thông, tuyên truyền về các giá trị, vẻ đẹp, sự linh thiêng của các linh vật Việt Nam. Thứ hai nữa là chúng ta phải tập huấn hướng dẫn định hướng cho những nơi sản xuất để quảng bá. Cùng với đó để những nơi sản xuất được tốt chúng ta cũng cần phải có những chế tài ở những nơi công cộng, những nơi thờ tự, những di tích lịch sử danh lam.
Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đề xuất trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền vận động người dân, tăng cường tổ chức các hình thức triển lãm, trưng bày, hội thảo. Cần quảng bá mỹ thuật truyền thống, biểu tượng, linh vật truyền thống của Việt Nam ra nước ngoài.
Đối với các di tích đình, đền, chùa, các cơ sở thờ tự công tác tuyên truyền cần được cán bộ văn hóa ở các địa phương lên phương án thực hiện lồng ghép tại các buổi lễ. Cần nâng cao nhận thức cho các nhà sư trụ trì, thủ từ, thủ đình để chính họ là những người tuyên truyền hiệu quả nhất tới Phật tử và người dân trong việc loại bỏ sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.