Hoa Phong lan

Mỹ Hiền 22/10/2017 14:55

Nhiều người ví Phong lan như nữ hoàng của các loài hoa. Phong lan rừng lại là chúa của những loài Phong lan. Vẻ đẹp của Phong lan trong môi trường tự nhiên vừa mong manh lại vừa lộng lẫy. Nhưng do sự khai thác quá dữ dội nên Phong lan rừng ngày một ít, những loài Lan quý đã dần biến mất.


Phong lan khoe vẻ đẹp lộng lẫy trong tự nhiên.

1.Đất nước ta có nhiều vùng miền địa lý khác nhau nên cũng có những điểm khác nhau về sinh học. Trong rừng núi của miền Bắc, miền Trung hay Tây Nguyên, Phong lan rừng khá nhiều và đa dạng chủng loại. Mỗi loài Phong lan rừng ở từng địa phương khác nhau lại có nét đẹp riêng, hương sắc riêng và sự lộng lẫy riêng.

Tại Đông Nam Bộ, Phong lan rừng “sống nhờ” trên những cây Vừng, cây Râm, cây Sến Mủ, Dầu và có những loài Lan rất đẹp. Trong đó phải kể tới Lan đuôi cáo, Lan đuôi chồn, Lan ngọc điểm, Lan giáng hương, Lan hỏa hoàng... Ở Long Khánh, người ta còn thấy một loài Phong lan lạ được người dân địa phương gọi là Lan bầu rượu.

Tại Tây Nguyên, Lan rừng sống ở độ cao từ 700 đến 1.000m so với mực nước biển, trong những khu rừng hỗn giao, trên những cây Cà chắc, Cà gần, Cẩm liên, Dẽ xồi, Sến… Phong lan ở đây được coi là đẹp nhất Việt Nam, với những loài danh giá như Lan lụa vàng, Lan hoàng phi hạc, Lan long tu, Lan giã hạc, Bạc lan, Lan tuyết ngọc, Lan nhất điểm hoàng, Lan mũi hài, Lan phi điểu...

Tại vùng giáp ranh giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận (Nam Trung Bộ), cũng có những loài Lan rừng mà vẻ đẹp của nó vô cùng độc đáo. Đó là loài Huyết lan, Lan đơn cam, Lan tử hoàng và Lan uyên ương.


Vẻ đẹp thuần khiết của Phong lan.

Người ta hay nói “hồng nhan bạc phận” là để chỉ những người con gái quá xinh đẹp thì thường phận người không may mắn. Nhưng câu nói ấy cũng rất đúng với Phong lan rừng, có nghĩa là chúng càng đẹp, càng lạ, càng độc đáo thì càng bị khai thác dữ dội. Và cũng thật lạ, những loài Phong lan cực đẹp cũng lại có đời sống không dài trong tự nhiên so với những loài Phong lan khác. Nhìn chung, Phong lan là loài hoa khó thích nghi với thời tiết nóng, với những loài Phong lan hiếm lại yếu ớt thì điều đó lại càng rõ rệt hơn.

Trong Sách đỏ thực vật Việt Nam, người ta đã thống kê nhiều loài Phong lan rừng có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có Lan Tiểu hoàng đỏ, Lan kim tuyến, Lan cầu điệp, Lan hành điệp, Lan giác thư, Nhục lan sơn trà, Lan hoàng thảo, Lan hài đài cuộn, Lan hài hồng, Lan huyết nhung, Mao lan Đà Lạt... Vì sự đa dạng sinh học, và nếu thự sự yêu hoa Phong lan thì cần nhận rõ nguy cơ đe dọa chúng. Vì vậy Phong lan rừng cần phải được bảo vệ thay vì khai thác như thời gian qua.

Đừng tưởng đem chúng về thành thị chăm chút là làm điều tốt cho Phong lan rừng. Ngược lại, chúng ta sẽ giết chúng vì không thích nghi được với môi trường lạ.


Lan Ngọc điểm.

2.Cùng với núi rừng miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, thì núi rừng phía Bắc đất nước cũng có nhiều loài Phong lan rừng rất đẹp. Nhưng có lẽ tập trung nhiều Phong lan nhất, đẹp nhất là những cánh rừng tỉnh Tuyên Quang.

Nơi đây khí hậu nhiệt đới ẩm 4 mùa rõ rệt trải dài trên nhiều dãy rừng nguyên sinh và núi đá vôi, rất phù hợp với những loài Lan rừng. Nơi đây có những loài Phong lan đặc hữu không tìm thấy ở nơi khác. Trước hết phải kể đến Lan hải hằng- cái tên gợi lên vẻ đẹp kiêu sa của người con gái thị thành náu thân nơi vùng sơn cước.

Lan hải hằng chỉ sống trong những cánh rừng già, trên những thân cây lâu năm bám trên vách đá vôi ẩm ướt của huyện Lâm Bình. Hoa của Lan hải hằng cánh trắng, sọc hồng, thường nở vào tháng 4-5. Thời gian sau Tết, nếu có dịp đến rừng Lâm Bình, nếu may mắn bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh Lan hải hằng e ấp mà kiêu hãnh dưới những tán lá cây xanh tốt.

Một loài Lan nữa ở Tuyên Quang cũng rất đẹp là Lan kiều đạm thanh, có khá nhiều ở huyện Nà Hang. Loài Lan này nở vào tháng 8, khi tiết trời oi bức. Trong rừng, nhờ bóng mát của cây, nhiệt độ giảm hẳn, mát mẻ và trong lành. Ngồi dưới tán cây cổ thụ ngắm những “nàng” Kiều đạm thanh khiến tâm hồn ta trở nên thanh khiết. Hoa Lan kiều đạm thanh có màu tím trắng, nhị vàng mang tới một vẻ đẹp khác lạ.

Người Tuyên Quang rất yêu Phong lan, hoa Lan rừng được người ta bảo vệ chu đáo. Nhưng cũng có không ít người đã sưu tập được nhiều loại Phong lan quý hiếm, chăm chút rất cẩn thận với mục đích mang lại vẻ đẹp cho đời.


Lan mũi hài.

Anh Nguyễn Văn Trang (tổ 19, phường Tân Quang, TP Tuyên Quang) là người chơi Phong lan nhiều năm và rất nổi tiếng với bộ sưu tập lên tới hơn 100 loài Lan. Bộ sưu tập Phong lan của anh Trang nổi tiếng với với các loài lan đuôi sóc, vẩy rồng, đuôi cáo, phi điệp, đai châu, lưỡi kiếm, hạc vĩ, long tu… Từ một người yêu Phong lan, trở thành người sưu tập Phong lan, anh Trang rất am hiểu loài hoa “đỏng đảnh” này. Anh đã nhân giống thành công nhiều loài Lan quý hiếm, được giới chơi Phong lan vì nể.

Theo anh Trang, nuôi Phong lan dễ mà khó. Phong lan cần “ẩm nhưng không ướt, khô nhưng không hạn”. Trong vườn nhà, Phong lan phải được treo dưới tán cây hoặc trên các giá thoáng mát, có lưới cách nhiệt phủ bên trên cao. Cũng tùy theo từng loài Lan mà treo chúng ở chỗ ánh sáng, độ ẩm khác nhau. Sau mỗi trận mưa lại phải rửa lá cho Phong lan, đề phòng có mưa axít làm chúng thui chột.

Mỹ Hiền