Hợp tác công tư: Chìa khóa tiềm năng cho phát triển vùng Tây Nguyên
Hợp tác công tư là xu hướng, chìa khóa tiềm năng cho phát triển dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, cũng là phương cách hữu hiệu để các doanh nghiệp và tư nhân thể hiện trách nhiệm xã hội.
Quang cảnh diễn đàn.
Ngày 19/10, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông),Ủy ban dân tộc và Hội đồng dân tộc Quốc hội, UBND tỉnh Đắk Nông và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số với Chủ đề “Diễn đàn xúc tiến hợp tác công tư trong phát triển dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên năm 2017”.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là khu vực trọng điểm phát triển cây công nghiệp, có tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng và có nhiều nhóm dân tộc thiểu số sinh sống.
Những năm qua, để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên phát triển, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều dự án lớn như: Chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên thực trạng phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số còn cao; vì vậy để giúp Tây Nguyên phát triển cần phải có nhiều giải pháp.
Tại diễn đàn, các đại biểu được nghe tham luận quan trọng, với quá trình nghiên cứu sâu sắc, đưa ra những số liệu và ý kiến phản biện đáng lưu ý, cùng các sáng kiến, giải pháp khả thi. Hợp tác công tư là xu hướng, chìa khóa tiềm năng cho phát triển dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, cũng là phương cách hữu hiệu để các doanh nghiệp và tư nhân thể hiện trách nhiệm xã hội.
Diễn đàn cũng là cơ hội để các nhà khoa học, học giả, nhà quản lý, giới trí thức, doanh nghiệp và các đối tác phát triển chia sẻ bài học kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực hợp tác công tư trong giảm nghèo và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Đây cũng là dịp để các tỉnh trong khu vực gửi tới thông điệp, khát vọng đổi mới, phát triển của một vùng đất giàu tiềm năng, cơ hội, nhưng cần có sự hợp tác, kết nối, hỗ trợ để giảm nghèo bền vững hơn.
Đặc biệt, qua diễn đàn, các địa phương trong khu vực mong muốn nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia kinh tế về phương hướng, giải pháp xúc tiến hợp tác công tư hiệu quả nhất để hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu tham quan trang trại xanh Thu Thủy.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến và các đại biểu tham dự diễn đàn đã cùng tham quan mô hình trang trại xanh Thu Thủy tại thôn 10, xã Nâm N'Jang, huyện Đăk Song.
là mô hình trang trại nông-lâm kết hợp có diện tích 52ha trồng rừng và cây nông nghiệp dưới tán rừng theo công nghệ sạch tiêu chuẩn quốc tế. Công nhân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái từ tỉnh Thanh Hóa vào. Công nhân được đào tạo làm việc phù hợp với mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.