Hàng dệt may Việt Nam tại Hoa Kỳ: Cạnh tranh khốc liệt
Các chuyên gia Hoa Kỳ cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ khá cao nhưng mặt hàng này đang phải cạnh tranh gay gắt. Thêm vào đó, các chuyên gia nước ngoài cho rằng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do Hoa Kỳ thắt chặt hơn các quy định, quy chuẩn về an toàn các sản phẩm nhập khẩu.
Hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tăng cao.
“Cõng” thuế cao
Theo ông Jon Fee, Cố vấn cao cấp của Alston & Bird LLP cho biết, một năm trở lại đây, nhập khẩu hàng may mặc vào Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng 8,74%. Đối với thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc ở cả hai nhóm may mặc và giày dép. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường may mặc Hoa Kỳ, thậm chí ngay cả khi không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay hiệp định thương mại tự do nào.
Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Hoa Kỳ đánh giá cao các điểm mạnh về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng của Việt Nam. Hoa Kỳ đang là thị trường khá tiềm năng đối với mặt hàng may mặc và giày dép Việt Nam song tại đây Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rào cản. Đơn cử, Việt Nam đang xếp thứ 2 trong tốp 15 quốc gia đóng thuế nhập khẩu hàng hóa cao nhất khi vào Hoa Kỳ.
Cụ thể, số tiền thuế hàng nhập khẩu xuất xứ từ Việt Nam phải đóng chiếm khoảng 10% số tiền thu thuế hàng nhập khẩu của Mỹ. 8 tháng đầu năm 2017, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ phải đóng hơn 2,2 tỷ USD thiếu thuế.
Bàn về vấn đề này, ông Nate Herman - Phó Giám đốc cấp cao Chuỗi Cung ứng AAFA nhận định, hàng hóa Việt Nam đang bị mất lợi thế cạnh tranh vì đóng thuế khá cao, cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Vị này thông tin, có mặt hàng Việt Nam bị đánh thuế trên 30%. Đối với mặt hàng dệt may cũng ở mức 17%.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Nate Herman cho biết thêm, Nhật Bản xếp thứ 4 về giá trị kim ngạch nhập khẩu vào Hoa Kỳ với 89,2 tỷ USD nhưng chỉ đóng hơn 1,5 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng sang thị trường Hoa Kỳ với hơn 30 tỷ USD nhưng tổng tiền thuế lên đến 2,2 tỷ USD. Có thể thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải cạnh tranh với những quốc gia được hưởng lợi thuế quan vào Hoa Kỳ.
Thích ứng với thay đổi
Song song khó khăn trên, Chính phủ Hoa Kỳ còn rà soát lại hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập cho các mặt hàng giày dép, đồ dùng du lịch và may mặc. Dù hiện tại Việt Nam vẫn là nhà cung cấp đồ dùng du lịch lớn thứ 2 cho Hoa Kỳ (sau Trung Quốc) nhưng sắp tới sẽ có sự cạnh tranh với Campuchia và Myanmar vì hai nước này đang nhận ưu đãi từ hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của Hoa Kỳ (hưởng thuế 0% khi vào Hoa Kỳ) trong khi Việt Nam thì không được hưởng.
Không thật sự thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu khi phải cạnh tranh không cân sức, tuy nhiên cánh cửa này đóng lại, chắc chắn cánh cửa khác sẽ mở ra. Chính quyền Hoa Kỳ sẽ không xem xét lại TPP thì Việt Nam cần quan tâm đến các hiệp định khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu EVFTA, Sáng kiến “vành đai & con đường” BRI, và chiến lược hợp tác Việt Trung “Hai hành lang và một vành đai kinh tế”.
Ông Josue Solano, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành BBC International LLC khuyến nghị: “Mọi sự vận động và thay đổi đều không tránh khỏi. Muốn thích ứng, doanh nghiệp phải liên tục cập nhật những thay đổi của thị trường, phải biết được chúng ta giao hàng cho ai, giao ở đâu và thời điểm nào để có những chiến lược sản xuất phù hợp”. Bên cạnh sự thay đổi với những điều kiện mới của thị trường xuất khẩu thì chuỗi cung ứng hàng may mặc và giày dép nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.