Thế giới có 9 triệu người chết vì ô nhiễm môi trường trong năm 2015

Linh Chi 21/10/2017 10:00

Trong năm 2015, đã có khoảng 9 triệu trường hợp tử vong trên toàn thế giới có liên quan tới ô nhiễm ở các dạng gồm ô nhiễm không khí, nước, đất, hóa học, theo một bản báo cáo mới được đăng tải hôm 20-10 trên tuần san y học The Lancet.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi, Ấn Độ được coi là tồi tệ nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. (Nguồn: UPI).

Ô nhiễm không khí hiện là nhân tố hàng đầu dẫn tới tình trạng chết sớm; theo nghiên cứu vừa được thực hiện bởi Ủy ban Ô nhiễm và Sức khỏe của The Lancet.

Dạng ô nhiễm này có liên quan tới 6,5 triệu trường hợp tử vong trong năm 2015. Ô nhiễm nước, gây ra 1,8 triệu trường hợp tử vong, và ô nhiễm tại môi trường làm việc, dẫn tới 0,8 triệu trường hợp tử vong là những rủi ro đứng sau ô nhiễm không khí.

Có đến 92% số trường hợp tử vong do ô nhiễm nói trên là người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Và 1/4 số ca chết sớm ở các nước đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Bangladesh, Madagascar và Kenya - đều có liên hệ tới chất lượng không khí, nguồn nước, đất đai bị ô nhiễm.

"Tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng không đồng đều với người nghèo và những người dễ bị tổn thương" - Tiến sỹ Olusoji Adeyi, Giám đốc Phòng Sức khỏe, Dinh dưỡng và Dân số thuộc World Bank Group, cho hay.

Xét trên tất cả các quốc gia ở mọi mức độ thu nhập, các loại bệnh gây ra bởi ô nhiễm ảnh hưởng nhiều nhất tới các nhóm thiểu số. Tiến sỹ Philip J. Landrigan, đồng tác giả báo cáo của The Lancet, nói rằng vấn đề ở đây là các chất hóa học.

"Có hàng nghìn loại chất hóa học và chúng tôi biết được rằng nhiều người đang bị ảnh hưởng từ chúng" - ông Landrigan cho hay - "Chúng tôi chỉ chưa biết các loại chất hóa học nào đang trực tiếp gây hại cho họ".

Tác động từ công nghiệp hóa

Dữ liệu mà bản báo cáo mới dựa trên đến từ 2 nguồn đáng tin cậy, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Hệ thống các chỉ số và đánh giá về sức khỏe của Mỹ (IHME). Dữ liệu được thu thập bởi vệ tinh cùng nhiều công nghệ hiện đại khác để mang tới nhiều thông tin chính xác hơn.

"Lần đầu tiên, chúng tôi đã có thể thu thập được tất cả thông tin về một mối, liên quan tới các trường hợp tử vong do mọi loại ô nhiễm trên thế giới, và tổng kết thành nghiên cứu" - ông Landrigan nói.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng các nước nghèo nhất trên thế giới lại có con số người chết vì ô nhiễm ít hơn nhiều so với các nước có thu nhập thấp và trung bình.

"Thứ khiến cho số trường hợp tử vong ở các nước thu nhập thấp và trung bình đang ra sức công nghiệp hóa gia tăng không phải là loại ô nhiễm thông thường, mà là ô nhiễm không khí do công nghiệp hóa tại các vùng đô thị - ô nhiễm hóa chất" - ông Landrigan nói.

Trong khi đó, ô nhiễm thông thường gia tăng ở mức độ hộ gia đình và có liên quan tới tình trạng nghèo, ông Landrigan nói. Ô nhiễm không khí ở cấp độ hộ gia đình là hậu quả của việc nấu ăn trong nhà và sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Trong khi đó, các dạng ô nhiễm hiện đại lại chính là ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm đất và ô nhiễm môi trường làm việc - tất cả đều liên quan tới công nghiệp hiện đại, các thành phố hiện đại và lối sống hiện đại.

Những con số đáng ngại

Trong bản báo cáo mới nhất, giới khoa học cũng khẳng định ô nhiễm môi trường và các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường tác động mạnh nhất đến người nghèo và không có quyền hành trong xã hội. Các nạn nhân do ô nhiễm môi trường thường là những đối tượng dễ bị tổn thương và không có tiếng nói trong xã hội.

Ô nhiễm môi trường cũng đe dọa đến quyền con người cơ bản, trong đó có quyền được sống, sức khỏe, thịnh vượng, lao động an toàn, cũng như bảo vệ trẻ em và những đối tượng bị tổn thương nhất.

Không chỉ gây nhiễm độc, ô nhiễm môi trường còn khiến con người mắc các bệnh liên quan như tim, đột quỵ, phổi và ung thư. Thống kê cho thấy, mỗi năm, thế giới mất khoảng 4.600 tỷ USD để chi trả cho các vấn đề phúc lợi xã hội trong đó tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Theo đó, các nước thu nhập thấp phải chi tới 8,3% tổng thu nhập quốc dân cho những người bị thiệt mạng hoặc bị bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập cao là 4,5%.

Cũng theo báo cáo trên, mặc dù số người thiệt mạng do ô nhiễm nước và không khí đã giảm từ 5,9 triệu trong năm 1990 xuống còn 4,2 triệu người vào năm 2015, do các nước nghèo đã trở nên giàu hơn.

Tuy nhiên, số người tử vong do ô nhiễm liên quan đến phát triển công nghiệp, trong đó có ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm đất, tăng từ 4,3 triệu người lên 5,5 triệu người trong cùng giai đoạn.

Linh Chi