Ứng phó với mưa lũ: Giá đắt từ sự chủ quan
Chỉ tính riêng trận mưa lũ diễn ra từ ngày 10 đến 12-10 vừa qua, tại tỉnh Thanh Hóa có 19 người chết, ước tính thiệt vật chất lên tới 2.900 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được xác định là do chủ quan, xem thường sức mạnh của thiên nhiên.
Bên cạnh đó, hệ thống đê điều chưa được quan tâm đầu tư, gia cố đúng mức cũng góp phần làm tăng thêm mức độ thiệt hại…
Điểm đê trên sông Cầu Chày bị lũ khoan thủng.
Chết do khinh suất
Chiều ngày 19/10, PV báo Đại Đoàn Kết có buổi làm việc với ông Lê Đức Đệ - Chủ tịch UBND xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, ông Đệ cho biết: Trên địa bàn có 1 người chết do mưa lũ, nạn nhân là anh Phạm Văn Sanh (23 tuổi, trú xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc). Khi mưa lũ gây ngập lụt, anh Sanh đến thôn Hữu Lễ, xã Thọ Xương đánh cá trong vùng ngập nước.
Đúng thời điểm đó có một con chồn gặp lũ bơi tới gần, anh Sanh bất chấp bơi ra vớt thì rơi vào xoáy nước dẫn tới thiệt mạng. Ông Đệ nhớ lại câu chuyện này là bởi ông cho rằng, có nhiều cái chết oan uổng chỉ bởi con người tự xem thường mạng sống của mình.
Xã Thọ Xương có 4 hộ làm trang trại chăn nuôi bên ngoài bãi giáp ranh bờ sông Chu. Khi mưa lũ đổ về, chính quyền đôn đốc liên tục, thậm chí phải thúc ép, họ mới đưa vợ con, người già cùng tài sản giá trị về trong làng trú ngụ. Song 4 thanh niên khoẻ mạnh thì quyết bám trụ ở gia trại của mình.
“Hôm nay tôi nói thật. Đêm 11/10, khi nước lũ về, cán bộ xã gọi điện đôn đốc tiếp, họ vẫn không chịu di dời mà còn nói: “Bọn em có thuyền, các bác cứ yên tâm, nước ngập nhà, sẽ bơi thuyền vào”.
Song khi lũ về quá nhanh, chảy xiết như thác đổ, bốn con người đành phó mặc tính mạng cho hà bá. May mắn đến rạng sáng 12/10, nước đỡ chảy mạnh hơn, lực lượng công an của hai huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc phải dùng xuồng máy cao tốc lao ra mới cứu được những người đàn ông cứng đầu này. Cứu sống rồi mới thấy giận, giận vì họ làm khổ, gây nguy hiểm cho nhiều người và tạo hệ luỵ nếu xảy ra điều không mong muốn đối người thân cũng như cơ quan chức năng”- ông Đệ nói.
Bức xúc hơn nữa, đó là câu chuyện do lãnh đạo xã Thọ Diên đưa ra tại cuộc họp đánh giá tình hình đối phó với mưa lũ do UBND huyện Thọ Xuân tổ chức.
Không bức xúc sao được, khi mà chính quyền vất vả di dân khỏi vùng ngoại đê về nơi an toàn rồi thì còn có những bà con vì lo lắng tài sản lại gọi điện lên huyện đòi đưa họ quay trở về nhà.
Thậm chí, trong lúc mưa lũ, các ngành chức năng đang phải ứng cứu cho hàng nghìn người khác cùng tài sản thì có trường hợp ra điều kiện phải đưa cả xe máy của họ theo, họ mới chịu di dời.
Đau đớn hơn, đó là trường hợp của hai bố con anh Vi Văn C. (28 tuổi) và cháu Vi Thị Linh Đ. (1 tuổi), trú thôn Chiềng, xã vùng cao Yên Nhân, huyện Thường Xuân chết do sụt lở đất.
Cả ngày 11/10, anh C. lo dọn đồ đạc của gia đình mình và hỗ trợ 4 hộ dân khác trong cụm dân cư di chuyển đến nơi an toàn. Cả 4 gia đình láng giềng đều bỏ lại nhà cửa đi sơ tán, riêng vợ chồng anh C. ngủ lại trong chính ngôi nhà định mệnh.
Chị Vi Thị H. (vợ anh C.) kể: “Đêm 11/10, khi cả nhà đang ngủ thì em nghe ầm một tiếng lớn rồi em văng ra ngoài, ngất đi nhưng được mọi người đến cứu. Còn anh C. và con gái đầu lòng cùng 5 ngôi nhà đều bị đất đá sụt lở từ trên đồi cao lao xuống vùi lấp. Giá như đêm đó, vợ chồng em cùng di tản giống các hộ lân cận thì em đâu phải đón nhận cảnh đau thương thê thảm thế này!”
Báo động về hệ thống đê điều
Qua tìm hiểu cho thấy, nguyên nhân dẫn tới mức độ thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế, con người tại Thanh Hoá trong đợt mưa lũ vừa qua, ngoài yếu tố khách quan của thiên tai, sự chủ quan của người dân thì còn có cả yếu tố “nhân tai” góp phần.
Nhiều ngôi nhà ở xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) bị vùi trong đất đá.
Một số hộ dân ở thôn Luận Văn 1, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân cho biết: Họ không nhận được thông báo về việc hồ chứa nước thuỷ điện Cửa Đạt xả lũ.
Trong khi nước dâng quá nhanh khiến việc di chuyển tài sản không kịp dẫn tới thiệt hại trôi gà, trôi lợn, lương thực bị ngâm trong lũ mọc mầm.
Về việc này, chính ông Phạm Hồng Huấn- trưởng thôn Luận Văn 1 thừa nhận: “Tôi không nghĩ nước lũ có thể dâng tới chỗ mấy hộ dân ở khu đất cao nhất trong thôn nên không kịp thông báo”.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thuỷ- tổng giám đốc Cty TNHH MTV thuỷ nông Sông Chu (đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa nước Cửa Đạt) khẳng định: “Nước về hồ Cửa Đạt khoảng 500 triệu m3, Công ty chỉ xả lũ 200 triệu m3. Chúng tôi thông báo trước khi xả lũ gần 24 giờ cho chính quyền huyện Thọ Xuân. Lỗi chậm thông báo tới người dân không thuộc về trách nhiệm của Công ty”.
Theo báo cáo số 244/BC-UBND ngày 17/10 về tình hình thiệt hại do mưa lớn kéo dài của riêng huyện Thọ Xuân cho thấy: Hệ thống đê điều hai dòng sông Chu, sông Cầu Chày chảy qua địa phương này xuống cấp đến mức báo động. Trong trận lũ vừa qua, hệ thống đê điều bộc lộ rõ việc xuống cấp với 57 điểm bị hư hỏng.
Đê sông Chu xảy ra 14 sự cố do sạt lở, xuất hiện lỗ rò, thẩm lậu nước. Phần mái đê hữu sông Chu qua xã Thọ Hải tại vị trí từ k10+638-k10+700 bị sạt lở. Đoạn qua xã Hạnh Phúc đang tiếp tục sạt lở với chiều dài 207 m nhưng chưa được xử lý.
Mái đê bảo vệ khu dân cư xã Xuân Hoà cũng bị sạt lở với chiều dài 234 m, đang được theo dõi tiếp... Bên tuyến đê tả sông Chu cũng xảy ra hiện tượng sạt lở ở 6 điểm, có những đoạn, vết nứt rộng 5 cm, sâu từ 0,25-1 m, sạt 87 m.
Con đê bảo vệ làng mạc trên tuyến sông Cầu Chày càng mỏng manh hơn nhiều. Tổng số có tới 22 sự cố được phát hiện trong đợt mưa lũ vừa qua.
Sạt mặt, mái đê, tạo ra lỗ rò từ sông sang đồng tại xã Xuân Vinh. Thẩm lậu mái đê kèm theo các lỗ rò ở chân đê, đoạn qua xã Thọ Thắng.
Tại cống Quang Hoa, xã Xuân Minh xuất hiện lỗ thủng lớn dài 3 m, nước chảy qua đê thông sang khu dân cư. Đây là điểm mà tỉnh Thanh Hoá phải dùng xe máy xúc tống vào họng lỗ thủng mới kịp thời ngăn được thảm hoạ lũ lụt có thể gây ra đối với hàng nghìn hộ dân.
Chiều ngày 20/10, ông Lê Thọ Cường - trưởng phòng NNPTNT thuộc UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Trên tuyến đê sông Cầu Chày, còn hơn 4 km bị xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh đã có chủ trương nâng cấp.
Song do đoạn đê này thấp, đợt lũ vừa rồi nước lũ dâng cao hơn mặt đê tới 0,3-0,6m nên huyện đang cho thiết kế lại.
Như vậy có thể khẳng định, vẫn còn hàng chục điểm sạt lở khác trên các tuyến đê thuộc hai con sông Cầu Chày, sông Chu chưa có giải pháp nào được đưa ra. Và nguy cơ lũ lụt uy hiếp đến tính mạng, tài sản của con người đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp.