Vẫn vướng với phạt nguội
Mặc dù là một chủ trương đúng đắn, đã được thực hiện từ vài năm qua ở nhiều thành phố lớn trên cả nước nhưng hiện nay, nhiều người dân TP HCM vẫn cảm thấy bất ngờ với hình thức phạt nguội- tức là phạt các lỗi vi phạm của chủ phương tiện thông qua hệ thống camera giám sát trên đường. Một số người cho rằng phạt nguội tuy cần thiết nhưng chưa công bằng.
Xử phạt phương tiện qua hệ thống camera còn nhiều bất cập.
Còn nhiều lỗ hổng
Anh Nguyễn Văn Tùng- chủ một doanh nghiệp sản xuất nhựa quận Thủ Đức cho biết, anh bất ngờ vì bị bắt nộp phạt hơn 4 triệu đồng với lỗi vi phạm tốc độ.
Theo anh Tùng, phương tiện anh sử dụng bị ghi lại đã vi phạm mấy chục lần trong thời gian qua. Điều đáng nói là anh không nhận được giấy mời đóng tiền phạt trong thời gian nhiều tháng trời.
Đặc biệt, các vị trí lắp đặt camera để thực hiện việc phạt nguội cũng không được thông báo rộng rãi. Hầu như chỉ đến khi đóng tiền phạt người dân mới biết camera được đặt ở vị trí nào, lắp từ khi nào mà thôi.
“Nếu đưa vào áp dụng một hệ thống pháp luật có tác động tới nhiều người, nhiều phương tiện nhưng lại không công khai rộng rãi thì chưa công bằng với người dân và chưa tạo được sự đồng thuận. Đặc biệt, hệ thống camera chỉ lắp đặt ở một số ít địa điểm, nếu phương tiện nào “xui” thường xuyên đi qua đó thì xác suất bị phạt cao hơn ở các khu vực khác không lắp đặt rất nhiều. Ngoài ra, luật giao thông được hình thành với mục đích giáo dục người tham gia giao thông cho tốt, thực hiện đúng chứ không phải để thu tiền của người vi phạm luật nên phạt nhiều lần cùng 1 lỗi vi phạm, ở cùng 1 địa điểm (nhưng không gây hậu quả gì) là điều không thực sự phù hợp”- anh Tùng cho biết thêm.
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP HCM) thì chủ trương kiểm soát, giám sát, xử phạt những phương tiện vi phạm giao thông qua hệ thống camera là chủ trương đúng đắn, cần phát huy, nhân rộng.
Tuy nhiên, việc quy định chủ phương tiện nộp tiền thay cho phương tiện vi phạm giao thông cũng chưa phù hợp về mặt pháp lý.
“Xác định các phương tiện vi phạm giao thông (qua biển số xe) là cần thiết nhưng mới chỉ được một nửa của vấn đề. Một nửa tiếp theo cần phải tìm được người điều khiển phương tiện vào thời điểm đó. Hiện nay, việc cho mượn, thuê hay sang nhượng xe diễn ra khá nhiều. Thế nên, rất dễ xảy ra trường hợp chủ xe không phải là người điều khiển phương tiện vào thời điểm vi phạm. Trong khi đó đối với nhiều lỗi vi phạm, ngoài phạt tiền CSGT còn có quyền tước giấy phép lái xe một thời hạn nhất định. Mà tước giấy phép của người không vi phạm thay cho phương tiện vi phạm là không hợp lý” - luật sư Đức nêu ý kiến.
Cần đồng bộ
Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC67), Công an TP HCM thì từ khi sử dụng hệ thống camera để xử lý các hành vi vi phạm giao thông đã bước đầu mang đến những tín hiệu lạc quan.
Từ việc camera cố định lắp ở các vị trí trên đường, camera do lực lượng tuần tra ghi lại sau đó kết nối xử lý, trích xuất, xử lý... đều mang lại những hiệu quả nhất định, là ý thức tham gia giao thông của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt.
Nếu như trước kia, không có lực lượng CSGT thì nhiều người có tâm lý không nhất thiết phải chấp hành luật giao thông thì nay mọi lúc, mọi nơi người dân đều nâng cao ý thức. Riêng về một số vấn đề liên quan trực tiếp tới sử phạt thì quy trình của pháp luật đã nêu rõ.
Sau khi ghi hình và xác định các phương tiện vi phạm giao thông qua hệ thống camera, đơn vị này sẽ gửi giấy báo về các địa phương để công an xã, phường xác nhận chủ phương tiện sử dụng.
Sau đó giấy phạt sẽ được gửi tới các chủ phương tiện này. Nếu các chủ phương tiện không chấp hành thì sau một tháng, đơn vị này sẽ gửi thông tin vi phạm tới Cục Đăng kiểm (thuộc Bộ GTVT) để xử lý theo quy định.
Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng, họ chỉ biết thông tin vi phạm của các phương tiện khi tới làm thủ tục đăng kiểm, nhất là với các phương tiện xe cũ mua đi bán lại, các xe cho thuê, mượn...
Vì thế, song song với việc ghi hình, đơn vị thực hiện cần phải phối hợp và đưa thông tin công khai những phương tiện vi phạm lên hệ thống riêng để người dân có thể dễ dàng truy cập.
Rất nhiều người mua xe cũ xong đi đăng kiểm mới biết chủ xe trước đã vi phạm giao thông nhiều lần, bị xử phạt hàng chục triệu đồng nên giờ buộc phải đóng thay là chưa hợp lý. Xử phạt giao thông qua hệ thống camera là cần thiết nhưng phải minh bạch và rõ ràng.
Có thể nói, việc đưa vào áp dụng một chính sách pháp luật mới còn tồn tại những vướng mắc, bất cập là điều khá bình thường.
Vấn đề cần thiết hiện nay là phải tiếp nhận các ý kiến này, đưa ra các khung pháp lý cần thiết để xử lý sao cho hài hòa giữa lợi ích chính đáng của người dân và cả Nhà nước.