Vụ rút ruột công trình giao thông ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc: Có bỏ lọt tội phạm?
Lãnh đạo Công ty TNHH xây dựng Cường Thịnh lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ việc “rút ruột” công trình xây dựng đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã nhận án phạt thích đáng.
Một số cán bộ địa phương có liên quan thì người “xộ khám”, người “thoát án” một cách ngoạn mục và tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo khiến dư luận địa phương hoài nghi về dấu hiệu thiếu công tâm và bỏ lọt tội phạm của cơ quan tố tụng.
Rút ruột công trình hàng trăm triệu đồng
Năm 2010, UBND xã Vĩnh Sơn quyết định đầu tư xây dựng Dự án công trình đường GTNT xã Vĩnh Sơn và công trình nhà văn hóa thôn 1, thôn 4 và thôn 5 với tổng mức đầu tư hơn 8,2 tỷ đồng.
Sau khi ký quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và ký hợp đồng xây lắp hai công trình trên với Công ty Cường Thịnh, ông Nguyễn Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn đã ký quyết định thành lập hai Ban quản lý công trình gồm ông Nguyễn Văn Quyết là Trưởng Ban và ông Hạ Văn Trường- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn là Phó Ban quản lý.
Sau khi ký hợp đồng tư vấn giám sát hai công trình nêu trên với UBND xã Vĩnh Sơn, mặc dù trực tiếp tham gia giám sát thi công nhưng do không có chứng chỉ hành nghề giám sát nên Giám đốc Công ty CP tư vấn, Đầu tư thương mại và Xây dựng Lam Sơn Đào Quang Anh đã mượn chứng chỉ giám sát của bố đẻ mình và một số người khác để hợp thức hồ sơ năng lực thi công của Công ty Lam Sơn.
Trong quá trình thi công hai công trình này, Đào Quang Anh có đến hiện trường thi công để kiểm tra, giám sát thi công nhưng không thường xuyên và chỉ quan sát bằng mắt thường, không đo đếm đối chiếu khối lượng thực tế thi công với bản vẽ thiết kế được duyệt để xác định có thi công theo đúng thiết kế hay không.
Lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của Đào Quang Anh, Hà Kiên Cường - Phó Giám đốc Công ty Cường Thịnh đã chỉ đạo Hà Đức Dũng (em trai Cường) thi công thiếu và không thi công một số hạng mục của công trình GTNT xã Vĩnh Sơn và công trình nhà văn hóa thôn 1, 4 và 5 xã Vĩnh Sơn.
Sau đó, Cường đã lập nhật ký thi công, các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng, biên bản nghiệm thu hoàn thành giai đoạn thi công xây dựng, bảng thanh toán khối lượng hoàn thành thể hiện thi công 2 công trình theo như bản vẽ thiết kế rồi đem số liệu này đến Công ty Lam Sơn gặp và được Đào Quang Anh ký xác nhận.
Mặc dù việc thi công thiếu và không thi công một số hạng mục của hai công trình trên nhưng Hà Kiên Cường vẫn lập hồ sơ quyết toán theo như bản vẽ thiết được duyệt nhằm chiếm đoạt của nhà nước số tiền 431 triệu đồng. Tính đến thời điểm ngày bị khởi tố, Hà Kiên Cường đã chiếm đoạt của chủ đầu tư 151 triệu đồng.
Gần đây, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Hà Kiên Cường 1 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đồng thời phạt Đào Quang Anh 7 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. TAND tỉnh Vĩnh Phúc cũng tuyên phạt ông Nguyễn Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn mức án 9 tháng tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Có bỏ lọt tội phạm?
Sau phán quyết của TAND tỉnh Vĩnh Phúc, dư luận địa phương lại thêm một phen “dậy sóng” khi xuất hiệu nhiều tình tiết, dấu hiệu oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng đã xác định, quá trình thi công hai công trình trên, Nguyễn Văn Quyết không trực tiếp đi kiểm tra, nghiệm thu lần nào mà chỉ đạo, ủy quyền ông Hạ Văn Trường - Phó Chủ tịch, Phó Ban quản lý công trình làm trưởng đoàn cùng các thành viên của hai Ban quản lý công trình cùng đại diện đơn vị thi công là ông Hà Kiên Cường, đơn vị tư vấn giám sát là ông Đào Quang Anh 10 lần tiến hành nghiệm thu phần việc thi công.
Điều này cho thấy, ông Hạ Văn Trường được ủy quyền và trực tiếp đi kiểm tra nhưng thiếu trách nhiệm, không phát hiện sai phạm, tuy nhiên không hiểu lý do gì, các cơ quan điều tra, tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc lại cho rằng hành vi ông Trường không cấu thành tội phạm.
UBND huyện Vĩnh Tường cũng khẳng định, ông Hạ Văn Trường, trên cương vị Phó Ban quản lý, Trưởng ban giám sát công trình xây dựng và được Chủ tịch UBND xã phân công trực tiếp đi chỉ đạo nghiệm thu công trình đã thiếu trách nhiệm trong giám sát, ký các biên bản nghiệm thu giai đoạn trường mầm non khối lượng xây lắp hoàn thành không đúng thực tế thi công ngoài hiện trường.
Chỉ đạo nghiệm thu thiếu chặt chẽ, không bám sát hồ sơ thiết kế được duyệt dẫn đến không phát hiện được phần thi công thiếu 60 m2 đường bê tông vuốt vào nghĩa trang nhân dân.
UBND huyện Vĩnh Tường kết luận sai phạm của ông Hạ Văn Trường ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của BCH Đảng bộ xã. Tuy nhiên ngày 6/8/2015, UBND huyện Vĩnh Tường thi hành kỷ luật với ông Trường chỉ ở mức cảnh cáo và giữ nguyên chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn đối với ông Trường.
Lạ lùng thay, chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Trường chưa hết “án” kỷ luật, ông Trường vẫn được cơ cấu bầu vào HĐND xã khóa 2016-2021 và sau đó tiếp tục được phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn.
Theo luật sư Đỗ Văn Quang (Đoàn luật sư Hà Nội), Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc xác định ông Nguyễn Văn Quyết đại diện theo pháp luật, chủ đầu tư nên phải chịu trách nhiệm là không đúng.
Theo quy định tại Điều 36 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, ông Quyết là Chủ tịch UBND xã đã ủy quyền cho Hạ Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Ban quản lý thì việc xảy ra sai sót, ông Trường phải chịu trách nhiệm do giám sát, nghiệm thu không đầy đủ. Ông Trường phải là người chịu trách nhiệm chính, còn ông Quyết chỉ là người chịu trách nhiệm liên đới.