Quảng Ngãi: Nông dân phấn khởi vì sắn được mùa, được giá
Hiện nay, trên các cánh đồng ở huyện Sơn Tịnh và nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Ngãi bà con nông dân đang hối hả thu hoạch vụ sắn hay còn gọi là mì của năm 2017. Đặc biệt, năm nay được mùa, được giá nên bà con phấn khởi.
Nông dân đang thu hoạch sắn.
Tại cánh đồng Thổ thuộc đội 13, thôn Hà Nhai Nam, xã Tịnh Hà những ngày này người dân ra đồng từ sáng sớm thu hoạch sắn để kịp cho chuyến xe của Nhà máy đến vận chuyển. Bà Lê Thị Lợi cho biết bà có 4 sào sắn, năm nay giá cả cao hơn năm ngoái tới 1,2 triệu đồng/tấn” nên bà rất phấn khởi.
Theo bà con trồng sắn ở đây, thời gian xuống giống đến khi thu hoạch mì là gần 1 năm, công chăm và phân bón bón không tốn nhiều, năm nay thời tiết lại thuận lợi nên năng suất cao hơn mọi năm, trung bình 1 sào được 1,5 tấn. Hiện nay nông dân khắp cánh đồng sắn ở Sơn Tịnh và các nơi thuộc địa phận Quảng Ngãi, Quảng Nam đang rộn ràng thu hoạch để tránh thời tiết mưa.
Chị Trần Thị Đào cho biết: “Bà con chúng tôi ra đồng từ sáng sớm để thu hoạch sắn, nhà tôi có đến 2 sào sắn, năm nay nhà máy mì thu mua giá cao hơn nên có thu nhập để trang trải cho cuộc sống của gia đình. So với trồng lúa thì trồng sắn nếu giá cả ổn định thì người nông dân cũng có thu nhập khá hơn”.
Nông dân hối hả cho sắn vào bao để vận chuyển đến nhà máy.
Được biết, năm 2017, toàn huyện Sơn Tịnh đưa vào sản xuất 1.890 ha sắn, năng suất đạt trên 283 tạ/ha, sản lượng đạt trên 53.500 tấn. Các xã có diện tích cây sắn nhiều như Tịnh Thọ 350 ha, Tịnh Hà 325 ha, Tịnh Bình 300 ha, Tịnh Hiệp 220 ha, Tịnh Bình 300 ha…
Ông Nguyễn Thành Vi - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn cho biết: “Những năm qua, ngoài phát triển cây lúa, xã còn chuyển đổi một số cây trồng không có hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây sắn. Từ 70 ha hiện nay xã phát triển trên 107 ha. Năm nay năng suất trung bình đạt 270 tạ/ha. Các vùng có diện tích sắn nhiều ở xã như Phước Bình, Diên Niên”.
Điều lo lắng nhất hiện nay của bà con nông dân nói chung, người trồng sắn trên địa bàn huyện nói riêng, đó là rất mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nhà nông, vì giá cả không ổn định, có lúc giá rớt người nông dân lại thất thu, chưa kể có năm mưa lũ đến sớm nhiều diện tích sắn, lúa, hoa màu,… bị ngập úng nông dân rất khốn khó.
Vụ sắn năm nay được mùa, năng suất cao.
Theo kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt huyện Sơn Tịnh đến năm 2020, huyện Sơn Tịnh xác định cây sắn thuộc nhóm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Huyện Sơn Tịnh phấn đấu đến năm 2020 diện tích sắn toàn huyện đạt 2.000 ha, sản lượng khoảng 56.000 tấn. Vùng sản xuất được bố trí tại tất cả các xã trong huyện. Được áp dụng các giải pháp canh tác khoa học để đảm bảo đất không thoái hóa. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa để giảm thất thoát sau thu hoạch. Với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây sắn cũng là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả cao cho người nông dân trên địa bàn huyện, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đạt hiệu quả cao.