Bài toán tăng lương và giảm biên chế
Việc cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn là điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương và vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu nguồn tiền từ ngân sách để thực hiện. Tuy nhiên, với bộ máy cồng kềnh thì việc tăng lương là rất khó khăn.
Người lao động chờ rút tiền qua thẻ sau mỗi kỳ lương.
Tuần qua Trung ương đã bắt đầu công cuộc khảo sát tiền lương ở một số Bộ, ngành để có cái nhìn tổng quát liên quan đến vấn đề lương. Không thể chần chừ công cuộc cải cách, cần tăng lương cho người lao động khi lương chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Nhưng lấy nguồn đâu để tăng lương khi đội ngũ quá cồng kềnh rất khó tinh giản, quả là bài toán khó.
Tại cuộc họp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam- cơ quan đầu tiên đoàn khảo sát đến làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách tiền lương, ở nhiều khu vực.
Rõ ràng việc cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn là điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương và vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu nguồn tiền từ ngân sách để thực hiện. Nội dung này cũng liên quan tới việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (khu vực đang có 2,1 triệu viên chức đang làm việc).
Cải cách tiền lương là đòi hỏi bức xúc, luôn luôn nóng và không thể không làm. Do đó, cải cách lương phải tính toán lại không thể cào bằng theo hệ thống thang bảng lương để đến hẹn lại tăng như trước. Cho nên nhất thiết phải đổi mới cách trả lương. Nhưng tăng lương cho ai trong hệ thống và đổi mới phương thức trả lương thế nào không hề dễ. Nhưng có một việc còn khó hơn đó là giải quyết những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương, thậm chí nằm ngoài hệ thống tiền lương nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cải cách hệ thống tiền lương. Đó là vấn đề liên quan đến bộ máy.
Ai cũng biết, bộ máy hành chính- sự nghiệp của chúng ta được đánh giá là quá cồng kềnh và kém hiệu quả. Chúng ta đã nhìn thấy sự trì trệ này nhưng bắt đầu giải quyết từ đâu, ai là người phải ra khỏi guồng máy… thì thực sự là bài toán khó. Cái khó lớn nhất và dễ thấy nhất là trong hệ thống các cơ quan hưởng ngân sách thì mối quan hệ thân hữu, họ hàng, anh em ràng buộc nhau quá lớn. Tình trạng “cha truyền con nối”, cả họ làm quan… không còn là chuyện hiếm. Thử hỏi, với những mối quan hệ đan xen, giằng xé như vậy ai, người đứng đầu nào dám “chặt” vào tay, chân của mình. Tinh ai giản ai, dù quá nhiều lần hô hào tinh giản biên chế nhưng vẫn chỉ dừng lại ở quyết tâm chính chị mà rút cục tinh giản biên chế vẫn chỉ là con số âm.
Trở lại chuyện tiền lương, lâu nay, chúng ta vẫn trả lương theo cách tư duy trả thấp, thông cảm, chia đều, có thế nào trả thế đấy, chờ đợi, phụ thuộc ngân sách nên phản tác dụng. Người làm được việc, nhiệt tình, hiệu quả cũng được trả ngang bằng với người “ngồi chơi xơi nước”. Thực tế này càng củng cố thêm việc nếu không thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế thì Nhà nước bỏ nhiều tiền nhưng không thu được kết quả.
Nhưng không giảm được biên chế lấy nguồn đâu để tăng lương? Đó là lý do rất nhiều người tài dời bỏ cơ quan nhà nước. Tất nhiên, tiền lương không phải là tất cả nhưng lương lại là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy năng suất, hiệu quả công việc. Rất tiếc vấn đề này lâu nay chúng ta làm chưa đến đầu đến đũa. Khi người lao động không được trả đúng, trả đủ với công sức, trí tuệ đã bỏ ra thì đó lại là lực cản vô cùng lớn kéo lùi sự phát triển.
Do đó, một bài toán tổng thể mang tính hệ thống mới mong có tác dụng đối với cải cách tiền lương hiện nay. Tuy nhiên, mỗi lần Chính phủ trình Đề án cải cách tiền lương để Trung ương Đảng thảo luận thì vấn đề quan trọng là nguồn để cải cách tiền lương, đây là câu hỏi rất khó trả lời. Nhưng cải cách tiền lương không phải chỉ có việc tạo nguồn mà phải dựa vào cả sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế…Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đoàn khảo sát sẽ tập trung làm rõ các vấn đề về tiền lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, quan hệ tiền lương tối thiểu- lương tối đa, các chế độ phụ cấp, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; tạo nguồn cải cách tiền lương... qua đó có lời giải cụ thể cho cải cách tiền lương.
Xung quanh vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến.
Ông Đặng Như Lợi.
Ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Không chấp nhận công chức “cắp ô” trong nền công vụ
Dù đã qua 4 lần cải cách, và năm nào ngân sách cũng bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để nâng mức tối thiểu, nhưng tiền lương vẫn hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thậm chí giảm sút. Hiện số lượng đối tượng áp dụng chế độ tiền lương theo qui định hiện hành (không tính lực lượng vũ trang) khoảng hơn 2,727 triệu người, trong đó: cơ quan hành chính quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên: khoảng 310,1 ngàn người; Cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội từ cấp huyện trở lên: khoảng 86,4 ngàn người; Đơn vị sự nghiệp công lập: khoảng 2,074 triệu người; Cán bộ, công chức cấp xã: khoảng 256,6 ngàn người. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã hưởng phụ cấp hằng tháng là 302,648 ngàn người. Số lượng người hưởng lương từ ngân sách hùng hậu như vậy nhưng công chức viên chức làm việc hết mình chỉ khoảng 40%, 30% là chỉ đâu đánh đấy, 30% còn lại là “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Vậy với 2,7 triệu người đang hưởng lương ngân sách, thống kê sơ bộ thì có tới 700.000 người không làm được việc, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm. Không thể chấp nhận chuyện công chức “ngồi đếm chữ” đến cuối tháng hưởng lương dù lương không nhiều mà phải tinh giản biên chế. Việc tinh giản biên chế nên nhắm tới các đối tượng mà dư luận vẫn cho là “cắp ô” này để lấy nguồn cho cải cách tiền lương, tăng lương cho những người làm việc thực sự.
Lâu nay, chúng ta vẫn trả lương theo cách tư duy trả thấp, thông cảm, chia đều, có thế nào trả thế đấy, chờ đợi, phụ thuộc ngân sách nên phản tác dụng. Thế nên mới có chuyện, Nhà nước bỏ nhiều tiền nhưng không thu được kết quả. Có lẽ phải phân loại và tập trung đối tượng như thế nào đó, mạnh dạn hơn, để việc tăng lương có thể đảm bảo đời sống cho công chức.
Không giảm được biên chế lấy nguồn đâu để tăng lương? Đó là lý do rất nhiều người tài dời bỏ cơ quan nhà nước. Tất nhiên, tiền lương không phải là tất cả nhưng lương lại là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy năng suất, hiệu quả công việc. Rất tiếc vấn đề này lâu nay chúng ta làm chưa đến đầu đến đũa. Khi người lao động không được trả đúng, trả đủ với công sức, trí tuệ đã bỏ ra thì đó lại là lực cản vô cùng lớn kéo lùi sự phát triển.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh:
Đơn vị sự nghiệp tiếp tục ra “ở riêng”
Hội nghị Trung ương 6 bàn về Đề án xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đề án được coi sẽ là định hướng lớn giúp các bộ ngành, địa phương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Phải sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế qua đó lấy nguồn để tăng lương. Theo đó, với những cơ quan làm việc không có hiệu quả hoặc không cần làm thì chuyển giao mạnh cho các tổ chức xã hội, như vậy mới thực sự tinh giản bộ máy công chức. Vấn đề nêu trên chúng ta đã quan tâm đến vấn đề cải cách lương bằng nhiều giải pháp nhưng trong quá trình làm vẫn chưa được triệt để, cương quyết. Đợt này, T.Ư Đảng đã xây dựng đề án trong đó sẽ sắp xếp lại bộ máy một cách gọn hơn, thứ hai chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ. Cách làm đó rất đúng hướng nhưng vấn đề phải làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Về giải pháp cải cách lương, việc đầu tiên cần làm là xác định rõ vị trí việc làm của công chức cả lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan tổ chức. Tiền lương trả cao, trả đúng cho từng vị trí công chức sẽ nâng cao trách nhiệm và tính kỷ luật trong nền công vụ. Còn lấy nguồn đâu tăng lương thì phải rà soát chi tiêu công, dành tỉ lệ thích đáng ngân sách, cân đối các nguồn đầu tư phát triển, có thể tính tới cả việc sử dụng ODA, xã hội hóa dịch vụ công...
Bộ máy cồng kềnh và kém hiệu quả, nhưng bắt đầu giải quyết từ đâu, ai là người phải ra khỏi guồng máy… lại là bài toán khó. Cái khó lớn nhất và dễ thấy nhất là trong hệ thống các cơ quan hưởng ngân sách thì mối quan hệ thân hữu, họ hàng, anh em ràng buộc nhau quá lớn. Tình trạng “cha truyền con nối”, cả họ làm quan… không còn là chuyện hiếm. Thử hỏi, với những mối quan hệ đan xen, giằng xé như vậy, người đứng đầu nào dám “chặt” vào tay, chân của mình.
Ông Bùi Sỹ Lợi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:
Tiền lương là đòn bẩy tăng năng suất lao động
Nâng lương cơ sở để đảm bảo mức sống cho cán bộ công chức chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, để mức lương đảm bảo cuộc sống người lao động, vấn đề cốt lõi vẫn nằm trong việc tinh giản biên chế, làm gọn bộ máy hành chính. Nhìn mức lương cơ sở hiện nay, rõ ràng chúng ta cần phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, có câu chuyện hệ thống tiền lương của chúng ta không đồng đều giữa các lĩnh vực. Trong đó, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngành nghề khác nhau. Điều đó, dẫn đến vấn đề tiền lương không còn thực chất.
Về mặt nguyên tắc tiền lương thì phần lương chính phải lớn hơn phần phụ cấp. Thế nhưng hiện nay, có những ngành phụ cấp bằng, thậm chí cao hơn lương chính. Do vậy, vấn đề căn cơ nhất để cải cách tiền lương hiện nay không chỉ là tăng lương cơ sở mà thay đổi cả thang, bảng lương sao cho đúng vị trí việc làm của từng công chức. Xét một cách căn cơ thì chúng ta phải tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính, từ đó mới giảm được lực lượng lao động theo hướng cắt bớt những người lao động không đáp ứng được nhiệm vụ. Để làm được điều đó, Chính phủ phải tăng cường các quyết sách trong việc sắp xếp lại lao động trong khu vực nhà nước với tinh thần xác định vị trí việc làm.
Qua đó, chúng ta sẽ tiến hành cải cách tiền lương một cách toàn diện. Các biện pháp đưa ra làm sao để tiền lương phản ánh thực chất theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Tiền lương phải đảm bảo là đòn bẩy để tăng năng suất lao động. Quá trình cải cách bộ máy hành chính không thể ngày một, ngày hai có thể làm ngay được vì giảm biên chế bất cứ ai cũng phải tính toán rất kỹ. Để làm được điều này phải căn cứ vào định mức lao động, xác định vị trí việc làm. Thế nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn thiện tất cả các bước đó. Theo tôi, cả hai phía từ công chức, viên chức và Nhà nước cần thấy rằng vị trí nào không cần thiết thì phải mạnh dạn cắt bỏ thì mới xử lý được tiền lương. Nếu ai cũng dựa dẫm quá nhiều vào khu vực công thì rõ ràng không có nguồn lực cải cách chính sách tiền lương.