Vẻ đẹp cánh đồng muối

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Discovery Mask Online) 25/10/2017 10:05

Làm muối là nghề vô cùng nặng nhọc. Nhưng những ai khi đến với cánh đồng muối đều có cảm giác hết sức kỳ lạ, tựa như đang bắt gặp ảo ảnh trong một buổi trưa gay gắt nắng. Người ta cũng tưởng muối chỉ có ở vùng ven biển, nhưng sự thật không phải vậy.

Mùa hè trên cánh đồng muối Salar de Uyuni.

Nếu ai từng đến thị trấn Cuzco (đất nước Peru) sẽ không thể quên được hình ảnh một cánh đồng muối đặc biệt. Người ta cho rằng nó khác lạ nhất thế giới. Cánh đồng muối này nằm ở độ cao 3000 mét so với mực nước biển mang một vẻ đẹp diệu kỳ.

Từ thị trấn Cusco, nơi khá nhiều người dân sinh sống, đi khoảng 40 cây số sẽ tới một cánh đồng muối đẹp quá sức tưởng tượng- cánh đồng muối Maras. Từ trên cao nhìn cuống, hàng ngàn ô muối trắng tinh xếp theo kiểu ruộng bậc thang hiện ra giữa lưng chừng núi đem tới một vẻ đẹp ma mị tới độ không tưởng.

Vẻ đẹp siêu thực của cánh đồng muối Maras.

Aldrey Clofiano- một nhà du lịch gốc Ý cho rằng, không có vùng muối nào đẹp hơn Maras.

- Thực ra nó được hình thành và nuôi dưỡng từ một dòng suối ngầm cực kỳ mặn. Nhưng tại sao ở vùng núi cao lại có thể có nguồn nước mặn thì không ai lý giải được một cách nghiêm túc- A.Clofiano nói. Cũng có thể vùng đất này từng nằm dưới đáy biển và những thay đổi về địa chất, sự dịch chuyển của thềm lục địa đã hình thành dãy núi Andes tạo nên kỳ quan ấy. Lượng nước biển lớn bị mắc kẹt trong những kẽ đá và hình thành nên dòng suối ngầm chứa nước mặn rồi chảy vào đồng muối Maras.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thuyết của A.Loriano mà không thể có kiểm chứng. Nhưng người ta biết rằng, quá trình tạo muối thực ra cũng rất đơn giản: dòng nước từ suối chảy vào các ô ruộng nhỏ sau đó bốc hơi, để lại những hạt muối kết tinh.

Cánh đồng muối Maras bao gồm khoảng hơn 3000 ruộng muối của người dân trong vùng. Muối ở đây không trắng tinh mà có màu phớt hồng và có vị mặn rất riêng. Sau khi phân tích, các nhà khoa học cho biết chúng có nhiều các chất như magie, sắt, canxi, kẽm... đó là những chất có khả năng giúp cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật cho con người. Vì thế chúng được bán với giá khá cao và được xuất khẩu sang Nhật Bản, Thụy Sỹ...

Đàn lạc đà trên cánh đồng muối Salar de Uyuni.

Aldrey Clofiano là người có sở thích kỳ lạ với những cánh đồng muối. Một lần, tới Bolivia, A.Cloriano đã “chết sững” trước được cánh đồng muối Salar de Uyuni.

- Đây thực sự là kỳ quan lạ của thiên nhiên- A.Cloriano nói. Nó như tấm gương khổng lồ, phản chiếu nền trời khiến ta có cảm giác đang bước đi cùng mây trắng.

Cánh đồng muối này thuộc phía Tây Nam Bolivia, gần biên giới Chile, được coi là cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới. Người ta ước tính, cánh đồng muối Salar de Uyuni có trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn muối. Trong khi đó, mỗi năm, người Bolivia khai thác khoảng 25.000 tấn muối, cho nên sự cạn kiệt của nó chưa thể đến trong ngày một ngày hai.

Mùa hè, khi nắng chói chang, người ta đổ ra đồng làm muối. Những diêm dân cuộn mình trong những bộ quần áo dày cộp, kín như bưng. Ngay cả hai bàn tay họ cũng được bảo vệ bằng đôi găng rất dày, còn hai bàn chân dĩ nhiên là mang ủng. Khi ra đồng muối mùa hè, bao giờ diêm dân cũng mang theo những những can nước bởi họ không thể tồn tại dưới cái nắng hết sức ghê gớm. Lúc bấy giờ những khoang ruộng muối ngập nước không khác gì những tấm gương lấp loáng dưới ánh mặt trời. Mây trời soi bóng xuống ruộng muối khiến cho người ta có cảm giác đất trời không chia cắt, tạo ra một hình ảnh vô thực.

Nhưng vào mùa đông, cánh đồng muối Salar de Uyuni lại rất khô ráo, nền đất cứng khiến cho xe cộ có thể đi lại một cách thoải mái.

Tuy nhiên, ở đây không chỉ có muối mà còn là nơi sinh sống của những bầy lạc đà. Người dân trong vùng nuôi chúng để làm phương tiện chuyên chở muối, và cũng là phương tiện để họ tới thị trấn. Quanh khu vực này, rất ít loài cây có thể tồn tại, nhưng với loài xương rồng thì đây chính lại là quê hương.

- Ít nơi có được những bụi xương rồng đẹp như ở đây- A.Cloriano nói. Ngay cả ở những hoang mạc châu Phi cũng không có loài xương rồng nào sánh bằng. Chúng có sức sống kỳ lạ, khó giải thích nếu ta biết rằng ở đây mùa hè thì nắng chang chang còn mùa đông thì giá buốt. Đặc biệt đất hầu như không có dưỡng chất và rất mặn.

Cánh đồng muối Salar de Uyuni được coi là lớn nhất thế giới, ở độ cao khoảng 3.565m so với mực nước biển, diện tích lên tới gần 11.000km2. Giới địa chất học cho rằng khoảng 10.000 năm trước khu vực này là một phần của hồ nước mặn Minchin. Sau đó hồ cạn, tạo nên cánh đồng muối lớn. Trước, người ta đã coi đây là sa mạc bởi muối ở đây mịn và nhiều như cát. Ngày nay, Salar de Uyuni đã trở thành nơi thu hút du khách khắp nơi trên thế giới. Tới đây, du khách có thể thuê ôtô hoặc xe máy chạy suốt sa mạc muối Salar de Uyuni với những trải nghiệm thú vị bậc nhất “chỉ có ở hành tinh khác”.

Người dân trong vùng là những diêm dân tài năng một cách khác lạ. Họ có thể khai thác muối tất cả các ngày trong năm. Họ đóng muối thành từng bánh nặng chừng 10kg, bọc trong cỏ khô và dây thừng trước để đem bán.

Nhưng, du khách tới đây còn hết sức thú vị khi được nghỉ trong những ngôi nhà dựng lên từ những viên gạch muối và bàn, ghế và giường ngủ cũng bằng... muối. Có thể có người không thích điều đó nhưng không thể phủ nhận đó là điều rất thú vị, từ sự khác lạ.
Cuối cùng, một điều có thể nhiều người chưa biết, đó là vào năm 1969, từ mặt trăng, nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong đã nhìn đồng muối Salar de Uyuni: “Nó như một tấm gương khổng lồ”- N.Amstrong nói.

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Discovery Mask Online)