Về khu đất ngập nước Vân Long
Cảnh quan hùng vĩ tuyệt đẹp, chiêm ngưỡng quần thể sinh thái động, thực vật còn mang tính hoang sơ là những cảm nhận của du khách khi một lần đặt chân đến Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) . Đặc biệt, việc nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên đã thể hiện rõ qua việc cá thể voọc mông trắng tại đây đã tăng lên gấp 4 lần trong 15 năm qua.
Đầm Vân Long.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được thành lập từ năm 2010, trải rộng trên địa bàn 7 xã với điện tích 2.736 ha nằm ở phía Bắc của huyện Gia Viễn, trong đó 3/4 là diện tích núi đá, diện tích còn lại là khu vực đất ngập nước.
Nơi đây có sự đa dạng sinh học cao, gồm các loại cây sống trên núi đá vôi với 687 loài, thuộc 451 chi, 144 họ, trong đó có 266 loài cây dùng làm thuốc; gần 1.000 ha đầm nước đang ở trạng thái tự nhiên hoang dã có 35 loài thực vật thủy sinh, các loài vi tảo. Tại Vân Long, các loại động vật sống trên cạn phong phú như các loại côn trùng, ếch, nhái, bò sát, trên 100 loài chim, 39 loài thú... Nơi đây cũng có nhiều loại động thực vật quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam, trong đó có loại voọc mông trắng, một loài động vật đặc hữu của Việt Nam.
Voọc mông trắng ở Đầm Vân Long.
Không chỉ có vậy, khu Vân Long còn sở hữu 32 hang động đẹp, nhiều hang động có giá trị phát triển du lịch như: hang Cá, hang Bóng, hang rùa, hang Chanh. Mỗi hang có một vẻ đẹp độc đáo riêng nhưng đẹp nhất vẫn là hang Cá dưới chân núi Hoàng Quyển. Trong hang có rất nhiều cá trê, cá rô, cá chuối to, tương truyền thời xưa có người bắt được một con cá chuối nặng 45kg, nên gọi là hang Cá. Hang cấu tạo nửa chìm nửa nổi. Trần hang là những vòm đá cao rủ xuống nhiều rải thạch nhũ lấp lánh, dáng hình lạ kỳ, giống như các con vật ở dưới nước và trên rừng.
Và nếu như thời gian qua, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng du lịch đã được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng làm dấy lên sự lo ngại về sự đánh đổi giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế thì tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), người dân không đặt mục tiêu làm kinh tế lên hàng đầu, mà họ mong muốn gìn giữ sự đa dạng của thiên nhiên nơi đây.
Theo trạm trưởng Trạm Du lịch Vân Long Trần Xuân Quang, ngay từ khi thành lập Khu du lịch Vân Long, các cấp chính quyền đã xác định đây là khu du lịch bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, cảnh quan. Do vậy, Trạm Du lịch Vân Long đã tuyên truyền, giáo dục cho bà con không được chặt cây, phá vỡ cảnh quan môi trường, không được khai thác đá cảnh ở trong khu bảo tồn. Hiện 7 tại khu bảo tồn có khoảng 5 vạn dân, việc bảo tồn chỉ bền vững nếu như có cộng đồng cùng tham gia. Việc nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên đã thể hiện rõ qua việc cá thể voọc mông trắng tại đây đã tăng lên gấp 4 lần trong 15 năm qua. Voọc mông trắng là loài linh trưởng chỉ có ở Việt Nam, phân bố ở các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên do những hoạt động của con người như săn bắn, khai thác gỗ, khai thác đá, đốt than... tại nhiều địa phương, loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng,
Điều lý thú nhất là du khách đi thuyền trên đầm Vân Long sẽ được tận mắt ngắm đàn voọc mông trắng khi chúng xuống chân núi uống nước hoặc ngồi phơi nắng trên đỉnh núi. Con người, thiên nhiên hòa quyện, tạo nên một không gian quá đỗi yên bình là cảm giác của rất nhiều người khi đến với Vân Long.