Tiền Giang: Các huyện ven biển phát triển trồng rau màu

M.Trí 27/10/2017 10:15

Hiện nay, các huyện ven biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang như Gò Công Đông, Tân Phú Đông đang chú trọng phát triển trồng màu trong các mô hình: chuyên canh, luân canh màu trên chân ruộng, đa dạng hóa về giống rau màu… nhằm cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu.

Cây sả đang được bà con nhân dân huyện Tân Phú Đông trồng thay thế cây lúa.

Ước tính, tổng diện tích rau màu đã xuống giống từ đầu năm đến nay tại hai địa phương trên đã lên đến trên 8.000 ha, tăng hơn gần 2.000 ha so cùng kỳ năm trước. Người dân đã thu hoạch đạt sản lượng gần 120.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường, tăng hơn 10.000 tấn so cùng kỳ năm trước.

Trước mắt, nông dân đã hình thành được những vùng trồng màu hàng hóa lớn như vùng trồng sả ở huyện cù lao Tân Phú Đông; dưa hấu và hành tím ở các xã ven biển Tân Điền và Tân Thành của huyện Tân Phú Đông; rau màu thực phẩm ở Bình Ân, Bình Nghị và nội đồng vùng ngọt hóa Gò Công thuộc huyện Gò Công Đông…

Nông dân Nguyễn Văn Nhỏ, cư ngụ tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông có 2.000 m2 đất trồng huệ trắng cho biết, trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi ròng 60 triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng lúa năng suất cao. Trồng huệ trắng có lợi ở chỗ cho thu hoạch từ 10 đến 12 tháng mới phải phá ra trồng lại, công ít, dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây.

Theo ông Nhỏ, riêng xã Tân Tây và vùng lân cận đã có hàng trăm héc ta đất trồng huệ trắng cho thấy sự lan tỏa và hiệu quả kinh tế cây huệ trắng ở duyên hải Gò Công.

Ông Võ Văn Minh, ấp Cây Bàng, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông nhiều năm nay gắn bó với cây dưa hấu. Với 4.500 m2 đất canh tác, mỗi năm trồng được 4 vụ dưa hấu, trừ chi phí ông còn lãi khoảng 120 triệu đồng. Nhờ thu nhập từ cây dưa hấu, gia đình ông đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng trên vùng đất nhiễm mặn ven biển Gò Công đầy khó khăn.

Nông dân Lê Văn Trúc, ấp Cả Thu, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông chọn mô hình trồng sả trên nền đất nhiễm mặn ven biển. Trên diện tích 4 ha sả chuyên canh, năm vừa qua, ông bán thu lãi gần 200 triệu đồng.Theo Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, sả thích hợp thổ nhưỡng đất đai nhiễm mặn, thường xuyên đối mặt hạn hán và thiếu nước canh tác của huyện cù lao Tân Phú Đông tiếp giáp với biển Đông. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2017, mở rộng diện tích vùng chuyên canh sả lên khoảng 1.500 ha tập trung tại các xã Phú Thạnh, Phú Đông,..

Còn theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, trồng màu trên chân ruộng là một trong những hướng đi phù hợp vừa thích ứng biến đổi khí hậu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân vùng duyên hải Gò Công.

Địa phương khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi từ trồng độc canh cây lúa sang các mô hình luân canh lúa + màu hoặc chuyên canh màu trên ruộng, chọn giống tốt, ứng dụng kỹ thuật thâm canh để đạt năng suất và sản lượng cao tham gia thị trường…

Từ đó, mở ra những hướng đột phá để nông hộ làm giàu bền vững trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động.

M.Trí