Trên kệ sách tuần này: Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa
Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa/ Những đỉnh núi du ca/ Hoa tay đất Việt
Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa
Juli Zeh- một cô gái người Đức bén duyên với Việt Nam khi nhận được lời mời từ Viện Goethe nhân dịp kỷ niệm 35 năm Đức và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Juli Zeh đã có 3 tuần trải nghiệm tại Việt Nam, sau đó cô đã viết tập du kí “Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa” (First News và NXB Trí Thức ấn hành).
Rất dễ thấy sự khác biệt từ văn hóa đến đời sống, quy tắc ứng xử… giữa Á-Âu trong trang sách của Juli Zeh nhưng sự khác biệt này lại dễ dàng được chấp nhận. Ở Việt Nam, mọi thứ không làm cho một cô gái lần đầu đến đây cảm thấy xa lạ và sợ hãi mà trái lại, Juli Zeh dễ dàng hòa mình vào với cuộc sống, tận hưởng hành trình khám phá của mình bằng một phong thái hết sức tự do lẫn phấn khích.
Sau 3 tuần, cái lạ lẫm đã trở thành cái bình thường; điều khó tin đã trở thành cái đương nhiên. 3 tuần rõ ràng là không quá dài nhưng đã đủ để Juli Zehtạo viết nên một cuốn sách với sự hài hước, sự tự giễu đáng yêu.
Những đỉnh núi du ca
Ấn bản mới cuốn khảo cứu “Những đỉnh núi du ca, một lối tìm về cá tính H’Mông” của nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học) vừa được Tao Đàn và NXB Tri Thức ra mắt. Cuốn sách là một nỗ lực dân tộc học mà phần trọng tâm trước tiên đặt vào kho tàng văn chương dân gian tộc người, nhất là ở những bài hát, sau đó, mở rộng phạm vi vào tìm hiểu các hệ thống chính trị miền núi. Việc phân tích các dữ kiện dân tộc học về H’mông, từ nhiều phương diện, rốt cục là nhằm hướng đến khái quát nên hệ thống những đặc điểm trong tâm thức tập thể tộc người. Sự tiến triển của nghiên cứu này, vì thế, là một nỗ lực xoay quanh phát hiện, xác lập, làm sáng tỏ và hệ thống hóa bộ từ khóa đã kiến tạo nên căn cước, bức khảm văn hóa, “cá tính H’mông” ở đời, trong lịch sử, với tất cả những tương đồng và dị biệt so với các tộc người khác. Ấn bản mới được tác giả sửa chữa và bổ sung hơn 20 trang.
Hoa tay đất Việt
Cuốn sách của tác giả Vũ Từ Trang viết về những làng nghề với các nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. 40 nghề được giới thiệu trong sách, chưa phải là đủ đầy, song đã phác vẽ nên được bức tranh về những dấu nét tinh hoa của cha ông trao truyền. Đó có thể là nghề làm trống ở Đọi Tam (Duy Tiên – Hà Nam) hay nghề làm giày dép ở Hải Dương, nghề làm ngói âm dương và nhuộm vải chàm ở Sơn Động (Bắc Giang), nghề vẽ tranh trên kính ở nhiều tỉnh thành phía Nam, nghề làm đường thốt nốt ở An Giang… Bên cạnh những nghề hiện vẫn được duy trì, cuốn sách cũng đề cập đến những nghề đã dần vắng bóng, thậm chí đã mai một như nghề đóng cối xay lúa. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành, có in kèm nhiều hình minh họa thú vị.