Bác sĩ Phạm Minh Trường được tôn vinh anh hùng trong phòng chống mù lòa

Phạm Hữu Thu 22/10/2017 14:39

Tôi bất ngờ khi biết tin Bác sĩ Phạm Minh Trường, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế vừa được Tổ chức Phòng chống mù lòa thế giới (The international Agency for the Prevention of Blindness is delighted to celebrate and honour –IAPB) tôn vinh anh hùng trong phòng chống mù lòa hôm 18/9/2017 tại thành phố Kathmandu-Nepal.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Huế.

Phạm Minh Trường sinh năm 1963, quê quán ở Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị nhưng từ nhỏ đã theo gia đình vào sống ở cố đô Huế.

Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, ông về công tác ở Sở y tế Bình Trị Thiên và trở thành Phẫu thuật viên mổ lưu động. Năm 1995 Phạm Minh Trường được đề bạt làm Trạm trưởng Trạm Mắt Thừa Thiên Huế và 10 năm sau trở thành giám đốc Bệnh viện Mắt Huế.

Là người có nhiều năm gắn bó với công tác phòng chống mù lòa nên bác sĩ Phạm Minh Trường thấm thía nổi đau của những người khiếm thị và thân thân của họ.

Ông mong muốn mang những hiểu biết của mình nhằm giúp đỡ những người bị khiếm thị sớm thoát khỏi tình cảnh mặc cảm, tự ti và không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.

Nhưng bằng cách nào?

Thực tế cho thấy, sau khi được tách từ Trung tâm phòng chống bệnh xã hội Thừa Thiên Huế, cơ sở vật chất của Bệnh viện Mắt Huế hầu như không có gì, ngoại trừ mấy căn nhà cấp 4 xập xệ và một ít trang thiết bị của Trạm Mắt trước đây ở vùng La San -Phú Vang.

Trên cương vị Giám đốc, Phạm Minh Trường biết mình không thể trông cậy vào nguồn ngân sách ít ỏi của địa phương để vận hành.

Nếu dựa vào nguồn này, mỗi năm khá lắm chỉ khám được cho 3.000 người và phẫu thuật chừng 700ca. Những ca phức tạp buộc phải chuyển lên tuyến trên (thường là phải ra Hà Nội hay vào TP HCM).

Thời điểm ấy Bảo hiểm y tế chưa phổ cập. Bệnh nhân nghèo đành phó mặc.

Sống và làm việc ở địa phương còn phải trông cậy vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương nên Phạm Minh Trường hiểu, muốn tạo nên sự khác biệt thì phải hành động.

Đại diện IAPB trao giải thưởng “ EYE HEALTH HERO 2017” cho Bác sĩ Phạm Minh Trường.

Hội nhập tạo cơ hội cho đất nước phát triển.

Ngay tại Huế, tổ chức Đông Tây hội ngộ đã giúp Bệnh viện trung ương Huế hàng triệu USD để xây dựng Trung tâm Tim Mạch, nhờ vậy mà sau này mới có điều kiện để triển khai việc ghép tim, nong stent và nhiều kỹ thuật khác.

Được sự cổ vũ và khích lệ của lãnh đạo Sở y tế Thừa Thiên Huế cũng như đồng nghiệp, Phạm Minh Trường và cộng sự đã lập dự án và hy vọng thông qua sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, Bệnh viện Mắt Huế có thêm điều kiện triển khai nhiệm vụ của mình.

Ông tìm đến là Đà Nẵng, nơi tổ chức Fred Hollows Foundation (FHF) đặt Văn phòng đại diện.

Được người bạn cùng học trường Y làm việc tại đây giúp đỡ nên cuối cùng dự án đã được tổ chức Fred Hollows Foundation chấp thuận. Đó là năm 2006.

Thông qua 3 dự án, từ đó cho đến năm 2015, FHF đã tài trợ cho Bệnh viện Mắt Huế để mua sắm trang thiết bị và đào tạo cán bộ trị giá 1,8 triệu USD.

Ngoài tìm đến FHF, thông qua một người bạn đang làm việc cho Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc - UNDP, Phạm Minh Trường đã ra Hà Nội trình dự án cho tổ chức Orbis.

Qua nhiều lần thẩm tra, cuối cùng Orbis đã chấp thuận hỗ trợ Bệnh viện Mắt Huế triển khai dự án phòng chồng mù lòa cho trẻ em.

Bác sĩ Phạm Minh Trường tâm sự: “Mình rất vui khi tổ chức Orbis tài trợ cho Bệnh viện Mắt Huế 2 triệu USD để xây dựng Trung tâm chăm sóc trẻ em thuộc hàng đầu ở khu vực miền Trung và Tây nguyên, tạo cơ hội giúp các em bị khiếm thị sớm thoát khỏi cảnh sống trong tăm tối, bởi qua khảo sát, mình biết khu vực miền Trung là nơi có nhiều bệnh nhi bị mù bẩm sinh.”

Từ khi đi vào hoạt động, mỗi năm Trung tâm này đã tiến hành phẫu thuật miễn phí cho trên 200 bệnh nhi ở khu vực Bắc miền Trung.

Ngoài 2 tổ chức này, năm 2008 Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ cho Bệnh viện Mắt Huế một số thiết bị và gần đây, vào cuối tháng 9/2017, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Umeda Kunio đã ký cam kết Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Bệnh viện Mắt Huế máy chụp cắt lớp võng mạc OCT (Optical Coherence Tomography)-kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh mà những người theo ngành nhãn khoa từng mơ ước.

Theo dự báo, cuối năm nay, OCT sẽ xuất hiện tại Huế. Những hình ảnh do OCT mang lại sẽ giúp thầy thuốc ở bệnh viện này có thể đánh giá những thay đổi rất nhỏ trong các lớp cấu trúc của võng mạc giúp họ chuẩn đoán và điều trị chính xác cho bệnh nhân.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ký kết viện trợ cho Bệnh viện Mắt Huế.

Điều mà trước đây là không thể thì nay sắp trở thành có thể.

Cùng với xoay xở, trước đó (từ 1990-2008), thông qua Viện Mắt trung ương, Christoffel Blindenmisson (CBM) - một tổ chức phi chính phủ của Đức mỗi năm đã giúp Trạm Mắt Thừa Thiên Huế trước đây và Bệnh viện Mắt Huế sau này hàng chục nghìn USD để mua trang thiết bị và đào tạo cán bộ; Tổ chức Phòng chống mù lòa châu Á của Nhật Bản, thông qua Giáo sư, Bác sỹ Hattori Tadashi, từ năm 2015 đã chuyển giao kỹ thuật mổ bán phần sau để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh lý võng mạc tiểu đường, thoái hóa điểm vàng tuổi già.

Trên khu đất rộng 12.000m2 nằm ở phía Đông Bắc cầu Vỹ Dạ (thành phố Huế), năm 2012 cơ sở mới của Bệnh viện Mắt Huế chính thức khai trương.

Tại đây có đủ tiện nghi phục vụ cho việc khám, phẫu thuật và điều trị nội trú.

Riêng thiết bị, nhờ được hỗ trợ từ nhiều nguồn, nên hiện nay Bệnh viện Mắt Huế có đến 99% là được trang bị mới đồng bộ và hiện đại, nhờ thế đủ sức mỗi năm khám cho trên 5 vạn người, phẫu thuật, điều trị nội trú cho khoảng 5.000 bệnh nhân.

Cùng với thiết bị là đội ngũ. Trong 16 bác sĩ đang làm việc tại đây thì đã có 7 bác sĩ chuyên khoa cấp II; 2 thạc sĩ, số còn lại là chuyên khoa cấp I.

Phần lớn trong số họ, thông qua các dự án đều được gửi ra nước ngoài đào tạo bài bản và liên tục cập nhật kiến thức nên đã góp phần xây dựng Bệnh viện Mắt Huế trở thành 1/4 Bệnh viện chuyên khoa Mắt hàng đầu của cả nước.

PGS.TS Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét: “Tôi biết BS Trường khá lâu, ngay từ thời còn làm giám đốc Sở y tế. BS Trường là con người tận tụy, tâm huyết với nghề nghiệp và có nhiều sáng tạo. Ngoài làm tốt vai trò phòng chống mù lòa cho cộng đồng, BS Trường còn tham gia xây dựng, phát triển mạng lưới chăm sóc mắt tuyến dưới, phối hợp với các tổ chức quốc tế đào tạo chuyên môn cho các địa phương; nhờ thế mà đến nay các huyện ở Thừa Thiên Huế đều có bác sĩ chuyên khoa về mắt. Điểm nổi bật của BS Trường là thuyết phục, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước mà sự hiện diện của Trung tâm Nhãn nhi là điển hình.Nếu không có sự giúp đỡ thiết thực đó, Bệnh viện Mắt Huế không có được vị thế và diện mạo như hôm nay.”

Nhận thấy nhu cầu được hưởng các dịch vụ chăm sóc mắt rất lớn từ những người dân ở nông thôn và vùng xa, Bác sĩ Phạm Minh Trường đã và đang xây dựng mạng lưới chăm sóc mắt tuyến dưới.

Ông đã làm việc với chính quyền địa phương ở Thừa Thiên Huế để thành lập 5 trung tâm khúc xạ tuyến huyện; không những thế, Phạm Minh Trường còn chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp ở các tỉnh miền Trung và khuyến khích họ thành lập các trung tâm khúc xạ để mở rộng mạng lưới chăm sóc mắt cho mọi người.

30 năm gắn bó với sự nghiệp, Phạm Minh Trường đã được tưởng thưởng, khi lần đầu tiên IAPB chính thức tôn vinh một bác sĩ Nhãn khoa của Việt Nam là anh hùng trong phòng chống mù lòa của thế giới với nhận xét:

“Bác sĩ Phạm Minh Trường đã thực hiện sứ mệnh cuộc sống của mình để giúp đỡ những người khiếm thị, đặc biệt là trẻ em nhìn thế giới bằng mắt tốt hơn.Ông đã trải qua 10 năm hoạt động để phát triển dịch vụ chăm sóc mắt nhi cho khu vực miền Trung.Ông mong muốn làm dịch vụ cho trẻ em tại Bệnh viện mắt Huế và thiết lập mạng lưới để cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em cho tất cả trẻ em có nhu cầu.”

Phạm Hữu Thu