Ảnh hưởng từ Catalan, nhiều vùng của Italy đòi thêm quyền tự trị

Linh Chi 23/10/2017 10:00

Người dân ở 2 khu vực trù phú nhất của Italy gồm Lombardy và Veneto đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 22/10 vừa qua nhằm yêu cầu nhiều quyền tự trị hơn. Sự kiện được cho là một hiệu ứng đáng ngại bắt nguồn từ cuộc trưng cầu độc lập ở Catalonia, Tây Ban Nha.

Trưng cầu dân ý tổ chức ở vùng Lombardy hôm 22/10. (Nguồn: Reuters).

Đã có thời điểm, trong thế kỷ trước, những người dân ở 2 khu vực phía Bắc của Italy này khao khát về việc thành lập một quốc gia mới có tên Padania. Thời điểm đó, những người ủng hộ chủ trương này đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành, xuất hiện cùng những bộ đồng phục và cờ màu xanh lá.

Sau đó 3 thập kỷ, khi căng thẳng về vấn đề ly khai bùng nổ ở Catalonia, giấc mơ này một lần nữa trỗi dậy ở Italy. Đảng Lega Nord và Northen League - vốn có quan điểm dân túy và phản đối người nhập cư - ở 2 khu vực trù phú Lombardy và Veneto đã tổ chức trưng cầu trong hôm Chủ nhật vừa qua. Họ đưa ra câu hỏi trong lá phiếu rằng liệu cử tri có muốn các đại diện khu vực đàm phán với chính quyền Rome để tăng quyền tự trị hay không.

Lãnh đạo 2 vùng muốn có quyền hạn nhiều hơn trong các lĩnh vực như an ninh, di dân, giáo dục và môi trường.

Lãnh đạo vùng Lombard, ông Roberto Maroni, hạ thấp kỳ vọng, nói rằng ông sẽ hài lòng nếu 34% cử tri trong số 7,5 triệu dân đi bỏ phiếu, tương đương với số cử tri đi bầu trong cuộc trưng cầu hiến pháp năm 2001.

Trong khi đó, quyền tự trị của vùng Veneto sẽ thất bại nếu số cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn 50% cộng 1 của 3,5 triệu dân.

Mặc dù 2 cuộc trưng cầu dân ý - được toà án hiến pháp Italia phê chuẩn - không tìm kiếm độc lập, song quyền tự trị là một mối đe dọa lớn đối với chính quyền Rome. Veneto và Lombardy chiếm 30% GDP và gần 1/4 khu vực bầu cử quốc gia của Italia.

Mục đích cuối cùng

Theo giới quan sát, các cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở Italy thực chất là bước đi nhằm tăng ảnh hưởng về mặt chính trị trước kỳ tổng tuyển cử quan trọng tổ chức vào năm 2018 ở nước này.

"Đảng Northen League đang tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng của họ trong kỳ bầu cử năm tới" - bà Cristina Fusone, Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại ĐH Luiss-guido Carli, nhận định - "Chúng ta đang chứng kiến một lực lượng chính trị mới ở Italy và thời điểm của các cuộc trưng cầu này đã phản ánh điều đó".

Trong nhiều năm qua, đảng Norrthen League là một thành viên nhỏ nhưng quan trọng của liên minh mà đảng của cựu Thủ tướng Silvo Berlusconi dẫn đầu. Ông Berlusconi, người bị buộc từ chức năm 2011 và bị kết tội gian lận thuế, hiện vẫn không có đối thủ trong đảng Forza của ông và ông cũng lên tiếng ủng hộ cuộc trưng cầu hôm Chủ nhật vừa qua.

Kể từ năm 2001, các khu vực của Italy đã nhận được quyền yêu cầu nhiều quyền tự trị hơn theo đúng Hiến pháp quy định, trong mọi lĩnh vực từ Giáo dục cho tới Tài chính. Tuy nhiên, quyền được quản lý tài chính lại bị hạn chế, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính ở châu Âu.

"Hạn chế này là do các biện pháp khắc khổ được áp dụng lúc bấy giờ" - bà Fusone nói - "Tái tập trung hóa quản lý tài chính được thực thi nên quyền tự trị này bị hạn chế".

Và hạn chế này đã làm dấy lên sự bất bình ở các khu vực giàu có nằm ở phía Bắc Italy, vốn có nền kinh tế phát triển hơn nhiều so với khu vực miền Nam.

Chia rẽ vùng miền

Ông Enzo Moavero Milanesi, Giáo sư ngành Luật và là một cựu Bộ trưởng của Italy, cho hay do cách biệt về tốc độ phát triển và cơ hội việc làm mà sự chia rẽ giữa miền Bắc và miền Nam Italy ngày càng tăng.

"Hai khu vực này được điều hành bởi đảng Northen League trong nhiều năm và nó vận hành rất tốt. Họ có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, tỷ lệ thất nghiệp thấp, bởi vậy mà họ muốn gây sự chú ý của toàn quốc gia tới thành tựu của họ, họ muốn cho thấy rằng họ có thể vận hành quốc gia này tốt hơn".

Cũng giống như bà Fusone, ông Milanesi cho rằng chính cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu là nguyên nhân khiến các khu vực tự trị đòi thêm quyền lực.

"Các khu vực này tin rằng nắm nhiều quyền tự trị hơn sẽ giúp họ tránh được các quyết định chính trị từ chính quyền trung ương" - ông Milanesi nhận định.

Vấn đề trưng cầu ở Veneto và Lombardy nhanh chóng trở thành chủ đề được quan tâm, trong đó nhiều người dân Italy còn đặt ra câu hỏi rằng liệu thành phố Venice có nên tách ra khỏi thành phố Mestre gần đó hay không. Trong khi đó, một số khu vực khác của Italy, như Emilia-Romagna, cũng đang có tín hiệu thúc đẩy quyền tự trị của họ.

Linh Chi