Hà Nội tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí
Tại cuộc tọa đàm về chất lượng không khí ở Hà Nội gần đây, bà Ngụy Thị Khanh- giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang gia tăng. Nổi bật là ô nhiễm bụi tăng cao vào giờ cao điểm, đặc biệt là các loại bụi nguy hại PM10, bụi PM2.5.
Ảnh minh họa.
Chất lượng không khí ngày một kém
Theo bà Ngụy Thi Khanh, qua theo dõi hai chỉ số chính là chỉ số chất lượng không khí (AQI) và bụi PM2.5, dữ liệu tiếp nhận thường xuyên ở trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại Láng Hạ, có đối chiếu với các trạm đo khác, nhận thấy trong năm 2016, chỉ số chất lượng không khí trung bình năm là 121, vượt mức cho phép là 100, tức là chất lượng không khí đang không tốt.
Trong các chỉ số đánh giá chất lượng không khí, bụi PM2.5 là loại bụi kích thước nhỏ, được Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo đó là một trong những rủi ro môi trường nguy hại nhất với sức khỏe của con người, đi thẳng vào nang phổi, gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch… Diễn biến của nồng độ bụi thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Năm 2015, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm là 50,5, tức cao gấp đôi so với quy chuẩn VN là 25. Sang đến năm 2016, tình trạng không được cải thiện. Có đến 123 ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia. Trong những tháng đầu năm 2017, chỉ số AQI trung bình tiếp tục… tăng trưởng so với năm 2016.
Những chỉ số trên cho thấy các biện pháp để xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả. Tiến độ di dời những cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô còn chậm. Trong khi đó, dân số Hà Nội vẫn tiếp tục tăng mạnh, số phương tiện giao thông cá nhân tăng cao. Nói như phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng thì ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề tồn tại từ rất lâu, trong đó đáng quan ngại nhất là nồng độ bụi mịn và nồng độ ozon trong không khí vượt mức cho phép. Cùng với nồng độ bụi mịn cao thì ô nhiễm do khí thải ô tô, xe máy cũng là một vấn nạn.
Tìm giải pháp xử lý tận gốc
Hà Nội hiện có khoảng hơn 7 triệu dân. Cùng với số người vãng lai thì lên đến trên dưới 10 triệu người cư trú. Toàn thành phố có khoảng 6 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe cũ nát. Theo GS Nghiêm Trung Dũng- Viện Khoa học và công nghệ môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội), khí thải từ xe máy vẫn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Tuy vậy, tới nay Hà Nội vẫn loay hoay với các biện pháp kìm chế tốc độ phát triển ôtô, xe máy. Nếu như ô tô còn phải qua thủ tục đăng kiểm theo kỳ hạn thì xe máy thực sự là vấn đề nan giải. Những chiếc xe máy cũ nát nhả khói mù mịt chạy khắp thành phố nhưng chưa có chế tài xử lý. Những cách chống bụi của người dân như sử dụng khẩu trang, nhưng đáng tiếc là hầu hết các loại khẩu trang không ngăn được bụi PM2.5.
Cùng với việc trồng 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020, thì việc HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án quản lý phương tiện giao thông, phát triển giao thông công cộng, theo đó đến năm 2030, toàn bộ khu vực nội thành sẽ cấm xe máy. Đây là đề án được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao vì sẽ “chặn” ô nhiễm từ gốc. Song, có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền cũng như nỗ lực của người dân.