Nghệ An: Tình trạng sạt lở diễn biến nghiêm trọng

Điền Bắc 23/10/2017 09:50

Đợt mưa lũ kéo dài 4 ngày (từ ngày 9 đến 12/10) vừa qua, đã gây thiệt hại hơn 700 tỷ đồng tại Nghệ An. Hậu quả nặng nề còn kéo theo đến tận hôm nay khi nhiều nơi tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất kinh doanh của người dân.

Hơn 10ha đất sản xuất của người dân tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương bị dòng sông Lam “ngoạm” từng ngày mà chưa có biện pháp khắc phục.

Núi sạt lở vào nhà

Trong mấy ngày qua, nhiều hộ gia đình tại xóm 10, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) kêu cứu vì bị núi sạt lở, đe dọa đến nơi ở và tính mạng.

Vào sáng 21/10 đất đá sạt lở từ núi đã làm cho 4 hộ gia đình xóm 10 bị ảnh hưởng nặng nề, đất đá tràn vào nhà. Đặc biệt, hộ gia đình anh Trần Văn Hà bị đất lở đâm thủng bờ tường, may mắn không có thiệt hại về người.

Anh Hà cho biết: “Trong đợt mưa vừa qua, tại đây mưa rất lớn, nước từ núi chảy xuống mạnh, tạo thành rãnh, đến ngày 21-10 vừa qua thì bất ngờ đổ ập xuống, đâm thủng tường tràn vào nhà tôi, may mắn không ai bị thương”.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng- cán bộ địa chính xã Nam Lộc cho biết, sau sự cố xẩy ra, xã đã đưa máy móc đến xúc đất đi, đồng thời, tiến hành phối hợp với các gia đình để làm kè chống sạt lở. Cũng trong ngày 21-10, cả 4 hộ đã được vận động đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

Ông Quảng cũng cho biết thêm, ngoài các hộ nói trên, toàn xã có 10 xóm, thì có 7 xóm đều có các hộ dân bám sườn núi, được đặt trong tình trạng sạt lở uy hiếp. Cũng theo ông Quảng, đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn có nhiều hộ cũng chịu ảnh hưởng sạt lở từ núi uy hiếp và được chính quyền xã thông báo di dời tài sản, người già, trẻ em đến những nơi an toàn.

Nhiều hộ gia đình tại xóm 10, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn bị núi sạt lở vào nhà.

Hà Bá phá bờ sông

Nếu như tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn tình trạng sạt lở núi đe dọa nhiều hộ dân, gây khó cho chính quyền trong việc bố trí dân cư thì tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tình trạng sông Lam “nuốt” đất của dân sau đợt mưa lũ vừa qua cũng hết sức nặng nề. Chỉ tính riêng trong năm nay, dòng sông Lam đã ăn sâu vào vùng đất sản xuất nông nghiệp của người dân hơn 12m. Đặc biệt, sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua, tình trạng càng trở nên thê thảm hơn. Hàng vạn khối đất đã và đang chờ đổ sập xuống dòng sông.

Theo ông Trần Anh Phúc (SN 1949) trú xã Thanh Hà cho biết: “Trước đây vùng đất này rộng khoảng 30ha, tuy nhiên trong thời gian qua, mưa lũ làm cho dòng sông Lam thay đổi dòng đã ăn dần vào đất sản xuất của người dân hai bên bờ sông. Nguyên nhân này cũng một phần do tàu hút cát rầm rộ làm cho tình trạng sạt lở bờ sông trở nên nghiêm trọng hơn”.

Ông Thân Văn Tân, xóm trưởng xóm 2, xã Thanh Hà cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều năm nay mà nguyên nhân cũng là nạn khai thác cát sỏi đã làm sông Lam đổi dòng. Biết là vậy nhưng dân chúng tôi cũng đành bó tay”.

Theo người dân ở đây cho biết, nếu cứ đà này thì chẳng mấy năm nữa đất của người dân ở đây sẽ biến mất, không những vậy, nó còn uy hiếp khu dân cư. Người dân nơi đây mong chính quyền có biện pháp tích cực cho dân yên tâm sản xuất.

Còn ông Phan Văn Lân- chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết: “Trước đây vùng đất sản xuất nông nghiệp của người dân rộng khoảng 30ha, trải qua nhiều năm bị sạt lở giờ chỉ còn khoảng 10ha. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở này ngoài yếu tố do thiên tai, dòng chảy còn do tình trạng khai thác cát trái phép”.

Cũng theo ông Lân, trước đó UBND xã cũng đã có tờ trình xin được kè phía đầu nguồn để hạn chế tình trạng sạt lở, nhưng do kinh phí quá lớn nên chưa được chấp thuận. UBND xã cũng đã tổ chức trồng cây sậy để giữ đất nhưng cây sậy chưa kịp bám rễ đã bị cuốn xuống dòng sông Lam.

Như vậy, vừa yếu tố thiên nhiên, vừa tác động của con người tại nhiều địa phương của huyện Nam Đàn và Thanh Chương tình trạng núi sạt lở vào nhà, sông nuốt đất sản xuất diễn ra ngày càng nhiều. Đặc biệt là đợt mưa lũ vừa qua mới lộ rõ.

Theo ông Phan Văn Lân- chủ tịch UBND xã Thanh Hà (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An): “Trước đây vùng đất sản xuất nông nghiệp của người dân rộng khoảng 30ha, trải qua nhiều năm bị sạt lở giờ chỉ còn khoảng 10ha. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở này ngoài yếu tố do thiên tai, dòng chảy còn do tình trạng khai thác cát trái phép”.

Điền Bắc