Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, đóng góp 45% tổng sản lượng quốc nội và 31% ngân sách quốc gia… thế nhưng dư nợ tín dụng cho cộng đồng DN nhỏ và vừa (SME) chỉ ở mức 21%, nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Điều này chứng tỏ, dù giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nhưng SME chưa được ưu ái, thậm chí còn phải đối diện với việc khó khăn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay vốn vì thiếu tài sản thế chấp.
Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM thông tin, qua khảo sát cho thấy, trên 50% DN nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn nhưng không thể tiếp cận được. Đây là nút thắt lớn. Nếu tháo gỡ được chắc chắn DN sẽ có điều kiện phát triển nhanh, mạnh hơn.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, sự mất cân đối với vốn không có lợi cho DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường kinh doanh. Hiện cả nước có 600.000 DN SME, dù giữ vao trò rất quan trọng trong nền kinh tế nhưng SME không được ưu ái, thậm chí còn phải đối diện với việc khó khăn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: “Tài sản thế chấp là “nút thắt” lớn khiến dòng vốn không đến tay DN.
Trước sự mất cân đối về nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh vấn đề này. Trường hợp không điều chỉnh, 10 năm tới SME vẫn trong tình trạng như hiện nay, dư nợ tín dụng cho cộng đồng này không thay đổi.
Để điều chỉnh sự mất cân đối về vốn có lẽ Chính phủ, ngân hàng, DN nên vào cuộc. Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cùng các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương; song số lượng vốn hiện nay ở các quy bảo lãnh tín dụng quá nhỏ so với những gì DN có.
“Hãy thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương thay cho quỹ bảo lãnh địa phương. Quốc hội sẽ phê duyệt vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương”, ông Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ mong muốn