Múa bóng rỗi cần được bảo tồn
Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ dân gian, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ. Gần đây, khi được đưa vào giới thiệu tại một số hoạt động văn hóa, du lịch, loại hình này đã nhanh chóng trở thành một di sản thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước…
Một tiết mục múa bóng rỗi được trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật múa bóng rỗi Nam Bộ 2017. Ảnh: Hồng Phúc.
Tại nhiều địa phương ở Nam Bộ, hát múa bóng rỗi thường được phân chia thành các tổ hợp tiết mục tùy chọn, gồm có lễ khai tràng, chầu mời - thỉnh tổ, mời tiên ra tuồng, phước lộc, hát chặp,… Đó là những tiết mục thể hiện lối diễn ứng tác: hát, nói, kể kết hợp với nhạc và vũ đạo theo phong cách tuồng hài.
Một số nghi lễ như lễ dâng bông và lễ dâng mâm, nghệ nhân sẽ cầm chén (hoặc tô) bông trên đầu, các nghệ nhân khác múa xoay người, xoay vòng trước điện thờ rồi dừng để cho người thủ từ nâng chén bông đặt lên bàn thờ Bà. Đáng chú ý, các tạp kỹ đặc sắc, gần với các kỹ thuật biểu diễn xiếc như múa ghế, múa khạp da bò, múa bông huệ, múa xe đạp, múa xoay đĩa, rót rượu bằng đầu cũng mang đến những tiết mục hấp dẫn du khách thập phương, gọn gàng trong một đêm diễn.
Do những nét văn hóa hết sức độc đáo, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định các địa phương Nam Bộ có lợi thế rất lớn trong khai thác loại hình du lịch văn hóa múa bóng rỗi. Hiện nay khi tới khu du lịch văn hóa Núi Sam, miếu bà Chúa Xứ (Tây Ninh), Thiên Hậu cổ miếu, đình Tân Lân (Đồng Nai), chùa Bà Bình Dương, miếu bà Chúa Xứ Châu Đốc (An Giang), du khách có cơ hội được tự trải nghiệm một số tiết mục múa bóng rỗi, tham quan kiến trúc, các trò chơi, diễn xuống dân gian mang đậm văn hóa Nam Bộ.
Ông Huỳnh Văn Tới- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Đồng Nai cho biết, dù nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ đang cố gắng phục dựng, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của nghệ thuật hát bóng rỗi. Thế nhưng nghệ nhân của loại hình này cho đến nay còn rất hiếm hoi, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay...
TS Mai Mỹ Duyên (Chi hội Văn nghệ dân gian tại ĐH Văn hóa TP HCM) cho rằng, dòng thời gian cứ trôi và các thế hệ nghệ nhân lần lượt già yếu hoặc mất đi. Nếu không có giải pháp tích cực và kịp thời thì đến lúc nào đó loại hình nghệ thuật độc đáo này sẽ không còn hiện diện trong đời sống.
“Để bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần đối với múa bóng rỗi trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, chúng tôi đề nghị ngành văn hóa, thể thao, du lịch các tỉnh, thành cần phải phối hợp với các chương trình lễ hội trong năm, các công ty du lịch, lữ hành để xây dựng kế hoạch quảng bá, liên kết, đưa vào khai thác sản phẩm văn hóa tinh thần này đến với du khách khi họ cùng thăm quan các lễ hội tại miếu Bà ở khu vực Nam Bộ”- PGS.TS Nguyễn Công Hoan (ĐH Tài chính – Marketing) góp ý.