Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Ký ức có thật nhiều mùi hương

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 23/10/2017 16:37

Sau “Đập cánh giữa không trung” dự các LHP Quốc tế, nhận được nhiều giải thưởng, rồi được nước Pháp trao tặng huân chương Hiệp sĩ Văn chương và Nghệ thuật, Nguyễn Hoàng Điệp lại đang tuyển chọn diễn viên cho dự án phim mới: “Câu chuyện buồn nhất thế gian”. Cùng với phim, chị đang bận rộn với việc kinh doanh quán trà nhỏ, Úi chà Trà, tinh dầu Úi Chà, giò chả, bánh dày đến bánh chưng… những sản vật của Hà Nội.


Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. (Ảnh: Nguyễn Chí Thanh).

Với chất giọng đầy phương vị Hà Nội, ánh mắt sáng thông minh, cùng sự nhạy cảm quá mạnh trong tâm hồn, Nguyễn Hoàng Điệp tưởng như rất dễ gần gũi, dễ cảm thông với mọi người bởi sự nhiệt tình chân thành. Thế nhưng, có gì đó vẫn lửng lơ trong tâm trí chị, một khoảng rỗng trơ trọi, đôi khi bị mất phương hướng đi, dần tạo thành một nỗi buồn không tên. Ban đầu, tưởng Điệp đùa, sẽ viết nỗi buồn của mình ra thành phim, cho đến khi kịch bản xong, Điệp tiến hành tìm kiếm diễn viên hợp vai bằng cách bắt… đọc bài thơ chị tự tay chép trên tấm bảng đen, thì mới hay, nói gì, Điệp cũng đều làm thật.

Cách đây gần hai năm, trên Facebook Điệp, xen kẽ giữa những thông tin về điện ảnh, chị bắt đầu giới thiệu tinh dầu Úi Chà do gia đình tự sản xuất. Tết về, Điệp chìm trong vườn sả, ôm trên tay chồng to lá mùi, rồi chụp ảnh, tự quảng cáo. Ảnh nào cũng đậm chất điện ảnh, có thể cảm giác được mùi hương chiết xuất từ cỏ cây, và ngửi được cả nỗi buồn lẫn niềm vui bàng bạc của Điệp. Điệp viết quảng cáo rất hay, đầy chất văn chương của một tinh thần thích hài hước. Dần dà, đến khi “Cường béo”, cách mà Điệp hay gọi chồng, làm ra một loạt bàn gỗ thiên nhiên, thì Điệp lại giúp chồng viết quảng cáo trên Facebook, để sau đó hàng hết ào ào. Rồi giờ đây là Úi chà Trà, không gian quán đậm niềm hoài cổ, với ghế vải hoa, chậu xanh lá mạ, trà, bánh, thơ, phim cứ đan xen vào nhau, mà những người quý mến Điệp thay nhau ghé lại, vừa thư giãn, vừa là thưởng thức không gian từ tinh thần Điệp tạo ra.

Giữa đống hàng chất đầy từ cầu thang đến sàn quán, “Hiệp sĩ Văn chương và Nghệ Thuật” kể tôi nghe về câu chuyện cuộc đời chị, bắt đầu khởi sinh từ năm 1982:

“Bố hơn mẹ một giáp, mẹ đẹp đình đám, bố tài lẻ tài chẵn nổi như cồn…cả hai lấy nhau khá muộn nên tôi con đầu cháu sớm thuộc dạng được mong chờ của hai họ. Thời bao cấp khó khăn, nhà nào cũng thế, khổ vì đói ăn, tình yêu như mẹ nói cũng chỉ được nhõn một lần ăn phở, sau này đẻ tôi rồi cũng cơm trắng chan canh suông. Kỳ lạ là tôi to khoẻ từ khi trong bụng mẹ, bốn cân mốt bao gồm cả tràng hoa quấn cổ. Ở thời kỳ các cháu bé loanh quanh hai cân tám thì một em bé khổng lồ như tôi có thể coi cũng là điều đặc biệt.

Mẹ sinh khó vô cùng, cơ địa yếu ớt, dinh dưỡng thiếu thốn, điều kiện kỹ thuật khó khăn, con so lại quá là to, mẹ tôi dù bị rạch sống đến ngất đi trên bàn mổ vẫn không thể giúp tôi gặp cuộc đời nhanh hơn một chút. Bác sĩ kẹp fooc set, kéo tôi ra chào đời. Nhưng tôi khi ấy là một cái bọc, đã im thin thít, chả có chút dấu hiệu nào của khóc hay thở. Vậy đấy, mẹ tôi đã đẻ ra một cái bọc!

Bố tôi, vốn là bạn thân của bà đỡ, xin được vào phía trong, rồi thì cái bọc được xé ra, nghe bố tôi kể lại, bàn tay của ông đét tôi những cái đét đầu đời! Và bàn tay ông đã đánh thức tôi, cho tôi được khóc để chào đời theo cách bình thường nhất.

PV: Những bất thường của ngày chị được mẹ sinh ra, hẳn nhiên đủ báo hiệu về một số phận ưa chọn con đường đi dù muốn cũng khó thể bình thường (cười). Chị đã sinh ra và lớn lên giữa gia đình ra sao?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi là con gái cả, dưới tôi có hai em, một gái, một trai. Bố tôi trước là giảng viên đại học, rồi cũng lăn lộn bươn chải nhiều nghề trước khi quay lại với truyền thống từ thời cụ kỵ là đông y. Ông dịu dàng và nhân hậu, nhưng cũng thuộc hàng khái tính, và hay có những sự kiên định khó lường. Bố tôi là Nam y Nguyễn Đại Định, ông theo đuổi quan điểm sử dụng thuốc nam là cốt lõi trong điều trị cho người Việt Nam. Bệnh nhân ngồi đầy nhà, bố xoay trần từ sáng sớm đến tối mịt với đủ chứng nhẹ nặng, đủ mọi thành phần, già trẻ, gái trai, giàu nghèo… nó đã thành hình ảnh quen thuộc ở phòng mạch của ông.

Mẹ tôi thì phụ nữ Việt Nam điển hình, chịu thương chịu khó, xinh đẹp đảm đang, nhỏ bé dịu dàng, luôn lui lại với định kiến: phụ nữ thì phải biết vị trí của mình. Và trong lúc cả xã hội yên tâm vì họ đã nhu mì nhỏ bé yếu ớt làm sao… thì họ sẽ lăn lộn, bươn chải, xoay xở đủ đường. Và như mọi câu chuyện không bao giờ có hậu trên đời, đúng lúc lẽ ra an nhàn, hưởng thụ… thì mẹ tôi lâm trọng bệnh, giờ bà đã liệt hai chân, mù hai mắt và thế giới xung quanh chỉ còn là… hình dung đại khái.

Tôi bám bố, và bố coi tôi là con gái rượu, nghĩa là đứa con có thể đi mua rượu cho bố khi cần, có thể ngồi cạnh mâm rượu lúc bố hàn huyên bè bạn họ hàng, có thể xử lý mọi hậu quả sau khi bố đã “say rượu” trở về nhà!

Bố tôi là người đưa tôi đi học ở trường tốt nhất, tin rằng tôi sẽ là một người đặc biệt nhất, quả quyết mai này của tôi sẽ cực kỳ nhất, để kệ tôi và không ngăn chặn tôi. Bố tôi là một người tài, ở trong vũng lầy bất đắc chí hơi lâu nhưng điều hay là ông không bao giờ ngừng vùng vẫy. Tất nhiên, nguyên lý vùng vẫy trong vũng lầy thì… thật khó để có kết cục nào khả quan… nhưng cả tuổi thơ, tôi đã được hưởng những trong lành, tinh khiết nhờ sự vẫy vùng mà bố tôi dành trọn cho chúng tôi.

Tôi vẫn nghĩ bố mình là một á thần, mắc kẹt với những kiếp nạn nhất định phải kinh qua. Điều thật hay là dù có thế nào, bố tôi vẫn giữ cho đôi cánh trắng, luôn đập giữa không trung. Có thể ở kiếp sau, bố tôi sẽ sung sướng hơn, sẽ được thừa nhận và cống hiến dễ dàng hơn… nhưng dù sao, mỗi lần tôi thấy bố tôi véo von huýt sáo bài Suối Mơ hay Sông Lô của Văn Cao… tôi vẫn thấy cuộc đời có lẽ như vậy mới là hay!

Tôi hay nhổ tóc bạc đếm cẩn thận rồi cất đi cho bố, rồi sau này cho mẹ… rồi tôi chả nhổ cho ai nữa, vì tóc của bố mẹ giờ quá hiếm sợi đen! Một trong những thú vui hồi bé tí, là tôi sẽ nhấm nhấm chân tóc bạc của bố và phán là… ai chà, nhiều dưỡng chất. Quay sang nhấm chân tóc bạc của mẹ và giọng nhỏ nhẹ đi… khô quá mẹ à! Mẹ tôi thích thế lắm, ý mẹ tôi là, đấy mẹ tôi vất vả, khổ sở lắm, nên chân tóc cũng khô kiệt cả đi! Những khi ấy, tôi với bố tôi hay lén cười cười với nhau! Phụ nữ họ thật là hay và làm họ vui chính ra cũng dễ!

Bố mẹ chị có ảnh hưởng gì đến chị và con đường nghệ thuật sau này của chị?

- Bố mẹ tôi không ai làm nghệ thuật, nhưng tôi chả lấy thế làm phiền hoặc là tự sung sướng. Tôi sống với bố mẹ 25 năm đầu tiên trong cuộc đời mình. tôi nghĩ đó là một giai đoạn kì lạ ẩn sau vỏ bọc rất bình thường. Bố mẹ tôi thực ra không thể biết việc làm phim của tôi là gì, diễn ra như thế nào, tôi cũng không muốn chia sẻ.

Tuổi thơ của chị đã diễn ra như thế nào?

- Mẹ tôi kể lại rằng, khi đẻ tôi ra, bà cắt bím tóc dầy và dài đến gần mắt cá. Để một kiểu tóc bình thường nhất của những người phụ nữ có gia đình vào năm 1982. Mẹ không có đủ sữa, tôi háu đói và khoẻ ăn, những bình nước cơm pha thêm sữa đặc chưa bao giờ đúng hạn hoặc hoà với đường nâu đã là thứ thay sữa mẹ nuôi tôi. Tôi lớn nhanh như thổi, sớm biết lẫy, sớm biết bò, sớm đi và sớm luôn cả chạy. Tôi không để bố mẹ lo lắng phiền lòng. Tôi tự biết ăn uống, tự thích nghi và gần như ít khi ốm vặt. Hàng xóm quý tôi, họ thường cho tôi khi miếng tóp mỡ, lúc ít rau xào, đại loại là khi mẹ có em gái thứ hai, tôi cứ chạy vòng quanh trong xóm và chả bao giờ bị đói! Mà thời ấy nó vậy, nhà nào cũng thiếu, nhưng vung nồi nhà nào cũng mở, tủ chạn nhà nào cũng thoáng… bọn trẻ con có thể ăn trực, có thể “đảo ca”, đôi khi bố mẹ còn gửi nhờ sang cả đám lóc chóc tổ chức bữa ăn như đúng rồi!

Tôi cao lớn vượt trội so với bạn đồng niên, nhưng gầy thì y hệt. Mắt tôi to nhưng lại có phần trô trố, tóc tôi dày nhưng lại cứng và… rất thô. Đầu gối củ lạc, bàn chân dài không thể tả, bàn tay khẳng khiu như những chiếc chân gà. Và tội lớn nhất trên đời: da tôi lại quá đen! Cho đến tận bây giờ, ao ước được trắng trẻo hồng hào chưa bao giờ rời khỏi óc tôi. Thật sự tôi đã có một tuổi thơ bão tố, nhất là khi em gái tôi quá trắng, quá bụ, quá xinh… mọi tiêu chuẩn của thời đại dường như chống lại tôi! Tôi thiếu tất cả mọi thứ một cô bé – một cô gái – một chị phụ nữ cần… trong khi lại dư thừa mọi điều phụ nữ ghét đắng ghét cay. Ý tôi là cái thời ấy thôi. Còn bây giờ, cuộc đời cũng mỉm cười với tôi ra phết. Thiên hạ sống ảo quen rồi nên những đứa da đen ăn ảnh như tôi lại thành ra… oanh oách!

Tổng kết lại về tuổi thơ, tôi thấy thật bình thường và đau khổ!

Có lẽ chị vẫn giữ được sự hồn nhiên, lạc quan đầy thơ trẻ ấy bên trong tâm hồn vừa mạnh mẽ xen lẫn yếu đuối đôi khi, để những gì chị nói hay viết ra, đều cuốn hút người nghe, người đọc theo một kiểu nào đó mông lung kì lạ…

- Tôi vốn giỏi kể chuyện, từ khi biết nói, tôi đã kể chuyện say mê khiến cho mọi người xung quanh đều ngơ ngác. Tôi giữ thói quen đó khi đi học sau này, luôn là người kể chuyện, với một đống bạn bè vây xung quanh, lắng nghe, háo hức. Nên có lẽ sau này tôi hay nhớ về những khoảnh khắc tôi bịa đặt ra cơ man nào là chuyện, đôi lúc sự bịa đặt cũng thật quá đà, nhưng việc kể chuyện quả là làm tôi hưng phấn. Một đứa trẻ con thì biết gì về hưng phấn nhỉ?

Thơ ấu ai chả có những điều để mà nhung nhớ, tôi lại thuộc nhóm nhớ dai, nhớ rất là nhiều. Nhớ những buổi tối mùa đông, chui trong chăn đọc truyện. Nhớ lần đầu tiên “nhặt được tiền không chịu trả” lại còn dám cầm đi mua bánh phồng tôm bị mẹ tát cho một cú giáng trời… từ ấy về sau chừa luôn cái thói lấy tiền không phải của mình. Nhớ bà nội bị liệt bảy năm chỉ ngồi trên cái giường đơn, ở dưới gầm giường có cái bô men… đùi trái của bà to ra như một cái gối, mình hay gối đầu lên nghe bà lẩy truyện Kiều. Nhớ bố dặn mình rằng đùi gà và nho là dành cho phụ nữ, em bé và người nào yếu nhất, thiệt nhất nhà… từ đó trở đi mình không bao giờ ăn nho, cũng chả bao giờ tự ý gắp đùi gà! Mà thậm chí, mình cũng chả thấy đùi gà ngon. Nhớ mẹ bảo mình, thôi không sao con ạ, cái nết đánh chết cái đẹp, khi mẹ thấy mình mặc áo dài chuẩn bị đi thi. Từ đó về sau, mình luôn khao khát đổi nết lấy một vài cân nhan sắc. (Cười)

Ký ức của mình có thật nhiều mùi hương. Như lúc này đây, bão số 6 sắp về, mùi đất nồng bỗng xộc lên làm mình muốn khóc. Mình đã tưởng Hà Nội của mình mất mùi rồi chứ nhỉ, Hà Nội của mình hồi xưa, những cơn giông mùa hè, luôn làm vang lên trong không khí mùi hương của lá sấu dập, của hoa sấu, của lá dâu da… mùi của đất, mùi của tóc bọn trẻ con bêu nắng cả ngày. Ngày ấy ở khu ngã ba, mình cầm đầu lũ trẻ con lóc chóc, cứ dãi nắng dầm mưa, cùng nhau vượt qua cả một tuổi thơ đầy bụi đất.

Sau này lớn lên mình ghét nhất việc con người luôn phải lãng quên. Ai rồi cũng quên đi những điều lấp lánh của thời thơ ấu, chả nhớ được tên bọn bạn lúc lên ba, chả nhớ được miếng ngon, thức quà lấm lem mà mình cùng nhau chia sẻ với bọn chung xóm chung làng. Mình tưởng tượng sẽ làm một bộ phim, mà trong đó ký ức như những giọt tinh dầu, rồi mình sẽ làm người quản lý của cả kho toàn những là ký ức, ai cần gì sẽ đến. Mình leo lên thang, mở một hộc tủ bụi mờ, có cả mạng nhện đã giăng tơ, lấy ra một lọ màu xanh lấp lánh, thế là cái con người nhàu nhĩ chán chường kia bỗng như tươi xanh lại, dù tất nhiên cũng có những lọ ký ức rất đau buồn.

Ký ức bao giờ cũng thế, xen giữa những vui là buồn, giữa hồn nhiên là những lo toan, còn với chị tâm hồn xưa kia hay bây giờ, là chuỗi dài ngập tràn những mộng mơ cổ tích … Và Hà Nội nằm trong câu chuyện cổ tích nào do ký ức chị viết lên?

- Là phố Lò Đúc với hàng sao đen có đàn cò về. Mùa mưa bão tôi hay ngồi sau xe bố và tưởng tượng có một con cò làm rơi trứng, tôi nhặt được rồi chăm sóc quả trứng rất cẩn thận. Ai ngờ đó là trứng của một con cò thần, trứng nở ra và con thần bảo tôi: thưa chủ nhân, chủ nhân muốn bất cứ điều gì xin hãy nói ra.

Hoặc là tôi nhặt được trứng chăm sóc cẩn thận, cò mẹ sau này tìm đến trả ơn tôi. Và ai ngờ đâu, cò mẹ là một con cò thần, nó bèn ban cho tôi ba điều ước, tôi bèn ước có 300 điều ước…

Nói chung tôi thích một con cò thần sẽ tìm đến với tôi.

Hà Nội còn là hồ Gươm có cụ Rùa thần hay nổi lên lén lút, tôi rình mãi mà chả bao giờ gặp được để cụ hỏi tôi: Con ước gì nào? Tôi đã vào đền Ngọc Sơn, tìm cách sờ vào mai cụ Rùa bị khô và xin xỏ mãi, nhưng chắc cụ Rùa chỉ linh thiêng khi còn cử động thôi.

Hà Nội còn là những ngày bố tôi chả hiểu sao có rất nhiều tiền, cho cả nhà đi ăn chim hầm trên phố Tống Duy Tân và còn vào Thuỷ Tạ tráng miệng bằng kem ly có cắm thêm thanh ốc quế.

Hà Nội ư, có lẽ là lần bố cho tôi vào khách sạn Maria trên đường phố Huế để ăn chiêu đãi, tôi đã ăn trộm một cục bơ, ăn sạch sành sanh và không thể tin nổi, trên đời có món gì ngon hơn thế.

Hà Nội là những ngày tôi tột cùng tuyệt vọng, khi ngồi sau xe mẹ, véo từng mẩu xôi rải suốt dọc đường đi để làm dấu cho một vị thần lộng lẫy và thương yêu… vậy nhưng chả có gì hiện ra cả, dù sau này tôi đã đổi xôi xéo thành mớ lông ngỗng trắng tinh!

Hà Nội là lần tôi được mẹ làm cho mớ tóc phide và tôi không tin nổi nỗi bất hạnh lớn lao ấy đã tước đi của tôi biết chừng nào nước mắt, khi tất cả trường mẫu giáo đều quay lưng lại với cái xúp lơ đen kịt trên đầu tôi.

Hà Nội tan vỡ khi mùa hè về, tôi phải chia tay bọn bạn cùng lớp, mà thực ra là chia tay thằng bạn tôi trót gửi tim. Khi ấy, tôi học lớp 1 trường Trưng Vương huyền thoại.

Hãy tưởng tượng xem, tôi đã tan nát nhường nào.

Ôi Hà Nội, Hà Nội của tôi… vốn dĩ nó đã chả vui rồi.

Trót gửi tim sớm thế thì việc học hành của chị trong trường từ thời niên thiếu đến thanh niên đã diễn ra như thế nào?

- Nó rất bình thường, tôi là đứa được đánh giá rằng: thông minh nhưng lười. Đại loại tôi cũng thấy đúng. Tôi học không tệ, và cũng chẳng quá xuất sắc. Ham muốn được trở nên xuất sắc chưa bao giờ có trong tôi cho đến khi tôi… quen điện ảnh.

Thú vui thuở bé của chị là gì vậy?

- Lứa 8X đổ về trước, có thú vui nào hay hơn đọc sách nữa đâu. Tôi mê muội trước những cuốn sách giấy đen có mùi của cũ kỹ. Tôi đọc chả có chọn lọc hay định hướng nào hết, cứ sách là đọc. Và đắm đuối trong văn chương, sự sung sướng đến cuồng dại những khi được thả ga nằm lặng yên với sách.

Có vẻ cảm giác đó đến nay chẳng còn nữa.

Cuốn sách gây ảnh hưởng đến tôi à, có lẽ là tôi chưa tìm thấy. Những cuốn hay thì nhiều, nhưng gây ảnh hưởng thì… chắc mai sau.

Rất nhiều người tôi biết xưa kia mê mải đọc sách bao nhiêu, thì giờ đây, thời gian để đọc sách là quá xa xỉ. Còn chị, lúc này còn ưa thích đọc sách không?

- Tôi ít đọc đi nhiều, giờ tôi hay đọc lại những cuốn mình đã yêu từ lâu lắm. Đọc thế tôi cảm thấy an toàn. Yên tâm rằng mình sẽ được thư giãn với một cuốn sách hay. Ví dụ tôi thường bỏ một cuốn thơ Lưu Quang Vũ trong túi. Tôi hay đọc lại “Con chim trốn tuyết”. Hoặc là đọc lại những cuốn viết cho trẻ con, kiểu như “Tôt tô chan – cô bé ngồi bên cửa sổ”, “Núi đồi và thảo nguyên”… Các cuốn mới thì tôi thích truyện ngắn hoặc các cuốn có chất lịch sử ở bên trong. Tôi hay đọc lại truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Còn truyện đọc để vui vẻ, tôi thích “Quân Khu Nam Đồng”, tác giả Bình Ca.

Những tác giả Việt Nam chị thích, cuộc đời họ đều có điểm chung là gắn liền với Hà Nội, dường như chị cũng vậy, tôi thấy ngoài liên quan đến công việc làm phim, cuộc sống của chị vẫn gắn liền với không gian Hà Nội?

- Sau chừng đó năm tôi nhận ra là tôi thật khó đi xa Hà Nội. Nhưng tử vi thấy bảo có gì đó đại loại tên Thiên Di, khả năng dời đi rất lớn. Tôi cũng hơi lo, chả biết làm thế nào xoay xở nổi.

Vậy Hà Nội có những ảnh hưởng gì đến con đường nghệ thuật của chị không?

- Tôi tin là có. Cụ thể là gì, tôi không rõ. Nhưng phim nào tôi cũng muốn dính một chút vào Hà Nội…

Cảm ơn chị và chúc cho công việc kinh doanh của chị ngày một phát đạt để bộ phim sắp tới đây nhanh chóng được khởi quay.

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)