Phát sốt vì tiền ảo
Tiền ảo tăng giá phi mã đã khiến cho nhiều người bị lôi vào cuộc, tại Việt Nam, cơn sốt tiền ảo chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cần cẩn trọng với tiền ảo Bitcoin.
Giữa tuần qua đồng Bitcoin (BTC) đã chạm giá 5.400 USD/BTC. Như vậy đồng tiền ảo Bitcoin đã tăng giá gần 6 lần so với hồi đầu năm và trở thành đồng tiền có mức tăng kỷ lục trong các kênh đầu tư tài chính.
Hiện giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo thế giới đã đạt tới 164 tỷ USD (Bitcoin chiếm hơn 50%), tăng gần 10 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng. Sự tăng giá quá sốc của Bitcoin khiến nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo về xu hướng của đồng tiền này.
Đặc biệt, vào thời điểm tháng 9 vừa qua, một quốc gia là Dubai còn cho phép mua nhà bằng tiền ảo Bitcoin đang trở thành sự thật. Một dự án bất động sản có tổng giá trị đầu tư 325 triệu USD đã được khởi công tại Dubai, đơn vị phát triển cho phép người mua nhà được thanh toán bằng Bitcoin.
Căn hộ một phòng ngủ của dự án sẽ được khởi bán với mức giá 30 Bitcoin, tương đương 133.918 USD. Đồng tiền ảo Bitcoin đang ngày càng thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Ông Vũ thành Nam và ông Lương Tuấn Thành đến từ tập đoàn CMC đưa ra nhận định, đồng tiền ảo Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác sẽ buộc hệ thống ngân hàng các nước phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tiền tệ.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế, đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức trong hoạt động ngân hàng.
Đến thời điểm hiện tại, NHNN khẳng định không thừa nhận tiền ảo. NHNN từng nhấn mạnh, Bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tiền mã hóa/Tiền ảo là loại tiền kỹ thuật số được thiết lập trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain), vận hành trên một cuốn sổ cái phân tán (distributed ledger) - một bảng ghi tất cả các giao dịch được cập nhật và lưu trữ bởi các thành viên tham gia hệ thống, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch thanh toán an toàn và lưu trữ loại tiền này một cách ẩn danh và không thông qua một bên trung gian thứ ba.
Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Cambrigde (Anh) đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới cho thấy hiện có đến 82% các ngân hàng mong muốn ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc kiểm soát tiền ảo/tiền mã hóa, 55% các ngân hàng ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực thanh toán...
Nhiều ý kiến đưa ra rằng, tiền điện tử được biết đến vì an toàn, được thiết kế cho mục đích bảo mật và ẩn danh cho giao dịch. Nhờ chi phí giao dịch và quản lý thấp, không thể giả mạo hoặc đảo ngược giao dịch, tiền điện tử trở nên hấp dẫn và được cho là tin cậy hơn so với tiền tệ thông thường.
Song trên thực tế, tiền điện tử cũng là một loại hình đầu mới, nhiều người cho rằng có thể đưa lại lợi nhuận lớn từ những khoản đầu tư nhỏ - đây là điều khó xảy ra với những loại hình kinh doanh tiền tệ thông thường.
Điều này cũng đồng nghĩa với những rủi ro nhất định, trong đó mức độ ẩn danh là động lực khuyến khích các hành vi bất hợp pháp. Do vậy cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có chính sách quản lý thận trọng.