Khủng hoảng lương thực Syria qua hình ảnh em bé chết đói
Nỗi thống khổ của người dân đang phải sống trong chiến sự ở Syria một lần nữa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, sau khi một số bức ảnh mới cho thấy một em bé sống tại vùng ngoại ô thủ đô Damascus trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng nề và bị chết sau đó vì không có gì để ăn.
Bé gái Sahar mới 1 tháng tuổi đã qua đời vào hôm cuối tuần trước vì suy dinh dưỡng trầm trọng. (Nguồn: AFP).
Các bức ảnh trên, được hãng thông tấn AFP công bố hôm đầu tuần, cho thấy Sahar Dofdaa, em bé một tháng tuổi nặng chỉ dưới 2 kg, với đôi mắt thiếu sức sống và sương sườn lồi lên dưới da. Đứa bé này đã được một bác sỹ tại thị trấn Hamouria, phía Đông Ghouta điều trị chứng suy dinh dưỡng nhưng đã chết từ hôm Chủ nhật tuần trước.
"Nguồn cung thực phẩm cực kỳ thấp, và nếu tình trạng này tiếp diễn, nhiều trẻ em sẽ chết" - một quan chức viện trợ quốc tế giấu tên, nói với AFP.
Hàng chục nghìn thường dân ở Ghouta hiện đang sống dưới cảnh khắc nghiệt do thiếu lương thực. Khoảng 3,5 triệu người dân Syria cũng đang sống trong tình trạng bị chia cắt hoặc tại các khu vực rất khó tiếp cận, và phần lớn những khu vực này đều có tình trạng an ninh thắt chặt.
Cuộc chiến giữa các lực lượng nổi dậy ở Syria cùng giá thực phẩm tăng cao đột biến càng khiến cho cuộc khủng hoảng lương thực ở nước này thêm phần nghiêm trọng.
Giới bác sỹ cùng các nhà hoạt động cho hay tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng đến nỗi họ ghi nhận được hàng chục trường hợp suy dinh dưỡng nặng xuất hiện tại các trạm y tế và bệnh viện. Các bà mẹ mới sinh không có khả năng cho con bú bởi chính họ cũng bị suy dinh dưỡng, trong khi các sản phẩm sữa hộp trẻ em gần như không tồn tại.
Ông Mohamad Katoub, một bác sỹ thuộc Tổ chức Y tế Mỹ-Syria đang vận hành một số bệnh viện ở Ghouta, cho hay trung tâm của ông đã ghi nhận 68 trường hợp suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Con số thực tế còn có thể cao hơn rất nhiều do việc thu thập dữ liệu từ tất cả các cơ sở y tế gặp khó khăn do chiến sự.
Yahya Abu Yahya, một bác sỹ khác trong khu vực, nói với AFP rằng trong số 9.700 trẻ em được kiểm tra sức khỏe trong những tháng gần đây, có 80 bị suy dinh dưỡng và 4.000 em bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Sahar, em bé xuất hiện trong các bức ảnh mới xuất hiện, đã không được mẹ cho bú bởi mẹ của cô bé cũng không hấp thu đủ thực phẩm để sinh sữa, theo AFP.
"Hiện nay khu vực phía Đông Ghouta đang chịu khủng hoảng ghê gớm" - Raed Srewel, một nhà hoạt động ở Syria, cho hay - "Hàng nghìn trẻ em đang gặp nguy hiểm, nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và LHQ, hậu quả sẽ là vô cùng thảm khốc, có thể trở tahnhf một thảm kịch nhân đạo".
Đông Ghouta là một trong số những "vùng giảm thang" được hình thành dưới thỏa thuận mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chung tay thúc đẩy nhằm giảm tình trạng bạo lực ở Syria. Tuy nhiên do chiến sự nổ ra ở những nơi khác, trong khi tình hình an ninh được thắt chặt nên các con đường tiếp cận tới vùng này rất khó.
Giới chức thuộc các tổ chức viện trợ cho hay nhiều gia đình bị buộc phải bán thực phẩm bổ sung để mua các đồ dùng thiết yếu hơn như đường hay bánh mỳ, khiến cho các trường hợp suy dinh dưỡng gia tăng. Hiện nay, 1 kg đường ở khu vực này có giá tới 15 USD, một mức giá mà thường dân khó có thể mua nổi dưới tình trạng như hiện nay.
Chính phủ Syria hiện cũng giới hạn các hoạt động cứu trợ tới khu vực này, và một số cuộc xung đột giữa các phe phái nổi dậy cũng khiến cho các tổ chức quốc tế khó lòng tiếp cận. Tình trạng thiếu lương thực còn khiến hàng hóa ở chợ đen tăng giá, điều làm cho các mặt hàng thiết yếu trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân. Phần lớn người dân Syria hiện sống chủ yếu nhờ bánh mỳ làm bằng lúa mạch, dầu ô liu và các loại rau, cây cỏ luộc.
Tình trạng bạo lực hiện vẫn tiếp diễn tại nhiều phần khác của Syria, trong đó tổ chức phiến quân IS cách đây mới 2 ngày đã sát hại hơn 80 thường dân vì cho rằng họ cấu kết với chính phủ để tiêu diệt tổ chức này.
Theo tổ chức nhân quyền SOHR, khoảng 83 thường dân đã bị IS bắn chết tại thị trấn Qaryatain thuộc tỉnh Homs. Thị trấn này đã rơi vào tay phiến quân IS từ năm 2015 sau khi chúng chiếm đóng thành phố cổ Palmyra. Thị trấn này sau đó được lực lượng chính phủ Syria tái chiếm thành công, nhưng IS mới đây lại bắt đầu tổ chức một đợt phản công mới nhằm vào thị trấn này.
Tổ chức phiến quân IS mới đây đã chịu nhiều thất bịa trên khắp lãnh thổ syria, trong đó đáng kể nhất là để mất cái mà chúng gọi là "thành trì" Raqqa, hồi tuần trước trong một chiến dịch tái chiếm được thực hiện bởi các lực lượng người Kurd, dưới sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu.