Hoàng Văn Hòe: Nhà thơ uyên bác, danh sĩ chống Pháp

Hoàng Văn Sơn 26/10/2017 08:05

Trong những năm giữa và cuối thế kỷ XIX, khi Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, nhân dân ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước nổi lên khắp nơi, liên tục chống quân xâm lược. Ở Bắc kỳ, trong số các nhà Nho nổi dậy, tiến sĩ Hoàng Văn Hòe đã chiêu mộ nghĩa quân, phối hợp với một số sĩ phu khác đánh Pháp trong hơn mười năm.


Đình làng Phù Lưu, quê hương Hoàng Văn Hòe.

Hoàng Văn Hòe người làng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, sinh năm Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1848). Năm mất chưa xác định được rõ, có 2 giả thiết là năm 1885 hoặc 1887. Cụ là con thứ 11 của Ngự sử Hoàng Huy Định (Hoàng Văn Định) và cụ bà Trần Thị Năm. Hoàng Huy Định là Giám sát ngự sử Hà Ninh, đã từ quan về làng dạy học năm 1835, vì cáo buộc kẻ quyền thần là Hà Duy Phiên không thành.

Hoàng Văn Hòe từ nhỏ đã thông minh đĩnh ngộ, lên 7 tuổi đã đọc Hán thư, được thân phụ Hoàng Huy Định rất yêu quý. Năm Canh Ngọ, cụ 23 tuổi thi Hạch đỗ đầu xứ, thi Hương đỗ Cử nhân đứng thứ 2. Lý tưởng của cụ là sống sao cho trọn đạo trung hiếu.

Trước tình hình giặc Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất năm Quý Dậu (1873), chàng thanh niên Hoàng Văn Hòe mới 25 tuổi với tấm lòng trung hiếu son sắt, đã bỏ không thi Hội, đứng lên chiêu mộ quân sĩ đánh Pháp.

Hoàng Văn Hòe đã đem nghĩa quân phối hợp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Phạm Thận Duật, Trương Quang Đản đánh Pháp. Ngày 4/12/1873, diệt đồn binh Pháp ở Gia Lâm, ngày 21/12/1873 giải phóng huyện Siêu Loại thuộc phủ Thuận Thành, giải phóng huyện Gia Lâm, bắt sống nhiều quân địch. Những ngày đánh giặc cụ đã làm tới 5 bài thơ “Ngày thu cảm hứng”.

Triều đình Huế ký hòa ước năm Giáp Tuất (1874) nhượng cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ. Hoàng Văn Hòe quay lại dùi mài đèn sách, sau đó cụ được bổ làm Giáo thụ phủ Kiến Thụy, học trò đông tới 200 – 300 người. Năm Canh Thìn (1880), cụ thi Hội, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, về vinh quy rồi lại vào kinh, được bổ làm Hàn lâm viện Tu soạn, làm việc ở bộ Lễ. Tháng 9 năm Tân Tỵ (1881), cụ được vua cho vào thi khoa “Văn học Yêm bác”. Năm đó, chiếu ban cho đình thần cử lấy 28 người dự thi, chuẩn hạch làm 4 kỳ ở vườn thượng uyển, dùng đề do vua ra. Chỉ có 2 người trúng cả 4 kỳ: Hoàng Giáp Vũ Nhự đỗ thứ nhất, Hoàng Văn Hòe đỗ thứ hai. Sau kỳ thi này, tháng 12-1882, cụ được bổ làm Tri phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, thăng hàm Thị độc.

Năm Nhâm Ngọ (1882), Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2. Ở Bắc kỳ, nhiều sĩ phu nổi dậy chống Pháp. Khi đó, Hoàng Văn Hòe là Tri phủ Kiến Xương, vô cùng phẫn uất. Cụ năm lần, bảy lượt từ chức không được bèn treo ấn từ quan, gia nhập nghĩa quân Tạ Hiện chiến đấu ở vùng Nam Định, Thái Bình. Sau đó, cụ liên kết với Nguyễn Cao, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Dương Khải thành lập Đại nghĩa đoàn gồm hơn 5.000 người, thuộc ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên gọi là Tam tỉnh nghĩa quân đánh Pháp. Nghĩa quân Tam tỉnh xây dựng đồn trại ở xã Đình Bảng (sát cạnh xã Phù Lưu, phủ Từ Sơn) thành một phòng tuyến kiên cố chạy dài xuống giáp đê sông Đuống, uy hiếp quân Pháp ở lưu vực sông Cà Lồ (Phúc Yên ngày nay). Nghĩa quân cũng xây dựng căn cứ ở núi Nham Biền (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) và ở Trúc Ty, Vân Cốc, Trung Đồng, khống chế vùng ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hợp lưu của các con sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu.

Cụ Hoàng Văn Hòe thường xuyên có mặt trên các phòng tuyến Phù Lãng, Cung Kiêm trực tiếp chỉ huy chiến đấu, động viên binh sĩ. Nghĩa quân đánh thắng quân Pháp nhiều trận lớn như trận Ngọc Trì (tên nôm là làng Bến) nay thuộc xã Bình Định, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Theo sách sử của triều Nguyễn Đại Nam thực lục chính biên, có nhiều trận đánh dữ dội với quân Pháp. Sau nhiều trận giao chiến, sáng 12/3/1884, quân Pháp tập trung lực lượng hòng nhổ bật hệ thống phòng thủ Đáp Cầu - Quả Cảm. Hoàng Văn Hòe, Nguyễn Cao chỉ huy đội quân nghĩa dũng chặn đánh hạm thuyền Carabin, bắn chìm ngay tại lũy Bường. Chiều tối ngày 12/3/1884, thành Bắc Ninh rơi vào tay Pháp. Hoàng Văn Hòe cùng chiến hữu rút lên thành Tinh Đạo (huyện Nhã Nam, tỉnh Bắc Giang). Sau vài tháng chiến đấu, nghĩa quân suy yếu dần, nhất là thiếu súng đạn, lại bị quân Pháp truy kích liên tục nên tan rã. Một số gia nhập các lực lượng kháng chiến khác.

Được biết lòng trung hiếu, quá trình anh dũng đánh Pháp của Hoàng Văn Hòe, Tôn Thất Thuyết tâu vua Hàm Nghi triệu cụ về kinh giao chức Sử quán biên tu, thực chất là tăng cường tướng lĩnh cho phái chủ chiến. Tháng 3 năm Ất Dậu (1885), được vua Hàm Nghi triệu, Hoàng Văn Hòe vào Kinh. Là một người con rất yêu kính mẹ, đi đến Nam Định, có thư gửi về nói rằng: “Tài mình gặp lúc khốn quẫn, thì lấy thân mà đền ơn quân phụ là xong. Xưa nay trung hiếu khó nổi vẹn hai, thôi cam tội làm con bất hiếu. Vậy mẹ già ở nhà đã có các em con thờ phụng”. Tháng 6 đến Kinh, cụ được bổ làm Tập hiền viện Thị độc, sung Kinh diên khởi cư chú.

Đêm 22 tháng 5 năm Ất Dậu (4/7/1885), Thống tướng De Courcy mở tiệc chiêu đãi các sĩ quan dưới quyền. Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ vào đêm 22 rạng sáng 23/5, tức đêm 4 rạng ngày 5/7/1885, cụ Hòe cũng tham gia trận chiến. Quân Pháp phản công, kinh thành Huế bị chiếm. Vua Hàm Nghi phải bỏ kinh thành về Tân Sở (Quảng Trị) hạ chiếu Cần Vương. Khi kinh thành tạm yên, Hoàng Huy Đạm, anh ruột của cụ cùng mẹ vào Kinh tìm thi hài Hoàng Văn Hòe không thấy, chỉ thu thập được tập Hạc nhân tùng ngôn. Người con rể của cụ và người trong gia tộc sưu tập thêm các thơ văn cụ viết ở quê ngày trước đóng thành sách trong đó có 319 bài thơ chữ Hán. Sau này, Hoàng Thụy Liên, em ruột của cụ đã viết bài tựa trong sách Hạc nhân tùng ngôn: “Năm Ất Dậu thời vua Hàm Nghi, kinh thành có sự biến, anh cam lòng liều chết cứu nạn nước, hết lòng trung vì quốc sự, thực không hổ thẹn với nếp nhà hiếu nghĩa”. Hoàng Thụy Chi, cháu gọi cụ Hòe là bác ruột đã biên tập Hạc nhân tùng ngôn để lưu truyền mãi mãi.

Hoàng Văn Hòe đã được đời sau đánh giá là một nhà thơ xuất sắc cuối thế kỷ XIX. Một số túc Nho đọc Hạc nhân tùng ngôn đều khen thơ rất hay nhưng rất khó dịch, chữ viết như rồng bay phượng múa, đời nay không mấy người đọc thông hiểu đầy đủ. Chu Thiên dịch 4 bài. Cao Xuân Dục giới thiệu Hoàng Văn Hòe trong cuốn Quốc triều hương khoa lục: “Một nhà, ba cha con, anh em đều đỗ đạt”. Hạc nhân tùng ngôn cũng được nhóm Lê Thước giới thiệu trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920).

Ngoài tập thơ chữ Hán đồ sộ “Hạc nhân Tùng ngôn” gồm 319 bài, Hoàng Văn Hòe còn có tập “Yêm bác khoa văn” sưu tập các bài thơ, phú của các văn nhân là những người đã đỗ kỳ thi Yêm bác năm Tự Đức thứ 34 (1881) tại kinh đô Huế.

Chính sử của nhà Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, ghi về Hoàng Văn Hòe: “Khi kinh thành hữu sự, ông đã chết trong nạn nước”. Đó là sự kiện đêm 22/5 rạng ngày 23/5 năm Ất Dậu (5/7/1885) vua Hàm Nghi đánh Pháp không thành, kinh đô thất thủ. Ngoài ra, còn có thông tin về việc cụ phò vua Hàm Nghi đi kháng chiến ở Sơn Phòng, Hà Tĩnh, rồi ra Bắc Kỳ chiến đấu trong phong trào Cần vương đánh Pháp. Có tài liệu nói cụ bị thương nặng ở Hữu Ái, Lang Tài, được chiến hữu đưa lên Lục Ngạn, An Châu rồi mất cuối năm 1887.

Cũng có thông tin của cháu nội cụ là Hoàng Văn Hiếu, con trai Hoàng Văn Toản. Hoàng Văn Toản là con của cụ Hoàng Văn Hòe và bà vợ do phu nhân Đề đốc Tạ Hiện làm mối ở vùng mai danh ẩn tích Bắc Giang. Khi kháng chiến dưới trướng Nguyễn Cao, Tạ Hiện ở Bắc Kỳ, cụ bị tử thương ở Bến Và, được đưa về chiến khu Bắc Giang chữa chạy rồi qua đời. Hoàng Văn Hiếu tìm được ngôi mộ họ Hoàng không rõ danh tính ở cánh đồng làng Phù Lưu. Từ đó, dòng họ Hoàng đã di chuyển mộ cụ về nghĩa trang Phù Lưu. Nói chung là nhiều giả thiết khác nhau, còn cần nhiều thời gian và công sức tìm hiểu kỹ càng về sự hy sinh của cụ.

Hoàng Văn Sơn