Kêu gọi đầu tư gần 160 ngàn tỷ đồng cho hạ tầng du lịch ĐBSCL
Ngày 25/10, tại TP Cần Thơ diễn ra Hội nghị đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường niên lần thứ 5 (MekongInvest 2017) với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng – nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL”.
Quang cảnh Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL lần thứ 5, 2017.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại CầnThơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, “Nói đến du lịch ĐBSCL thường nghe nhiều về sự phê phán về tính đơn điệu, nhàm chán, giống nhau, có người nói chỉ cần đến một địa điểm nào đó là biết cả vùng. Điểm tương đồng, na ná nhau là điểm yếu làm cho người ta không muốn đi thêm. Nhưng nó cũng là điểm mạnh xét ở khía cạnh cạnh tranh. Một mặt nó duy trì giá cả cạnh tranh, chi phí thấp; mặt khác nó cho thấy một nguồn cung dồi dào, nhiều lựa chọn cho khách hàng. Chính cạnh tranh mới là động lực cho sự thay đổi để phát triển”.
Ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch ĐBSCL cho biết, trong 8 năm qua, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hàng năm hơn 10% trên cả 3 tiêu chí (lượng khách, lưu trú, doanh thu).
Năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 8,5 triệu lượt khách lưu trú (900 nghìn khách quốc tế), doanh thu đạt 15 nghìn tỷ đồng.
Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng hạ tầng để phát triển du lịch tại ĐBSCL đầu tiên phải nói đến giao thông. Trong đó, việc thiếu đường bay đã làm giảm hiệu quả hoạt động du lịch của vùng.
“Khách du lịch từ Hải Phòng muốn đến An Giang tham quan phải lên Hà Nội, rồi bay vào Cần Thơ, sau đó mới đi An Giang. Nếu có đường bay thẳng Hải Phòng – Cần Thơ thì khách du lịch đến An Giang chắc chắn sẽ nhiều hơn” – ông Nam dẫn chứng.
Ngoài ra ông Nam đề xuất, việc phát triển hệ thống đường thủy sẽ mang lại hiệu quả cho du lịch đặc thù của vùng sông nước Cửu Long bởi hiện nay giao thông thủy của vùng còn thiếu kết nối, thiếu tuyến, thiếu tàu thuyền, thiếu bến tàu du lịch…
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư hiện rất thận trọng khi đầu tư vào ĐBSCL. Để mời gọi nhiều nhà đầu vào ĐBSCL góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch các địa phương cần có những chính sách thu hút ưu đãi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp.
Tại hội nghị MekongInvest 2017 các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL giới thiệu và mời gọi đầu tư 78 dự án với tổng số tiền mời gọi đầu tư hơn 157 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể có 33 dự án thuộc nhóm bất động sản và du lịch với tổng vốn gần 7.800 tỷ đồng và 45 dự án khác liên quan đến các ngành nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logistic với tổng vốn dự kiến 150.000 tỷ đồng.