Không sử dụng Ngân sách Nhà nước để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận vào sáng 26/10. Trong đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, trong cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém cần thực hiện trên nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đây là dự án Luật đã được thảo luận ở tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa TCTD yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD.
Thảo luận tại hội trường, bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD nhằm xử lý một số vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến kiểm soát đặc biệt và phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản, cũng như các quy định pháp luật có liên quan.
“Dự án Luật được xây dựng sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xử lý những vấn đề cấp bách hiện nay đối với các TCTD yếu kém, cũng như ngăn ngừa sự phát sinh các tổ chức tín dụng yếu kém”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhận định.
Một số ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa các nguyên tắc đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt như nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường; nguyên tắc công khai, minh bạch; nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; nguyên tắc về quy trình hoạt động giám sát, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nguyên tắc về kiểm toán, các nguyên tắc về văn bản của các cơ quan hoặc cơ quan giám sát trong thực hiện giám sát các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
“Quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo đảm như thế nào? Những ngân hàng lớn, khi bị phá sản, nguy cơ, sự ảnh hưởng tới an toàn hệ thống, những tác động tiêu cực tới xã hội là rất lớn”, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu quan điểm khi đề cập đến vấn đề về bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, công khai thông tin về tình trạng kiểm soát đặc biệt; xác định, điều chỉnh tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém để phù hợp hơn với tình hình kinh tế của từng năm, hoặc từng chu kỳ; bổ sung quy định đánh giá bắt buộc các TCTD theo thông lệ kiểm toán quốc tế. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể về thời gian TCTD phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước khi nhận thấy nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán nhằm tránh tình trạng TCTD chậm trễ, kéo dài thời gian báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, trong cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém cần thực hiện trên nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Còn đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thì cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ và cụ thể về lực lượng tham gia tái cơ cấu, giải cứu các TCTD yếu kém vì con người luôn là yếu tố quyết định, đặc biệt đây lại là những con người “như đi tháo ngòi nổ quả bom”.
Bày tỏ đồng tình với nội dung, phạm vi sửa đổi của Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, trong phá sản các TCTD cần làm rõ việc có chi trả đầy đủ cả gốc và lãi cho người gửi tiền hay không. Đồng thời, trong dự án Luật cũng cần làm rõ giá trị pháp lý của thuật ngữ “mua bán”, “chuyển nhượng”, phạm vi của khái niệm “người có liên quan”…
Nguyên tắc đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt, miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt... cũng là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu đề cập, đóng góp ý kiến tại thảo luận.