Sơn La: Thoát nghèo nhờ cây sơn tra
Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, những năm gần đây, cây sơn tra (táo mèo) đã mang lại cho đồng bào dân tộc Mông ở các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.
Cây sơn tra cho giá trị kinh tế cao.
Sơn tra là loại cây mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 1.500 đến 2.000 m. Ở những nơi càng cao, quả sơn tra có màu vàng tươi, thơm hơn và có vị chua ngọt độc đáo. Trước đây, quả sơn tra chỉ được biết đến như loại sản phẩm của núi rừng giá trị kinh tế không cao.
Nhưng trong những năm gần đây, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, đồng bào người Mông đã mang ra chợ bán và đưa đi nhiều nơi để tiêu thụ. Nhận biết được nhu cầu sử dụng quả sơn tra ngày càng tăng, huyện Bắc Yên đã ra nghị quyết đưa cây sơn tra trở thành cây chủ lực trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Với đặc điểm dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, cây sơn tra - còn gọi là cây táo mèo từ lâu đã phát triển trên những sườn đồi, con dốc của các xã vùng cao của tỉnh Sơn La. Nếu như trước đây sơn tra chỉ là một loại quả rừng không được nhiều người quan tâm nay đã trở thành một loại quả đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Sơn tra được chế biến thành nhiều loại sản phẩm và ngày càng được người tiêu dùng ưa thích. Nắm bắt được nhu cầu đó và thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấy cây trồng trên đất dốc, những năm gần đây, diện tích cây sơn tra tại Sơn La ngày một mở rộng, tạo thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Nếu như trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Phàng A Hờ ở bản Cáo B, xã Làng Chếu (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) phụ thuộc chủ yếu vào trồng ngô và lúa nương nay đã chuyển sang trồng cây sơn tra. Ông cho biết, trồng ngô và hoa màu mất nhiều công chăm sóc, đất đai bạc màu nhanh, giá trị kinh tế không cao, do đó chuyển sang trồng cây sơn tra. Hiện gia đình ông có trên 4 ha cây sơn tra đã cho thu hoạch và mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Sùng A Mang, Trưởng bản Cáo A, xã Làng Chếu cho hay, trước trồng cây ngô mất nhiều công đoạn và tốn kém từ giống, phân bón đến chăm sóc. Những năm gần đây, người dân chuyển sang trồng cây sơn tra bởi loại cây này trồng một lần cho thu quả nhiều năm, chăm sóc nhàn và thu nhập hơn cây ngô.
Hiện nhiều hộ gia đình ở các xã vùng cao của tỉnh Sơn La, nhất là tại huyện Bắc Yên đã chủ động chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây sơn tra. Nổi bật tại xã Làng Chếu (huyện Bắc Yên) hiện có tổng diện tích trên 400 ha cây sơn tra; trong đó, khoảng 1/3 diện tích đã cho thu hoạch. Sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 3 tấn/ha. Năm 2017, chính quyền xã Làng Chếu chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền và vận động người dân trồng mới trên 31 ha cây sơn tra.
Ông Hạng A Páo, Chủ tịch UBND xã Làng Chếu cho biết, với đặc điểm dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, giờ đây cây sơn tra đã phát triển rộng trên những sườn đồi, con dốc của các xã vùng cao huyện Bắc Yên.
Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, địa phương hiện có gần 2.000 ha cây sơn tra. Từ khi có chủ trương của tỉnh Sơn La về sản xuất quả sơn tra thành các sản phẩm hàng hóa, huyện đã lựa chọn các cây trội và tổ chức ghép, trồng thử nghiệm. Từ những cây sơn tra trội đó, huyện sẽ nhận rộng và ghép cải tạo cho ra các sản phẩm đồng nhất để cung cấp ra thị trường.
Ngoài việc cho thu nhập cao, cây sơn tra còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng. Hiện tỉnh Sơn La có trên 7.000 ha cây sơn tra, trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu.