Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20: Sân chơi của phim tư nhân
Như đã đưa tin, BTC Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20 vừa công bố danh sách đề cử ở hạng mục phim truyện điện ảnh. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử 20 lần tổ chức, LHP năm nay hoàn toàn vắng bóng phim truyện điện ảnh do các hãng phim nhà nước sản xuất.
“Cha cõng con”- một trong những ứng cử viên sáng giá tại LHP Việt Nam lần thứ 20.
Sự “thất bát” dễ hiểu
Cụ thể, 16 bộ phim truyện điện ảnh dự thi tại LHP Việt Nam lần thứ 20 gồm 12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Bạn gái tôi là sếp, Bao giờ có yêu nhau, Cha cõng con, Cho em gần anh thêm chút nữa, Chờ em đến ngày mai, Cô Ba Sài Gòn, Cô gái đến từ hôm qua; Cô hầu gái, Đảo của dân ngụ cư, Em chưa 18, Hotboy nổi loạn 2, Nắng, Sắc đẹp ngàn cân, Sài Gòn anh yêu em, Sứ mệnh trái tim.
Nhìn vào danh sách trên, dễ nhận ra, phim truyện điện ảnh tại LHP năm nay là “sân chơi” riêng của các hãng phim tư nhân. Mặc dù các phim được lựa chọn ít hơn về số lượng so với các kỳ LHP trước nhưng đây đều là những sản phẩm điện ảnh đang “làm mưa, làm gió” trong thời gian qua.
Đơn cử, bộ phim “Cha cõng con” trước đó với nhiều giải thưởng tại LHP quốc tế Arizona lần thứ 26 với giải thưởng “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất” và “Quay phim ấn tượng nhất” do Ban giám khảo bình chọn.
Tại LHP quốc tế Boston lần thứ 15, “Cha cõng con” cũng đã được vinh danh giải “Phim có cốt chuyện hay nhất”.
Hay như bộ phim “Đảo của dân ngụ cư” mới đây đã giành được giải thưởng đặc biệt tại LHP Á – Âu… Bên cạnh những thành công về giải thưởng, danh sách đề cử cũng ghi nhận những bộ phim đạt kỷ lục về doanh thu phòng vé. Như “Em chưa 18”, “Sắc đẹp ngàn cân”… chẳng hạn.
Mặc dù với danh sách đề cử phần nào làm nhiều người “chạnh lòng” nhưng thẳng thắn mà nói thì đây lại là sự cởi mở và dám nhìn thẳng vào thực tế của BTC LHP.
Bởi sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” các hãng phim nhà nước chưa có thêm một sản phẩm phim truyện điện ảnh nào mới.
Trong đó, nguyên nhân là do các hãng phim của Nhà nước như Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Truyện 1, Hãng phim Giải Phóng vừa trải qua công cuộc cổ phần hóa chưa “bắt tay” vào công việc chuyên môn.
Chưa kể, 2 hãng phim trong giai đoạn chuyển giao còn đang vướng vào những “lùm xùm” trong nội bộ. Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, sự “thất bát” này cũng dễ hiểu khi các hãng phim nhà nước lâu nay cũng không có một kịch bản nào thực sự chất lượng để “chọn mặt, gửi vàng” đầu tư vốn sản xuất.
Bà Lan cũng lấy làm tiếc với sự vắng bóng hoàn toàn dòng phim Nhà nước. Nhiều lý do khiến phim Nhà nước không được sản xuất trong 2 năm qua, trong đó có điều kiện khách quan và vì trong hai năm vừa qua, Nhà nước không đầu tư làm phim nào cả. Nếu như có phim Nhà nước tham gia thì chắc chắn LHP sẽ thuận hơn, vui hơn và trọn vẹn hơn.
Cơ hội cho điện ảnh tư nhân
Tuy nhiên, sự thiếu vắng đó không vì thế mà LHP Việt Nam lần thứ 20 kém đi sự hấp dẫn. Bởi thực tế chính các hãng phim tư nhân hiện nay mới chính là những “cánh chim đầu đàn” của điện ảnh Việt Nam khi đang nỗ lực giành lại thị phần phim chiếu rạp đang bị nước ngoài chiếm đến 80%.
Cùng với đó, nhìn danh sách những phim dự thi, điều đáng mừng những năm gần đây, nhiều hãng tư nhân đã bắt đầu chuyển hướng sang làm phim nghệ thuật. Kịch bản tốt, diễn viên tốt, cùng với bàn tay đạo diễn lành nghề và hình ảnh đẹp đã khiến cho nhiều bộ phim tư nhân tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với giới chuyên môn và khán giả.
Đặc biệt, Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, trước đây các hãng phim tư nhân chủ yếu chạy theo thị trường, nhưng thời gian gần đây, họ cũng đã có những thay đổi về định hướng và mục đích, và bản thân thị trường cũng đã có những sàng lọc nhất định.
Vì vậy, chất lượng các phim tham dự LHP Việt Nam lần thứ 20 đã không còn những phim bị liệt là “thảm họa” như trước.
Nếu khắt khe nói không với những phim này thì LHP không tôn vinh xứng đáng những sáng tạo của ngành điện ảnh. Việc cho các phim re-make tham gia tất cả các chương trình của LHP, trừ việc xét giải thưởng kịch bản và giải phim hay nhất, theo tôi là một cởi mở của LHP và cũng là phù hợp với xu thế sáng tạo hiện nay của điện ảnh Việt Nam.
Theo nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn- Giảng viên Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội: “Trong bối cảnh các hãng phim nhà nước đang gặp khó khăn, công chúng vẫn cần được xem những bộ phim Việt Nam hoặc phim do các nhà làm phim Việt Nam sản xuất. Vì vậy, các nhà làm phim tư nhân tiếp cận khán giả với nhiều dòng phim như hiện nay”.
Cũng theo ông Tuấn, Nhà nước không làm phim nhưng điện ảnh Việt vẫn có công chúng. Khát vọng làm phim của các nhà làm phim tư nhân với sự đa dạng trong thể loại như hiện nay, có cả phim nghệ thuật, cả kinh dị, thậm chí cả phim re-make… đã khích lệ đời sống văn hóa xã hội, làm khởi sắc bức tranh điện ảnh Việt Nam trong hai năm qua.
Tuy nhiên, thể chỉ trông chờ ở các nhà làm phim tư nhân, để có dòng điện ảnh chủ lưu với các phim đề cập những vấn đề của đất nước, của xã hội thì vẫn cần sự đầu tư của Nhà nước vào điện ảnh.
“Các nước như Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc vẫn luôn có những bộ phim khích lệ tình yêu đất nước, tự hào dân tộc. Vì vậy, thiếu phim nhà nước, đồng nghĩa với dòng phim về những vấn đề của đất nước, của xã hội đặt ra không được đề cập trong những bộ phim điện ảnh hiện nay. Như vậy, thiếu hẳn dòng chủ lưu của điện ảnh Việt” - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho hay.