Siết chặt nhưng không chồng chéo
Ngày 25/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chính thức trình Dự thảo Luật An ninh mạng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV. Dự án luật này là để bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng...
Bên cạnh đó, luật cũng sẽ góp phần đẩy mạnh việc giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định Luật An ninh mạng sẽ quy định chi tiết việc xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống phá Nhà nước; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng, chống tấn công, khủng bố, chiến tranh mạng; cùng các biện pháp áp dụng khi gia tăng nguy cơ xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Dự thảo Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng, tránh các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân...
Sau khi xem xét Dự thảo Luật, Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội thống nhất rằng việc siết chặt kiểm soát, quản lý an ninh mạng là rất cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật An ninh mạng có nhiều điểm chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh quốc gia... nên sẽ phát sinh những bất cập khi triển khai trong thực tế.
Thực chất thì việc tách bạch 2 khái niệm an ninh mạng và an toàn thông tin mạng hay an ninh mạng với an ninh quốc gia là rất khó, nếu không nghiên cứu cẩn thận sẽ dẫn đến việc chống chéo luật, một hành vi vi phạm của một đối tượng mà cơ quan chức năng không biết nên áp dụng luật nào để xử lý.
Mặt khác, khi có sự chồng chéo luật sẽ tạo ra những lỗ hổng dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lách luật, dẫn đến việc dù có nhiều luật quy định về một vấn đề nhưng lại không thể xử lý được hành vi vi phạm.
Đó là chưa kể đến việc khi có các kẽ hở giữa sự chồng chéo của các luật thì chính những người thực thi công vụ cũng sẽ lợi dụng để “làm khó”, hay “ban phát” ân huệ đối với đối tượng vi phạm nhằm trục lợi cá nhân.
Theo lẽ đó, một số ý kiến cho rằng việc siết chặt an ninh mạng là điều cấp bách cần làm ngay, song có nên đặt ra một luật mới mà có nhiều sự chồng chéo với các luật đã ban hành.
Nên chăng nghiên cứu sửa đổi Luật An ninh quốc gia 2004 và Luật An toàn thông tin mạng 2015, để có thể bao quát thêm được các vấn đề an ninh mạng.
Chưa hết, tại một cuộc hội thảo về Dự thảo Luật An ninh mạng do VCCI tổ chức hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, một số chuyên gia luật và doanh nghiệp còn cho rằng, Dự thảo Luật này liên quan đến nhiều luật khác như Luật Xuất bản, Luật Công nghệ thông tin..., nếu không khéo sẽ dẫn đến việc phạt người có một hành vi vi phạm đến 2 lần, hoặc sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
“An ninh mạng và an toàn thông tin mạng là hai mặt không tách rời, vì thế, nội dung Luật An ninh mạng nên tích hợp vào Luật An toàn thông tin mạng năm 2015...” - Chủ tịch Hội Tin học viễn thông Hà Nội là TS Mai Anh đề xuất.
Cũng theo TS Mai Anh, nếu thực sự cần thiết phải đưa ra Luật An ninh mạng riêng biệt thì cần phải bổ sung thêm quy định về việc đánh trả lại các cuộc khủng bố, tấn công mạng vì đây là điều cần thiết, chứ không nên chỉ dừng lại ở việc phòng chống hay đảm bảo thông tin cơ sở tốt.
Chủ tịch Hội Tin học viễn thông Hà Nội cùng đề nghị thêm quy định điều chỉnh các hành vi trong quá trình xây dựng các hạ tầng cơ sở mạng quốc gia, bởi mất an ninh mạng có thể đến từ chính quá trình thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từ hệ thống thiết bị truyền dẫn, trang thiết bị phân luồng, thiết bị đầu cuối...
Nhìn chung, đại đa số các ý kiến đều đồng thuận cao với việc siết chặt an ninh mạng để đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, chống khủng bố, chiến tranh mạng...
Song, còn có sự khác nhau giữa việc xây dựng riêng Luật An ninh mạng hay tích hợp vào Luật An ninh quốc gia hoặc vào Luật An toàn thông tin mạng...
Dù là xây dựng luật riêng biệt, hay tích hợp vào các luật đã ban hành thì đích cuối cùng mà cả cộng đồng xã hội hướng đến đều là một điểm.
Vì vậy cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng để tránh chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, đồng thời vẫn có thể siết chặt kiểm soát an ninh mạng như mục tiêu đã đề ra.