Xếp hạng và quản trị đại học: Chú trọng nghiên cứu khoa học
Ngày 26/10, Đại sứ quán Australia phối hợp cùng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Trường ĐH Deakin (Australia) tổ chức Hội thảo “Xếp hạng và quản trị đại học” nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý các trường ĐH để đáp ứng các tiêu chí đánh giá của hệ thống xếp hạng trường ĐH thế giới.
Theo đó, xếp hạng và quản trị ĐH là một trong những mối quan tâm hàng đầu của giáo dục ĐH Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Để cải thiện xếp hạng Việt Nam, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã đặt ra những giải pháp cơ bản và toàn diện, trong đó việc học hỏi kinh nghiệm của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là rất cần thiết.
GS TS Trần Công Phong- viện trưởng Viện KHGD Việt Nam cho biết, hiện nay chưa có trường ĐH Việt Nam nào nằm trong bảng xếp hạng toàn cầu của ARWU, QS và THE.
Trong bảng xếp hạng QS châu Á, Việt Nam có 5 trường gồm ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng.
Trong đó, có 2 ĐH Việt Nam nằm trong xếp hạng QS theo ngành vào năm 2017 là ngành Ngôn ngữ học (ĐHQG Hà Nội) và ngành Ngôn ngữ học hiện đại (ĐHQG TP HCM).
Trong khi đó, Trường ĐH Deakin nằm trong top 2% các trường ĐH tốt nhất thế giới, được đánh giá 5 sao cho các tiêu chí sáng tạo đổi mới, cơ sở vật chất, nghiên cứu và giảng dạy và khả năng có việc làm của sinh viên sau khi ra trường.
Ông John Molony- giám đốc Phát triển Quốc tế của ĐH Deakin cũng đồng thời là thành viên của Ủy ban Cố vấn Bảng xếp hạng ĐH Quacquareli Symonds (QS) đã chia sẻ tại hội thảo vai trò của nhà trường trong việc trang bị cho sinh viên các kỹ năng để đáp ứng nhu cầu các công việc trong tương lai.
Cụ thể, kinh nghiệm của ĐH Deakin nói riêng và nền giáo dục Australia nói chung đó là cần đảm bảo mức độ nhận diện tốt về trường trong cộng đồng chuyên môn trong nước và quốc tế, cộng đồng tuyển dụng.
Đồng thời nhà trường cần chuẩn bị một danh sách với số lượng lớn các giảng viên và nhà tuyển dụng khi nộp thông tin cho khảo sát.
Một yếu tố khác trong bảng xếp hạng là tỷ lệ quốc tế hóa của khoa, được tính dựa trên số lượng giảng viên của trường đến từ các quốc gia khác và tỷ lệ sinh viên quốc tế tại trường.
Ngoài ra, một kinh nghiệm quan trọng của Trường ĐH Deakin đó là tập trung xây dựng tiềm lực nghiên cứu khoa học trong nhà trường, trong đó có chi phí nuôi dưỡng các nghiên cứu viên có nhiều tiềm năng trong tương lai, tuyển dụng các nghiên cứu viên HI-CI.
Các bài báo, công trình cũng được khuyến khích xuất bản dưới tên của các giảng viên đến từ các trường và các quốc gia khác thay vì chỉ dưới tên một tác giả. Đặc biệt, luôn sẵn sàng đón các thay đổi về phương pháp xếp hạng và những cơ hội do sự thay đổi mang lại.
Để có được những thành công trong hoạt động, theo chia sẻ về các cấp quản lý của ĐH Deakin, cao nhất là Hội đồng trường, bao gồm Ban chuyên môn, Hiệu trưởng và các ủy viên hội đồng.
Trong đó, Hội đồng trường chịu trách nhiệm việc điều hành trường và bổ nhiệm Hiệu trưởng, là người thay mặt quản lý trường. Hiệu trưởng cũng là một thành viên của Hội đồng và chịu trách nhiệm đảm bảo việc tuân thủ luật lệ và quản lý trường…
Chia sẻ quan điểm về xếp hạng và quản trị ĐH Việt Nam, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thực tế tất cả các mô hình đánh giá đều không hoàn toàn đúng, nhưng một số cũng có những điểm hữu dụng.
Việc các trường ĐH Việt Nam chưa lọt vào các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu cho thấy chúng ta cần phải sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH và viện nghiên cứu làm sao để hỗ trợ, cùng nhau phát triển.
ĐH không chỉ là nơi chuyển tải kiến thức mới mà nghiên cứu cũng phải là một hoạt động không thể thiếu ở môi trường ĐH.