Vỗ béo phụ nữ tại Mauritania - khi chuẩn mực cái đẹp trở thành cực hình

PV (Theo Trithuctre) 27/10/2017 10:00

Lịch sử đã từng chứng kiến những tiêu chuẩn làm đẹp rất kỳ dị, đòi hỏi người phụ nữ phải chịu muôn vàn đau đớn nếu muốn tuân theo. Như ở phương Tây có bộ corset siêu chặt mang lại vòng eo con kiến, hay tục bó chân gót sen của người Trung Quốc xưa kia.

Đến thế kỷ 21, chuẩn mực đẹp chung của thế giới dường như đã nghiêng về một thân hình gọn gàng. Chỉ trừ Mauritania, một quốc gia thuộc châu Phi, nơi phụ nữ phải khổ sở vì đường ăn uống. Không phải vì nhịn ăn, mà do họ buộc phải nhồi nhét thức ăn vào bụng, đến mức có thể so sánh với hình thức nuôi ngỗng để thu gan vỗ béo (foie gras) của người Pháp.

Trại "vỗ béo" phụ nữ độc nhất vô nhị của Mauritania

Mauritania là một đất nước phải trải qua những biến cố lớn về thiếu hụt lương thực trong quá khứ. Vậy nên ở quốc gia này, béo phì trở thành một biểu tượng đẹp thuần khiết. Một thân hình đẫy đà được xem là chuẩn mực của cái đẹp, thể hiện sự giàu có và danh tiếng rất lớn.


Thân hình đẹp tại Mauritania.

Ngược lại, thân hình gầy gò nghiễm nhiên là xấu, thậm chí không thể lấy được chồng. Vậy nên để đáp ứng chuẩn mực đẹp, phụ nữ Mauritania buộc phải trải qua quy trình "vỗ béo" rất nghiêm ngặt ngay từ khi còn rất nhỏ, tại các "trại vỗ béo" độc nhất vô nhị của quốc gia này.

"Trại vỗ béo" thoạt nghe giống như trại hè vậy. "Con sẽ có một kỳ nghỉ gần sa mạc, được gặp các bạn khác, được ăn đồ ngọt" - đó là những lời mẹ của Tijanniya Mint Tijani (14 tuổi) bảo với cô bé. "Rồi khi trở về, con sẽ là một cô gái đẹp nhất thế giới."

10 ngày kế tiếp, Tijanniya ngồi ăn sáng cùng 5 cô bé khác trong một túp lều sâu trong sa mạc Sahara. Dạ dày của cô lúc này đã trương phềnh những thịt mỡ và sữa dê. Nhưng bữa ăn vẫn chưa kết thúc, vì cô còn phải ních thêm một cái cốc hạt kê trộn nước.


Quản trại ra sức nhồi nhét, bên dưới kẹp ngón chân vào 2 cái gậy để trừng phạt nếu nhổ ra.

Không muốn ăn ư? Người đàn bà được gọi là "fattener" (người vỗ béo - sau đây gọi là "quản trại") sẽ đảm bảo chuyện đó không xảy ra, bằng một cây roi vĩ đại không kém thân hình bà. Thậm chí nếu nôn ra, bà ta sẽ bắt các cô ăn bằng hết bãi nôn ấy, không chừa một giọt. Bỏ trốn cũng là điều không thể, vì các trại đều được đặt sâu trong sa mạc, chẳng có đường nào để chạy.

Đó là tình cảnh chung của những bé gái được gửi vào trại, trong đó có những bé mới chỉ 5 tuổi thôi. Tại đây, các bé bị "nhồi" tới 16.000 calorie vào bụng mỗi ngày (trong khi con số nên hấp thụ chỉ là 2000) mà không có bất kỳ lựa chọn nào khác. Vì nếu không ăn hết đồ ăn được mang ra, đòn roi là thứ đang đợi các em.

Theo Mariam Mint Ahmed (25 tuổi) - một trong những người từng tham gia trại vỗ béo chia sẻ với CNN, hình phạt phổ biến nhất là kẹp ngón chân vào 2 cái que. Nếu không ăn hết, quản trại xoắn cái que lại, cực kỳ đau đớn.


Các nàng "tiên" sẽ bị tra tấn bằng cách kẹp xoắn bàn chân trong 2 thanh gỗ nếu không chịu ăn!

Mục đích là để nhồi nhét, sao cho thân hình phải trương phình như quả khinh khí cầu là được. Vậy nên, các cô gái phải ăn liên tục cả ngày mà không được phép hoạt động hay tham gia bất kỳ hình thức tập luyện nào. "Tất cả là để tốt cho các em thôi" - trích lời Elhacen, một người quản trại đang nhận $155/người cho mỗi quy trình vỗ béo kéo dài 3 tháng.

Chỉ ăn, ngủ và nghỉ thôi, như "tiên"!

Quan niệm vẻ đẹp của người Mauritania

Được biết, quan niệm vẻ đẹp béo phì bắt nguồn từ hàng thế kỷ trước bởi dân du mục Hồi giáo của Ả Rập, những người hiện đang chiếm 2/3 dân số của Mauritania. Tục lệ từng được chính phủ Mauritania cố gắng xoá bỏ vào năm 2003, nhưng rồi những biến cố chính trị đưa nó quay trở lại ở mức độ khủng khiếp hơn trước.

Quan trọng hơn, việc duy trì hình thức vỗ béo phần lớn là vì nam giới Mauritania vẫn bị thu hút bởi vẻ đẹp đẫy đà ấy. "Sự hấp dẫn đã được di truyền từ khi sinh ra" - Seyid Ould Seyid, một nhà báo tại Mauritania cho biết.


Nét đẹp thừa cân của người Mauritania với sức quyến rũ không hề nhỏ.

Phụ nữ tại đây dường như cũng rất an phận với việc sở hữu thân hình "vượt chuẩn" thế giới. Zeinebou Mint Mohamed - người phụ nữ 26 tuổi, sở hữu mái tóc nhuộm vàng và thân hình gần 100kg là một ví dụ. "Tôi nhận ra đàn ông Mauritania yêu thích phụ nữ béo mập đến thế nào. Họ bảo tôi có thân hình đẹp nhất thành phố, và họ tranh giành tôi" - cô hào hứng chia sẻ.

Từng rất ác cảm với tục lệ nhồi nhét, nhưng khi nhận ra quyền lực của mình với đàn ông, "tôi bắt đầu tận hưởng cảm giác được béo phì" - Zeinebou cho biết. Còn theo Baba Slama, bạn trai hiện tại của cô: "Cô ấy tuyệt đẹp; tôi yêu cô ấy rất nhiều,".


Phụ nữ trên 100kg ở Mauritania là chuyện không hiếm.

Và hậu quả đáng lo ngại

Tất nhiên, không phải ai cũng thấy thích thú như Zeinebou. "Đau dạ dày quá" - Tijanniya rên rỉ như vậy. Cô bé cực lực phản đối việc bố mẹ gửi mình đến đây. "Em không muốn béo lên. Em cũng không nghĩ béo là đẹp. Giờ em đã hiểu vì sao nhiều bạn nữ trong trường béo đến vượt bậc sau kỳ nghỉ, trong khi trước đó họ vốn đã rất xinh đẹp."

"Em rất thích chơi thể thao. Nhưng em sợ giờ em không thể chạy nhanh được nữa."


Một bé gái ngán ngẩm trước tô sữa dê vĩ đại.

Theo một nghiên cứu từ năm 2008 do Bộ xã hội Mauritania thực hiện, có khoảng 20% phụ nữ quốc gia này có tham gia các trại vỗ béo - cả tự nguyện lẫn bị ép buộc. Và tất nhiên, việc nhồi nhét hàng tấn thức ăn và tăng cân không kiểm soát như vậy sẽ để lại nhiều hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe.

Việc phụ nữ ở Mauritania nặng trên 140kg sau khi bị nhồi ăn là điều quá bình thường. Nhưng theo WHO, cân nặng ấy tạo nên một sức ép khủng khiếp lên tim và xương khớp. Hơn nữa, đôi khi để phục vụ cho quá trình nhồi ăn, các bé gái còn phải uống thuốc tăng trưởng hormone - trong đó có cả thuốc bổ sung steroid và thuốc tăng trọng dành cho động vật chăn nuôi.

Hệ quả, rủi ro đau tim, suy thận, tiểu đường và rạn nứt xương khớp tăng chóng mặt, thậm chí dẫn đến tử vong. Cơ thể họ cũng không phát triển cân đối - bụng, mặt và ngực phát triển rất mạnh, trong khi chân tay thì rất nhỏ. Như bác sĩ Mohammed Ould Madene thuộc bệnh viện Nouakchott chia sẻ về trường hợp cấp cứu gần nhất "Cô bé mới 14 tuổi, nhưng đã to lớn đến mức tim không thể chịu đựng và xảy ra đột quỵ."

Ngay cả với người thích thú với thân hình béo ngoại cỡ như Zeinebou cũng phải thừa nhận: "Tôi luôn mệt mỏi, thở một cách khó khăn ngay cả khi đi bộ. Tôi muốn gầy hơn một chút để xoay trở dễ dàng hơn." Có điều, cô sợ rằng nếu gầy đi, cánh đàn ông chẳng còn thích mình nữa nên... không dám.

Theo Aminetou, một nhà xã hội học đang phản đối hình thức ép ăn tại Mauritania, đây là một quy trình rất nguy hiểm. Hàng xóm của Aminetou đã qua đời vì sử dụng hormone động vật khi mang thai, "vì cô hy vọng đứa trẻ sinh ra cũng béo mập" - cô thở dài ngao ngán.

Một hệ quả khác của hình thức vỗ béo này, đó là tình trạng kết hôn từ rất sớm của người Mauritania. "Các cô gái béo lên tạo nên cảm tưởng rằng các cô đã trưởng thành, sẵn sàng lấy chồng," - trích lời Aminetou Moctar, nhà xã hội học thuộc tổ chức vì quyền lợi phụ nữ Nouakchott cho biết. Hơn nữa, tăng cân quá nhanh giúp đẩy nhanh quá trình dậy thì, giúp các bé gái trở nên nữ tính, đằm thắm giống phụ nữ trưởng thành.

Tijanniya muốn trở thành một giáo viên dạy tiếng Pháp, nhưng bố mẹ cô đã định sẵn cho cô bé một cuộc hôn nhân. "Quản trại" Elhacen đang bằng mọi cách biến ý định ấy thành hiện thực, khi mỗi ngày nhồi cho cô bé rất nhiều mỡ động vật loại... nguyên chất. "Bụng phải phình ra, vòng đùi phải ngoại cỡ, cằm phải có rất nhiều vòng mỡ," - Elhacen hào hứng. "Bố mẹ bé sẽ thưởng thêm cho tôi nếu cô bé có những nét đẹp như vậy đấy."

Zeinebou cũng là một nạn nhân của tục tảo hôn này. Cô lấy chồng năm 13 tuổi, với một người đàn ông lớn hơn cô rất nhiều. Năm 16 tuổi, cô đã có 2 mặt con. Nhưng một bà mẹ ở tuổi dậy thì quả là quá sức. Cô trở nên nổi loạn, và rồi cuộc hôn nhân chấm dứt.

May mắn thay, các con số gần đây cho thấy hủ tục này đang được kìm hãm lại. Theo một nghiên cứu đưa ra vào năm 2016, số phụ nữ trẻ tại Mauritania bị ép ăn đã rơi xuống còn 11%. "Chúng tôi đã thực hiện nhiều chiến dịch để thay đổi quan niệm vẻ đẹp này, nhằm cứu sống sinh mạng của những người phụ nữ Mauritania" - trích lời bác sĩ Sidi Ahmed thuộc khoa tim mạch tại bệnh viện Sabah.

Hiện tại, nhiều phụ nữ đã từ chối việc phải tăng cân thông qua ép ăn. "Tôi đã luôn gầy, và tôi thích điều đó" - Aminetou Kane, một nữ công nhân tại Mauritania cho biết. "Tôi có thể làm việc, nhảy nhót, đi bộ hàng dặm mà chẳng thấy mệt." Bạn bè cô cũng có nhiều người như vậy. Dù số lượng trong cộng đồng là không nhiều, nhưng con số đang tăng lên từng ngày.

Tất nhiên, như vậy không có nghĩa áp đặt quan niệm vẻ đẹp. Đối với người Mauritania, béo là đẹp và điều đó không thể đột nhiên biến mất. Chỉ là giờ đây, xu hướng các chuyên gia muốn hướng tới là một quá trình tăng cân một cách tự nhiên và có hạn chế. Quan trọng hơn, không còn cảnh biến đồ ăn thành địa ngục nữa mà thôi.

PV (Theo Trithuctre)