Mỹ công khai tài liệu mật về vụ ám sát John F. Kennedy
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hôm 27/10 đã ra chỉ thị công bố 2.800 tài liệu mật liên quan tới vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963, tuy nhiên do sức ép từ phía FBI và CIA nên vẫn ngăn chặn quyền tiếp cận đối với một số thông tin khác liên quan đến vụ kỳ án.
Giới học giả không hy vọng rằng đợt công bố tài liệu mật sẽ đưa ra thêm chi tiết mới. (Nguồn: Fortune).
Giữ kín một phần
Quốc hội Mỹ trong năm 1992 từng đưa ra tuyên bố cho rằng tất cả các ghi chép, tài liệu, thông tin liên quan tới vụ điều tra về cái chết của Tổng thống Kenndy nên được công bố trước dư luận, và đặt thời hạn chót vào ngày 26/10/2017 để công khai toàn bộ các thông tin này.
Tổng thống Trump hồi cuối tuần trước đã xác nhận rằng ông sẽ cho phép công bố các tài liệu này.
Giới quan chức chính quyền Mỹ cho hay, Tổng thống Trump đã ra chỉ thị cho các cơ quan chính phủ nghiên cứu nội dung trong các tài liệu vẫn chưa được công bố trong vòng 180 ngày tới để quyết định xem liệu chúng có cần được tiếp tục giữ bí mật hay không. Sau quá trình xem xét này, Tổng thống Trump có thể tiếp tục công bố đợt tài liệu tiếp theo.
Phía Nhà Trắng thì cho hay các tài liệu mật này nên được công bố theo kiểu "cuốn chiếu" trong các tuần tới. Trong một biên bản ghi nhớ gửi tới lãnh đạo các cơ quan chính phủ, Tổng thống Trump nói rằng người dân Mỹ có quyền được tiếp cận với các tài liệu ghi chép về vụ ám sát Kennedy.
"Bởi vậy, ngày hôm nay tôi sẽ ra chỉ thị gỡ bỏ việc bảo mật này" - Tổng thống Trump nói, thêm rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận tiếp tục bảo mật một số thông tin do có liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia.
"Hôm nay tôi ra lệnh công bố toàn bộ hồ sơ JFK. Nhưng các cơ quan hành pháp và các bộ ngành đã đề nghị với tôi rằng một số thông tin nhất định cần được giữ lại vì lý do an ninh quốc gia và các mối quan ngại về đối ngoại. Tôi không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận những điều kiện đó hơn là gây nguy cơ đối với an ninh quốc gia của chúng ta" - Tổng thống Trump nêu rõ.
Giám đốc CIA Mike Pompeo là một trong những người tiên phong đưa ra tranh luận rằng cần phải giữ một số thông tin bí mật.
Dù Kennedy đã bị ám sát cách đây hơn nữa thế kỷ, nhưng số tài liệu này vẫn bao gồm các thông tin điều tra từ khoảng những năm 1970 và 1990. Giới chức tình báo và hành pháp Mỹ cho rằng việc công bố các thông tin trên có thể gây rủi ro cho hoạt động hành pháp và một số bằng chứng khác vẫn còn có giá trị.
Tổng thống Trump tuy phản đối luận điểm trên, nhưng vẫn buộc phải chấp nhận điều này, và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc công bố hoàn toàn số tài liệu trên trong vòng 6 tháng tới.
Trên thực tế, khoảng 88% các hồ sơ đã được công bố, và 11% cũng đã giải mật, trừ một số phần "tế nhị" được xóa bỏ, và chỉ còn 1% còn lưu giữ bí mật.
Hàng loạt thuyết âm mưu
Giới học giả từng nghiên cứu về vụ ám sát Kennedy vào ngày 22/11/1963 nói rằng, họ không mấy hy vọng rằng số tài liệu chưa được công bố trong ngày vừa qua có thể gợi thêm chi tiết lý giải vì sao nghi phạm Lee Harvey Oswald bắn hạ vị Tổng thống của đảng Dân chủ.
Họ cũng lo ngại rằng số tài liệu còn lại trong tổng số 5 triệu trang tài liệu về vụ ám sát Kennedy đang được lưu giữ trong kho lưu trữ quốc gia sẽ không thể gạt đi vô số thuyết âm mưu cho rằng vụ ám sát vị Tổng thống 46 tuổi này được tổ chức bởi Mafia, bởi một quốc gia đối nghịch hay một nhóm các điệp viên.
Hàng nghìn cuốn sách, bài báo, chương trình truyền hình và phim ảnh từng đưa ra giả thuyết rằng vụ ám sát Kennedy là một âm mưu được lên kế hoạch hết sức tỉ mỉ. Chưa có ai từng đưa ra được chứng cứ kết luận rằng Oswald, người đã bị bắn trọng thương chỉ 2 ngày sau khi ám sát Kennedy, hợp tác với ai khác, mặc dù giả thuyết này vẫn được cho là hợp lý.
"Các sinh viên của tôi thực sự nghi ngờ việc Oswald chỉ hành động đơn độc" - Patrick Maney, giáo sư sử học tại ĐH Boston, cho hay - "Khó có thể nghĩ rằng một ai đó đơn độc, một gã thất bại lại có thể tự mình thực hiện vụ ám sát Kennedy và làm thay đổi lịch sử thế giới".
Vụ ám sát Tổng thống Kennedy là vụ việc đầu tiên trong chuỗi các vụ ám sát có động cơ chính trị, trong đó bao gồm vụ ám sát em trai ông, Robert F. Kennedy và thủ lĩnh quyền dân sự Martin Luther King Jr, gây chấn động nước Mỹ trong thời kỳ đầy biến động những năm 1960.