Cán bộ toàn dùng hàng hiệu thì rất phản cảm
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, quá trình tuyên truyền, vận động người Việt dùng hàng Việt phải chú trọng tuyên truyền,vận động tới cả cán bộ, đảng viên. Bởi nếu vận động người dân dùng hàng Việt trong khi xung quanh, trên người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp toàn hàng ngoại, đồ hiệu thì rất phản cảm, phản tác dụng...
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: “Tuyên truyền, vận động dùng hàng Việt tới cả cán bộ, đảng viên”.
Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Thái Bình, ngày 27/10, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Thái Bình, nhằm kiểm tra công tác chỉ đạo, kết quả thực hiện CVĐ trên địa bàn...
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Thái Bình, nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa to lớn của CVĐ, những năm qua cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh đã chú trọng, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Bằng nhiều hình thức, hệ thống chính trị toàn tỉnh đã chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh hưởng ứng thực hiện; triển khai việc thực hiện tới tận xã, phường, thị trấn, địa bàn khu dân cư.
Ngành Công Thương tỉnh đã tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, giá cả phù hợp; hàng năm tổ chức các đợt bình ổn giá.
Các doanh nghiệp không đảm bảo các tiêu chí trên, bị phát hạn đưa hàng giả, hàng nhái về nông thôn tiêu thụ sẽ bị cấm tham gia chương trình.
Tại các hội trợ do tỉnh tổ chức, ban tổ chức đều có các hoạt động truyền thông, giúp người tiêu dùng phân biệt được như thế nào là hàng Việt chất lượng cao, như thế nào là hàng giả, hàng nhái.
Tỉnh cũng đã ban hành, đã và đang thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện CVĐ. Theo đó, đã quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Hầu hết các doanh nghiệp ở địa phương đều đã và đang nỗ lực để sản xuất, cung cấp ra thị trường các loại sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp và nâng cao chất lượng phục vụ.
Theo chỉ đạo của tỉnh, các hoạt động đầu tư, mua sắm công trên địa bàn đều phải dùng hàng hóa của Việt Nam, sắm ô tô phải mua xe lắp ráp trong nước; những hội nghị của tỉnh, việc hiếu hỉ của người dân cũng đều ưu tiên sử dụng hàng Việt, cụ thể là hàng do các doanh nghiệp của tỉnh sản xuất...
Những động thái trên đã góp phần giúp tổng lưu chuyển hàng hóa, trong đó có hàng Việt của tỉnh năm sau cao hơn năm trước.
Trong đó, 9 tháng đầu năm 2017, tổng lưu chuyển hàng hóa của tỉnh đạt xấp xỉ 33.000 tỷ đồng, tỉnh phấn đấu đến hết năm đạt 38.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện CVĐ ở tỉnh Thái Bình vẫn còn không ít hạn chế, kết quả chưa được như mong muốn.
Trong đó, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh quá mỏng do vậy kết quả kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái còn hạn chế. Kinh phí Ban chỉ đạo CVĐ cấp tỉnh được cấp để hoạt động không đảm bảo; ở cấp huyện chưa có ban chỉ đạo...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, những kết quả tỉnh Thái Bình đã đạt được trong việc thực hiện CVĐ.
Theo Phó Chủ tịch, mục tiêu lớn nhất của CVĐ là làm cho người Việt Nam thiết thực thể hiện lòng yêu nước, tin thần tự hào, tự tôn dân tộc thông qua việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Chính vì vậy, để CVĐ ngày càng thấm sâu, lan tỏa, tỉnh Thái Bình cũng như các địa phương khác phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu.
“Không chỉ tuyên truyền cho người dân mà phải chú trọng tuyên truyền, vận động cả đối tượng là cán bộ, đảng viên. Nếu chúng ta vận động người dân dùng hàng Việt trong khi xung quanh, trên người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp toàn hàng ngoại, đồ hiệu thì rất phản cảm, phản tác dụng”, Phó Chủ tịch phân tích.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị Ban chỉ đạo của tỉnh làm tốt công tác tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương có các chủ trương, chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh phát triển, áp dụng mô hình quản lý tiến bộ, đổi mới công nghệ sản xuất qua đó sản xuất, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp, chinh phục được người tiêu dùng trong nước.
Đi liền với đó, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ, bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng người tiêu dùng phải được bảo vệ, người bán phải bị xử lý.
Lực lượng chức năng của tỉnh cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công bố kết quả để xã hội được biết, qua đó tôn vinh những doanh nghiệp, nhà sản xuất uy tín, tảy chay những tổ chức, cá nhân gian dối...
* Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình về giám sát thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội nông dân Việt Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình, triển khai chương trình phối hợp, 4 năm qua, Mặt trận, Hội nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh đã có các hoạt động phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vật tư nông nghiệp tới các đối tượng liên quan, trong đó có bà con nông dân trong tỉnh, bước đầu đã nâng cao ý thức chấp hành các quy định của các cơ sở kinh doanh, các hộ nông dân trong tỉnh; qua công tác kiểm tra đã phát hiện, xứ lý nhiều cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp có sai phạm...
Tuy nhiên qua báo cáo của cơ quan chức năng, hiện tỉnh Thái Bình có hơn 16.000 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó có trên 10.000 cơ sở vẫn chưa có giấy phép.
Vi phạm các quy định về vật tư nông nghiệp đang diễn biến phức tạp, trong khi công tác phối hợp kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, mới chỉ tập trung vào đợt, chiến dịch, địa bàn giám sát còn hẹp; chương trình phối hợp lại chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị được phân công...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị thời gian tới Ban chỉ đạo chương trình phối hợp của tỉnh cần hoạt động tích cực, thiết thực hơn, trong đó Hội nông dân tỉnh cần làm tốt hơn nữa vai trò chủ trì phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài thực hiện trách nhiệm theo chức năng, các bên tham gia phối hợp cần tích cực phối hợp hoạt động, qua đó tổ chức được các hoạt động giám sát hiệu quả, thiết thực; hướng đến mục tiêu từng bước hình thành, xây dựng được nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn...