Có nên cho người nước ngoài thuê mặt biển để nuôi trồng thủy sản?
Đó là vấn đề đặt ra khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), diễn ra chiều 27/10.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: Đình Nam).
2 luồng ý kiến
Về giao khu vực biển cho đối tượng là người nước ngoài để nuôi trồng thủy sản, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đang có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đồng ý có quy định giao khu vực biển cho đối tượng là người nước ngoài tham gia vào các dự án nuôi trồng thủy sản trong Dự thảo Luật. Theo đó, Việt Nam có thể huy động nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao và hiện đại vào phát triển nuôi biển, một ngành kinh tế đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ cao; phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước ta.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không nên quy định trong luật vì đây là vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, tương tự như Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này cũng không có quy định nội dung này. “Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, đồng thời, để phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể, Dự thảo Luật đã quy định giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện và được thể hiện như tại Khoản 3 Điều 39 của Dự thảo Luật”- ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên việc giao khu vực biển cho đối tượng là người nước ngoài để nuôi trồng thủy sản đang còn ý kiến trái chiều giữa các ĐB. Theo ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), không nên quy định trong luật vì đây là vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Bởi thời gian qua chúng ta chưa xây dựng được quy hoạch phát triển biển và quản lý hoạt động trên biển còn chưa hiệu quả do đó không nên quy định vấn đề này vào trong luật.
Tuy nhiên ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, đất nước đã hội nhập quốc tế thì phải hội nhập sâu rộng. “Như vấn đề du lịch chúng ta cho phép các nhà đầu tư nước ngoài vào làm resort, và làm rất đẹp. Khi cho phép giao cho người nước ngoài vào nuôi trồng thủy sản thì đã có điều kiện chặt chẽ để đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì thế nên quy định giao khu vực biển cho đối tượng là người nước ngoài tham gia vào các dự án nuôi trồng thủy sản”-ông Vân diễn giải.
Bộ máy đang phình to
Vấn đề được các ĐB quan tâm chính là cơ quan kiểm ngư. Dự thảo luật gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH đã trình 2 phương án về cơ quan kiểm ngư. Phương án 1: Thành lập kiểm ngư ở trung ương và ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù. Phương án 2: Thành lập kiểm ngư ở Trung ương.
Tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, 45/61 (73,77%) Đoàn ĐBQH chọn phương án 1; tất cả các tỉnh có biển đều đồng ý thành lập cơ quan Kiểm ngư cấp tỉnh; có ý kiến đề nghị đồng thời với kiểm ngư ở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, cần thiết phải hình thành kiểm ngư ở các tỉnh nội đồng có hệ thống thủy vực lớn; chỉ có 11/61 (18%) Đoàn ĐBQH chọn phương án 2, còn lại 5/61 Đoàn ĐBQH không có ý kiến lựa chọn phương án. Tại Hội nghị chuyên đề về thanh tra thủy sản và công tác kiểm ngư, với sự tham dự của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, các đại biểu đều kiến nghị nên có Kiểm ngư cấp tỉnh vì tính yêu cầu cấp thiết của nó.
Theo ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), mô hình tổ chức bộ máy cơ quan kiểm ngư có được quy định trong luật hay không, cần phải tổng kết và đánh giá. Cho nên chế độ mô hình hoạt động nên giao cho Chính phủ tổng kết việc thực hiện trong thời gian qua. Đặc biệt ở nơi đã có Kiểm ngư thì có thanh tra chuyên ngành hay không?
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, một trong nguyên nhân tăng bộ máy là do các luật chuyên ngành, luật chuyên ngành nào cũng đề cập đến lực lượng chuyên ngành trong khi bộ máy càng phình to. Theo nguyên tắc, 1 việc chỉ giao cho 1 người, 1 người có thể làm nhiều việc. Bây giờ kiểm ngư Trung ương hiện do quân đội quản lý. Giờ thành lập lực lượng Kiểm ngư ở địa phương thì ai quản lý. “Bộ máy đang càng phình to, do đó phải có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan với nhau vì thêm bộ máy không chỉ có con người, mà còn chế độ chính sách kèm theo để đảm bảo hoạt động của bộ máy. Do đó đề nghị Quốc hội cân nhắc, cần phải tổng kết hoạt động của Kiểm ngư trong thời gian qua xem như thế nào để cho thống nhất, và bộ máy không tăng và chồng chéo”- ông Chính kiến nghị.