Bê bối Khaisilk

Ngọc Quang 29/10/2017 06:00

Những ngày này dư luận xôn xao về việc một thương hiệu lớn trong lĩnh vực kinh doanh một sản phẩm vốn thuần Việt và rất nổi tiếng là lụa tơ tằm, làm ăn gian dối. Đó là thương hiệu Khaisilk.

Vụ việc bùng lên khi giám đốc một doanh nghiệp tố đã mua khăn (kích thước 50 x 50cm) của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm quà tặng cho đối tác với giá đắt vì tin chắc là hàng xịn: 644.000 đồng/chiếc.

Tuy nhiên, vị giám đốc nọ đã phát hiện trong lô hàng 60 chiếc khăn lụa có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “Made in China”.


Bên trong cửa hàng 113 Hàng Gai (Hà Nội) chiều 26/10 trước khi quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế tiến hành kiểm tra và thu giữ một số mẫu hàng.

Từ tố giác của vị giám đốc cộng với những thông tin tương tự trước đó, ngày 26-10, đội quản lý thị trường 14 (TP Hà Nội) phối hợp với cảnh sát kinh tế và lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai nơi bán sản phẩm của Khaisilk và lập biên bản, thu giữ một số mẫu hàng. Tại đây, quản lý thị trường đã thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá khoảng 30 triệu đồng.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, ông chủ Khaisilk đã xin lỗi khách hàng, cùng đó là một số biện bạch cho hành vi gian dối ấy. Nói như ông Trần Hùng - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ các quy định pháp luật để xử lý theo trình tự. Ông Hùng cũng cho rằng, lụa tơ tằm Khaisilk là thương hiệu quốc gia lớn, có dấu hiệu vi phạm là rất đáng báo động vì vậy cần phải được làm rõ. Ông Hùng cũng nhấn mạnh, quan điểm của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là không có vùng cấm trong xử lý sai phạm.

1. Vậy, ông chủ Khaisilk là ai? Tập hợp thông tin từ nhiều nguồn cho biết, doanh nhân Hoàng Khải sinh năm 1964 tại Hà Nội. Ông là con trai cả trong một gia đình 3 anh em trai. Gia đình có cửa hàng thêu trên phố Hàng Gai, Hà Nội.

Cuối năm 2015, trong một lần “thổ lộ”, doanh nhân này (khi đó đã rất giàu có) cho biết, tuổi thơ trong ký ức của ông là những ngày tháng cơ cực, chiều chiều “ngoáy mông trên chiếc xe đạp cà tàng đi học nhạc chỉ ước một que kem cốm Tràng Tiền”. Thuở nghèo khó đã phải đi bán từng chiếc áo để sống qua ngày. Trên facebook cá nhân, ông Khải chia sẻ về thuở lập nghiệp ban đầu (trong lĩnh vực vải, lụa, quần áo) là hết sức khó khăn, “chỉ có đủ tiền để làm 2 - 3 chiếc áo, bán hết lại làm tiếp để xoay vòng vốn”. Tuy nhiên, nói như con người này thì ông vượt lên được do đã “sống cùng với những giấc mơ”.

Ông Khải viết rằng: “Lúc đó nhà còn nghèo lắm. Thế rồi một lần vô tình nghe thấy người bạn nước ngoài làm việc và sống tại Hà Nội hỏi chuyện và muốn tìm mua lụa tơ tằm mang về nước làm quà để tặng người thân vì những năm 80 ở Hà Nội thì rất khó có thể tìm được những món quà có ý nghĩa. Sau câu chuyện với người bạn nước ngoài đó một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tại sao mình không đi tìm những nơi sản xuất lụa tơ tằm về để mở cửa hàng bán cho những người nước ngoài sống và làm việc và khách du lịch đến Việt Nam?”.

Nếu đúng như vậy thì thời tuổi trẻ gieo neo của người thanh niên Hoàng Khải rất đáng quý. Đó là sự mẫn cảm trong tư duy thương trường, là người quý trọng hàng Việt và muốn bật dậy từ chính sản phẩm do người Việt làm ra. Kể từ đó, có nghĩa là khoảng 30 năm trước, cái tên “Khaisilk” ra đời và rất nhanh chóng nổi tiếng, được nhiều người tôn trọng vì nó gắn liền với mặt hàng tơ lụa truyền thống Việt Nam.

Chọn đúng hướng, táo bạo trong đầu tư, biết nhắm trúng phân khúc thị trường, thành công đã đến rất nhanh. 25 tuổi, doanh nhân trẻ tuổi này lần đầu tiên đi mua nhà và xây một cửa hàng Khaisilk cao 7 tầng. Sự nổi tiếng do có được từ một mặt hàng thủ công truyền thống cao cấp đặc biệt Việt Nam của Khaisilk đến độ lúc bấy giờ Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã đến thăm cửa hàng Khaisilk 3 lần trong chuyến thăm đầu tiên tại Việt Nam sau thời gian dài Việt Nam bị cấm vận.

Năm 2000, doanh nhân Khải Silk chính thức chuyển vào làm ăn, sinh sống tại TP HCM, và cũng từ thời điểm đó mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực resort và nhà hàng.

Sau đó, hệ thống Khaisilk được mở rộng tại những trọng điểm du lịch lớn trong nước. Khaisilk đã nhanh chóng “phủ sóng” tại TP HCM (đường Đồng Khởi)... Cùng với điểm bán hàng trên phố Hàng Gai (Hà Nội), thì đây đều là những điểm “khách giàu” mà Khaisilk nhắm tới.

Tiền bạc “theo gió” mà về. Cách đây chừng 10 năm, nhiều người hẳn còn nhớ một ngày nọ trước cửa khách sạn Sheraton (đường Đồng Khởi, TP HCM) bỗng dưng có chiếc Rolls-Royce Phantom với trị giá khoảng 1 triệu USD xuất hiện. Lúc bấy giờ, nó là chiếc xe đắt nhất Việt Nam. Chủ nhân của nó không ai khác chính là “đại gia” Khải Silk.

Doanh nhân Hoàng Khải chính thức bước vào làng đại gia. Cùng với kinh doanh lụa tơ tằm, thì ông còn sở hữu khối bất động sản khổng lồ ước tình hàng chục triệu USD; trong đó có tòa lâu đài màu trắng Tajmasago được thiết kế theo dáng dấp của ngôi đền cổ Taj Mahal (Ấn Độ), được những người sành sỏi định giá không dưới 15 triệu USD. Nó nổi tiếng đến độ tạp chí Forbes (phiên bản tiếng Việt) cũng phải nhắc tới.

Còn có thể kể đến nhiều bấtđộng sản lớn khác của doanh nhân này, nhưng không thể không nói tới trung tâm thương mại và giải trí “Sài Gòn Paragon”, mà theo những người am hiểu thì số tiền đầu tư không thể dưới 35 triệu USD. Từ đó, người ta thườngnói tới “chuỗi nhà hàng triệu đô” của đại gia Khải Silk.

Tuy mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực nhưng có lẽ vị doanh nhân này vẫn không từ bỏ “cái gốc” nơi mình cắm rễ và giàu lên đến độ không tưởng. Vì thế, khoảng giữa năm 2002, Công ty TNHH Khải Đức ta đời. Và chính vụ “60 chiếc khăn” nói trên đã xảy ra tại trụ sở chi nhánh Công ty TNHH Khải Đức tại Hà Nội.

Có thể tóm tắt một số mốc quan trọng cho tới nay của doanh nhân Khải Silk, như sau:

-22 tuổi, mở cửa hàng Khaisilk đầu tiên, sau khi chấm dứt việc học tập tại Nhạc viện Hà Nội.

-28 tuổi, mở 19 cửa hàng Khaisilk tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và một nhà hàng Khai Brother.

-32 tuổi, khai trương một resort 4 sao đầu tiên ở Hội An (Quảng Nam).

-38 tuổi mở Khaisilk tại những địa điểm giàu có như đường Đồng Khởi (TP HCM), Hàng Gai (Hà Nội); đồng thời mở cửa hàng trong những khách sạn sang trọng, đồng thời khai trương 10 nhà hàng cao cấp tại TP HCM.

-45 tuổi bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại SaiGon Paragon với diện tích hơn 25.0000 m2.

-50 tuổi xây dựng khách sạn lâu đài trắng Tajmasago. Tiếp đó là mở thành công chuỗi phở “Ông Khải” với 100 cửa hàng trong 2 năm.


Doanh nhân Hoàng Khải từ lĩnh vực tơ lụa được coi là thành công với hàng loạt dự án bất động sản.

2. Việc cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ một số sản phẩm tơ lụa “nhập nhèm” mác Việt Nam và mác Trung Quốc của Khaisilk lập tức gây sự chú ý của dư luận,cùng những phản ứng gay gắt. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc phát hiện đó là muộn màng, bởi mặt hàng này được coi là khởi điểm và giữ vị trí quan trọng trong quá trình giàu lên của doanh nhân này trong vài chục năm.

Với một mặt hàng nổi tiếng bậc nhất do người Việt Nam sản xuất, đó là lụa tơ tằm, thì việc nhập nhèm thương hiệu không chỉ là sự gian lận thương mại còn là sự trục lợi niềm tin. Đây không phải là chuyện của vài ba chục chiếc khăn tay mà còn là danh dự hàng hóa thủ công truyền thống của người Việt. Người ta cũng nghĩ tới việc trong khi cả nước đang hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà một trong những mục đích là tôn vinh hàng Việt, thì hành vi ấy như một sự xúc phạm.

Dư luận ban đầu từ giới doanh nhân là bất bình và thất vọng. Nói như doanh nhân Mai Triều Nguyên- CEO Mai Nguyên, đơn vị chuyên phân phối điện thoại, phụ kiện công nghệ cao cấp thì “thần tượng” Khaisilk trong ông đã sụp đổ, mất đi tới 85% sự tôn trọng bởi cho dù bản thân chưa dùng sản phẩm nào của Khaisilk nhưng nhiều năm qua vẫn đánh giá Khaisilk là thương hiệu Việt sang trọng, luôn gắn liền với chữ silk - tơ lụa.

Rồi đây những gì đã diễn ra đối với Khaisilk sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, cũng thật đáng tiếc cho một thương hiệu gắn với một sản phẩm sang trọng, quý phái của người Việt Nam. Tơ lụa Việt đã là niềm tự hào biết bao đời nay, được thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Danh giá của tơ lụa Việt Nam được biết bao thế hệ người Việt vun đắp từ trong quá khứ, là của để lại cho con cháu. Vì vậy nó phải được tôn trọng.

Việc ông Hoàng Khải nhanh chóng nhận lỗi và bồi hoàn cho khách là cần thiết, nhưng việc xác định cung cách làm ăn, kinh doanh vẫn sẽ phải được cơ quan chức năng tiến hành. Điều đó là nhằm ngăn chặn sự gian lận thương mại nói chung, nhắc nhở giới doanh nhân làm ăn chân chính, từ đó xây dựng và giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm Việt.

Dư luận đặt vấn đề, phải chăng chỉ có Khaisilk nhập nhằng sản phẩm để trục lợi? Điều đó không thể đưa ra một xác quyết khi những vụ tương tự chưa được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, qua vụ việc trên, một điều cũng nên nói tới: đó là trách nhiệm tố giác những hành vi gian lận thương mại từ phía người tiêu dùng. Nhiều người thường im lặng hoặc chỉ than phiền khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, chứ không tố giác. Thói quen tâm lý “cho qua”, ngại va chạm đã tạo “đất sống” cho những hành vi gian lận thương mại.

Cơ quan chức năng dù có tinh thông nghiệp vụ nhưng cũng không thể nào bao quát hết sản phẩm, vì thế người tiêu dùng cần biết rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm công dân của mình để lên tiếng. Bảo vệ quyền lợi của mình cũng là bảo vệ quyền lợi cộng đồng, bảo vệ sản phẩm Việt và từ đó cùng nhau góp phần xây dựng một môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, khỏe khoắn.

Ngọc Quang