Khảo sát thực tế Đề án thành lập 'Đặc khu kinh tế Vân Đồn'

Xuân Quảng 29/10/2017 09:45

Ngày 28/10, Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIV do ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm trưởng đoàn có buổi khảo sát thực tế và làm việc với tỉnh Quảng Ninh phục vụ thẩm tra Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế (HC-KT) đặc biệt.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo.

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vân Đồn.

Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn có có diện tích 2.171,33 km2, trong đó diện tích đất tự nhiên 581,83 km2, diện tích vùng biển rộng 1.589,50 km2; dân số toàn đặc khu là 46.072 người.

Địa giới hành chính theo đúng địa giới hành chính của huyện Vân Đồn hiện nay.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phấn đấu đầu năm 2018 sẽ xong tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đang báo cáo các cơ quan Trung ương cho triển khai đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, kết nối hệ thống hạ tầng đồng bộ, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của đặc khu Vân Đồn trong tương lai.

Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hội thảo tiếp thu ý kiến của các chuyên gia kinh tế và nhà khoa học để xây dựng Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn.

Quá trình xây dựng Đề án, tỉnh luôn bám sát các chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó đã hoàn thiện, báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia để trình Quốc hội.

Cùng với việc xây dựng Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm dành nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tại Vân Đồn.

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển, bao gồm Vịnh Hạ Long - Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới mới; khu di tích danh lam thắng cảnh Yên Tử; mỏ than lớn nhất cả nước; truyền thống văn hóa lịch sử.

Việc xây dựng Đơn vị HC-KT đặc biệt sẽ tạo ra được động lực, sức hút mới.

Trên cơ sở báo cáo và đi thực tế tại Vân Đồn, Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật Quốc hội trao đổi, đề nghị tỉnh Quảng Ninh làm rõ thêm ngành nghề đầu tư kinh doanh tại đặc khu Vân Đồn; ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu; giải pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh, quản lý lao động nước ngoài tại đặc khu; quản lý đầu vào, đầu ra dân số tại đặc khu; phương án giảm biên chế theo hướng tinh gọn theo Đề án sẽ được thực hiện thế nào; người dân sẽ được hưởng lợi những gì ở đặc khu...

Tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Quảng Ninh sẽ rút kinh nghiệm từ việc triển khai Đề án 25, Nghị quyết số 19 của tỉnh để xây dựng bộ máy cho đặc khu đảm bảo theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Cán bộ của huyện Vân Đồn hiện tại sẽ được tỉnh cân nhắc, lựa chọn để tham gia vào bộ máy tại đặc khu hoặc điều động, luân chuyển phù hợp trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Tỉnh cũng sẽ cơ cấu lại lực lượng lao động, quy hoạch về đào tạo, xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng tại đặc khu và các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh...

Trước đó, ngày 27/10, tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp bất thường) HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã thông qua Đề án đề nghị thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn.

Xuân Quảng