Nhàm chán môn thể dục

Phương Lan 29/10/2017 06:30

Lâu nay, giáo dục thể chất trong nhà trường ai cũng biết là vô cùng quan trọng nhưng lại vẫn chỉ được coi là môn phụ. Sự chéo ngeo ấy dẫn đến tình trạng dạy và học để hoàn thành chương trình chứ không phải để trang bị kiến thức, rèn luyện tinh thần và nâng cao thể trạng cho học sinh.


Giáo dục thể chất trong nhà trường chưa được chú ý đúng mức.

Chương trình nhàm chán
Theo thông tin mới đây từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á. Cụ thể, trong 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng, còn một nguyên nhân rất cơ bản là do lười vận động. Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.

Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất ở các nhà trường phổ thông là vấn đề đáng bàn nhất hiện nay. Theo khảo sát của chúng tôi , tại nhiều trường, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho môn học dục thể chất (GDTC) còn nhiều hạn chế và thiếu thốn. Khá nhiều học sinh trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) khi được hỏi đã cho biết, chỉ ngày mưa gió, ngày có hai ba lớp trùng nhau tiết thể dục hoặc có tiết dự giờ chúng em mới được vào nhà thể chất tập còn ngày thường thì tập ngoài sân.

Nhiều học sinh chia sẻ, bao giờ ở các trường phổ thông có được những phòng hay sân tập đủ tiêu chuẩn dành riêng cho thể dục, lúc đó các em sẽ cảm thấy môn này được đặt ngang bằng với các môn văn hóa khác ở trong trường. Còn bây giờ, học để chỉ để cho đủ môn và thi nên các bạn không chú trọng nhiều. Tuy nhiên quan sát có thể thấy trường THCS Nguyễn Phong Sắc là trường có phòng thể chất khá khang trang, có sân trường rộng rãi và cả sân đá bóng mi ni. Nhưng dường như để phục vụ học sinh tập luyện chỉ là phụ mà cho thuê lại là chính.

Còn tại trường THCS Vĩnh Tuy, trường Quỳnh Mai; Ngô Quyền cũng vậy. Tiết học vẫn là những bài tập cũ như nhiều năm về trước. Đầu tiên cả lớp khởi động, tập mấy bài tập chân, tay, vai, bụng… rồi sau đó chạy quanh trường học vài vòng. Học sinh tham gia tiết thể dục với tinh thần chán nản, thái độ tập hời hợt khua tay múa chân và nói chuyện riêng… Sự hào hứng chỉ xuất hiện khi thầy cô giáo tuyên bố nghỉ. Học sinh khi ấy thoải mái cười đùa, mang điện thoại ra chat chít hoặc chơi điện tử… Em Phương Hà, học sinh trường lớp 7 chia sẻ: Giờ thể dục là giờ chúng em chỉ phải học qua loa, vui chơi là chính. Thật ra môn thể dục là để vận động nhưng chúng em lại được vận động quá ít. Chủ yếu là được ra sân túm tụm nói chuyện.

Ở trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cũng vậy, chúng tôi không nhận thấy được sự hào hứng của học sinh trong tiết thể dục, đúng như tâm sự của phần đông học sinh thì tiết thể dục đơn giản là được ra sân nói chuyện thoải mái. Không thấy trường nào có tiết Airobic, hoặc võ thuật, bóng rổ, mà hàng chục năm rồi tiết vẫn là những bài vươn thở, tập chân, tay, vai, bụng tại chỗ. Con trai và con gái tập những bài tập giống nhau.Và sau cùng là chạy vài vòng quanh sân trường…

Mang những câu chuyện về giáo dục thể chất trong trường học trao đổi với một số giáo viên ở Hà Nội, nhiều người thừa nhận đa số học sinh không thích môn thể dục vì nó quá đơn điệu.

Theo cô Nguyệt Hằng- nguyên hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc thì môn GDTC là vô cùng quan trọng. Bởi khi có sức khỏe, khi tinh thần sảng khoái thì học sinh mới có hứng thú học các môn học khác và mang lại kết quả học tập cao. GDTC nằm trong môi trường giáo dục toàn diện, nghĩa là GDTC và giáo dục các môn văn hóa khác phải đồng đều. Tuy nhiên, “hiện nay các tiết thể dục trong hầu hết các nhà trường vẫn giữ nguyên hình thức tập luyện như cách đây mấy chục năm, chưa cập nhật được các cách tập luyện mới. Cho nên các tiết thể dục bây giờ chỉ như khởi động rồi ngồi chơi chứ chưa phải là một tiết học thể lực thực thụ. Vì thế, thể trạng học sinh của chúng ta thường trong tình trạng yếu, còi cọc, thấp bé hoặc là béo phì…


Truyền cảm hứng học thể chất tới học sinh

Về thể chất nhỏ và yếu của người Việt Nam, Giáo sư Dương Nghiệp Chí, Viện khoa học thể dục thể thao Việt Nam cho rằng đó là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Lâu nay, tại Việt Nam, giáo dục thể chất chưa coi trọng và đầu tư xứng đáng. Đây là sự thật tồn tại ở toàn bộ hệ thống trường công tại Việt Nam.

Phân tích về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương- giảng viên khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo dục Việt Nam chỉ chăm chăm đánh giá bằng điểm số cộng với bệnh thành tích nên học sinh cũng chỉ chú trọng học môn văn hóa mà quên đi môn giáo dục thể chất vốn cực kì quan trọng.Thêm nữa chính là việc học lệch. Lí do của việc học lệch là do cách đánh giá thiên lệch của cả hệ thống, dẫn đến tác hại là trẻ em Việt Nam thường kém hiểu biết về thế giới xung quanh.

Theo TS Vũ Thu Hương, vấn đề cơ sở vật chất không hẳn là vấn đề quan trọng nhất trong việc dạy giáo dục thể chất ở nhà trường. Trên thực tế nhiều nước trên thế giới họ có cơ sở vật chất cho môn này rất tốt nhưng cũng có nhiều nước không bằng với nước ta nhưng thể dục vẫn được học sinh đón nhận như môn học chính. Vì thế, theo bà Hương là cả xã hội cần có ý thức về vấn đề rèn luyện thể chất, giáo viên có trách nhiệm trong việc dạy dỗ trẻ em biết sự cần thiết của việc phát triển thể lực. Có thể thấy, bản thân các giáo viên thì dường như chỉ dạy cho xong, học sinh tập thế nào cũng được, miễn là không phá bĩnh. Ít nhận thấy sự tìm tòi, sáng tạo trong cách truyền đạt bài tập và truyền cảm hứng đến học sinh.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch hội Khoa học giáo dục Tâm lý Hà Nội nhận định: Quan điểm chỉ chăm chăm đến học các môn văn hóa mà bỏ quên việc rèn luyện thể chất là quan niệm lạc hậu, lệch lạc. Nếu không biết phát triển thể chất thì rất đáng lo hại. Hiện nay, chúng ta có thể thấy được một bộ phận học sinh béo phì, cận thị, vẹo cột sống vì không biết rèn luyện thường xuyên.

Vì thế , theo ông phải biến yêu cầu giáo dục thành nhu cầu của học sinh chứ không phải như bố mẹ chỉ cần cho con đi học thêm các môn văn hóa như Văn, Toán, Lý, Hóa. Chúng ta phải biết được giá trị của môn học này. Nếu con người không khỏe về thể chất thì làm sao khỏe mạnh về tâm hồn được. Và vấn đề phát triển sinh học là phát triển phải cân đối. Dạy thể dục không chỉ là hoạt động về thể lực mà quan trọng là phải tạo cho các em ý thức tự bảo vệ thân thể, tự rèn luyện sức khỏe cho bản thân. Điều quan trọng nhất hiện nay, theo ông Lâm, các nhà trường phải truyền được cảm hứng học thể chất tới các em học sinh.

Phương Lan