Khắc phục hạn chế trong chuyển giao công nghệ
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Quang Huy - Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đầu tư khoa học - công nghệ của nước ta còn hạn chế, chưa được 2% chi ngân sách và có xu hướng giảm. Mà “đầu vào” hạn chế thì không thể nào “đầu ra” hoành tráng.
Ông Lê Quang Huy.
PV: Thưa ông, ông nghĩ sao khi Đảng ta đã xác định phát triển khoa học-công nghệ là quốc sách nhưng đến nay công nghệ của ta áp dụng vào sản xuất vẫn kém hơn các nước trong khu vực 2-3 thế hệ?
Ông Lê Quang Huy: Có thể khẳng định, việc ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ trong thời gian qua để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Thí dụ, trong nông nghiệp từ giống cho đến cây, con; quy trình xử lý, chế biến, bảo quản đã ứng dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến làm gia tăng giá trị nông nghiệp.
Từ đó giúp cho nông nghiệp có đóng góp lớn vào GDP Quý III năm nay và nhìn chung yếu tố khoa học-công nghệ có thể đóng góp 30-40% trong tăng trưởng của khu vực này.
Năng suất lúa tăng lên rất nhiều lần, có khi đạt gần 60 tấn/ha. Hay trong chăm sóc sức khỏe, chúng ta đã nghiên cứu triển khai rộng rãi ghép tạng, thậm chí gần đây bệnh viện đã ghép tạng 2 ca cùng một lúc; hoặc hiện nay ta đã chế biến được hơn 10 loại vắcxin.
Còn trong công nghiệp, xây dựng, chúng ta đã chế tạo thành công các hệ thống giàn khoan tự nâng với độ sâu hoạt động hàng trăm mét nước, xây dựng hầm, cầu có dầm khẩu độ lớn bằng bê tông dự ứng lực đúc hẫng cân bằng….
Đó là những kết quả đáng ghi nhận việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội, kết quả này phần lớn là đầu tư của khu vực nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian qua việc đưa thành tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh góp phần mạnh mẽ vào cơ cấu lại nền kinh tế của đất nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững không chỉ dựa vào yếu tố đầu vào thuần túy như vốn, tài nguyên khoáng sản, lao động đơn giản mà phải dựa vào khoa học-công nghệ, dựa vào đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho khoa học-công nghệ thì đúng là đang có những khó khăn, hạn chế.
Chúng ta đã cho phép chuyển giao công nghệ ,nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài vào nhưng thực tế việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, hay trong nền kinh tế đi vào sản xuất theo hướng chuyên sâu nâng cao chuỗi giá trị lại vẫn hạn chế. Vậy đâu là rào cản, thưa ông?
- Ở đây có 2 vấn đề là cung và cầu. Cầu là nhu cầu công nghệ từ phía doanh nghiệp. Còn cung thì do các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia, cá nhân thực hiện.
Chuyển giao công nghệ là từ phía cung sang phía cầu. Hạn chế trong chuyển giao công nghệ có lý do từ cả hai phía. Tôi chỉ nêu một khía cạnh phía cầu.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Công Thương).
Nhìn lại bức tranh cơ cấu, phân loại các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay có thấy các doanh nghiệp nào đã trực tiếp sản xuất, chế tạo trong lĩnh vực dịch vụ, hàng hóa, sản phẩm, đã tồn tại và phát triển bằng chính năng lực trí tuệ của mình.
Nhu cầu chuyển giao, đổi mới công nghệ là tự thân, là động lực. Còn những doanh nghiệp khác, chưa chắc họ đã cần tới khoa học-công nghệ mà họ vẫn tồn tại và phát triển tốt.
Một doanh nghiệp đầu tư bất động sản có nhu cầu chuyển giao công nghệ hoàn toàn khác với một doanh nghiệp sản xuất giống cây, con.
Tôi rất mừng khi Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ ba đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có quy định để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tốt hơn tiếp cận với các kết quả nghiên cứu khoa học-công nghệ và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Thưa ông, các doanh nghiệp lớn có trình độ khoa học-kỹ thuật hiện đại cũng ít khi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất có tiềm năng để đem lại giá trị cao hơn mà thường đầu tư vào những lĩnh vực sinh lời ngay?
- Nông nghiệp cũng có nhiều tiềm năng để đầu tư. Nhìn vào bức tranh doanh nghiệp có thể thấy quy mô doanh nghiệp đã nhỏ rồi, nhưng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực như nông nghiệp lại càng ít ỏi, khoảng hơn 1%.
Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp có độ rủi ro cao, chưa nói đến vùng sâu xa, vùng khó khăn.
Thí dụ 1 tỉnh có địa bàn khí hậu thuận lợi, có tiềm năng về trồng dược liệu nhưng để thu hút được nhà đầu tư là không dễ dàng vào những vùng núi cao như vậy, có gì bảo toàn cho công sức của họ.
Đó là chưa kể đến các chính sách của ta chưa thực sự hấp dẫn, quy trình, thủ tục đầu tư còn phức tạp, chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp, quy hoạch cây con của chúng ta còn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Đó là câu chuyện cần phải tính.
Nhưng ông nghĩ sao khi nhiều khi doanh nghiệp phải đi nhập khẩu công nghệ từ các nước khác về. Nếu cứ như vậy khó có thể đưa khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu?
- Tôi cho rằng các kết quả công trình nghiên cứu khoa học của ta chậm được áp dụng và đem lại ít hiệu quả một phần là do ta chưa có thị trường khoa học- công nghệ đúng nghĩa.
Tôi muốn nói đến việc thương mại hóa các kết quả đó và cơ chế đặt hàng. Mang các kết quả từ công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay “trên giấy tờ” ra thực tiễn là cả một vấn đề.
Nhà khoa học cần phải đồng hành cùng nhà doanh nghiệp, nhà luật pháp để bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Nhà khoa học không chỉ nghiên cứu, làm cái mình biết, mình quan tâm mà cần lắng nghe tiếng gọi của thị trường, của thực tiễn, giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đang trăn trở.
Doanh nghiệp không biết nhà khoa học có cái gì, công nghệ gì hiệu quả ứng dụng ra sao để mà đặt hàng, để mua áp dụng.
Điều đó cho thấy vai trò của các tổ chức trung gian kết nối cung cầu trong thị trường khoa học-công nghệ là rất quan trọng. Còn nói về thực hiện sứ mệnh quốc sách hàng đầu của khoa học-công nghệ, tôi cho rằng cần phải đánh giá cho đúng sự quan tâm thực sự của chúng ta đối với nó, từ các yếu tố đầu tư, tài chính, động lực cho khu vực doanh nghiệp cũng như chính bản thân ngành khoa học-công nghệ. Chúng ta đều hiểu rằng “đầu vào” hạn chế thì không thể nào có “đầu ra” hoành tráng.
Trân trọng cảm ơn ông!