Điêu đứng sau lũ
Cơn lũ hồi trung tuần tháng 10 đã khiến người dân tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đối với các mô hình kinh tế trang trại, gia trại…
Tại huyện Thọ Xuân, nhiều trang trại cây ăn quả có quy mô lớn, vừa được hình thành trong ít năm đã bị dòng nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi, thậm chí nhiều trang trại gần như bị xóa sổ.
Nhiều trang trại tại huyện Thọ Xuân bị thiệt hại nặng nề sau lũ.
Sau lũ, chị Nguyễn Thị Tuyết, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết, chồng chị, đã khăn gói xuống tỉnh từ sáng sớm, tìm đến các chuyên gia nông nghiệp với hi vọng tìm ra giải pháp cứu hơn 2 ha cam canh, bưởi da xanh của trang trại đang chết dần sau nhiều ngày bị nhấn chìm trong nước lũ.
Ngồi thẫn thờ bên ruộng bưởi da xanh chỉ còn trơ lại gốc, chị Tuyết không giấu được nỗi thất vọng, mệt mỏi của mình, chị kể: Vợ chồng chị vốn không phải gốc là dân nông nghiệp nhưng vào khoảng năm 2013, khi huyện có chủ trương và khuyến khích người dân hình thành các khu trang trại có quy mô và hiệu quả kinh tế, anh chị đã mạnh dạn huy động từ anh em, vay ngân hàng hơn 3 tỷ đồng để đầu tư và hình thành nên khu trạng trại rộng hơn 6,5 ha tại xã Xuân Trường.
Sau nhiều vụ thất bại vì chưa có kinh nghiệm, đến cuối năm 2015; 2 ha cam Vinh, 2 ha cam canh, 1.500 gốc bưởi da xanh, hàng nghìn gốc chanh đào của gia đình chị Tuyết đã cho những thành quả đầu tiên. Đến năm 2016, hiệu quả đem lại từ khu trang trại khá lên trông thấy.
Gia đình đã có thể trả được một phần nợ cho ngân hàng. Đến giữa năm 2017, nhìn những ruộng cam, bưởi, chanh đào trĩu quả, chị Tuyết chắc mẩm sẽ thu về một khoản kha khá, đủ để trang trải toàn bộ số nợ nần còn lại cũng như có dư ra đôi chút để đầu tư mở rộng thêm diện tích, nào ngờ…
Cơn lũ vừa qua cũng khiến mô hình trang trại của Công ty cổ phần tư vấn Phú Giang, tại hai xã Hạnh Phúc và Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân có diện tích gần 40 héc ta bị thiệt hại nặng nề.
Nhiều diện tích trồng cây đào cảnh để phục vụ Tết, bưởi gần như bị xóa sổ. Ngoài ra, tổng diện tích cây ăn quả, măng Bát Độ của trang trại bị thiệt hại do trận lũ lụt vừa qua khoảng gần 30 héc ta, toàn bộ hệ thống nước tưới tiêu nhỏ giọt tự động cũng đã bị nước lũ vùi lấp và cuốn trôi.
Theo thống kê sơ bộ từ UBND huyện Thọ Xuân cho thấy: Trận lũ vừa qua đã khiến 174 trong khoảng 200 mô hình trang trại cây ăn quả, chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện bị thiệt hại nặng nề.
Nhiều trang trại có nguy cơ phải đóng cửa vì không còn nguồn để tái sản xuất. Chị Nguyễn Thị Tuyết bày tỏ: Điều cần nhất hiện tại của chúng tôi là được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và một phần vốn để có thể duy trì hoạt động của trang trại cũng như tái đầu tư sản xuất. Với tình hình hiện tại, nếu không có hỗ trợ thì nhiều trang trại sẽ đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần, không có khả năng chi trả!
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Thọ Cường – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thọ Xuân cho biết: Hiện tại, huyện đang khẩn trương xây dựng lại phương án sản xuất vụ đông, đặc biệt là theo nghị định của Chính phủ và chính sách khôi phục sản xuất sau lũ của tỉnh. Trước mắt vẫn phải kéo dài chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ngoài mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho các trang trại bị thiệt hại dưới 70% và 4 triệu đồng đối với các trang trại bị thiệt hại trên 70% của tỉnh, huyện sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá cụ thể, từ đó có chính sách hỗ trợ riêng đối với các trang trại bị thiệt hại nặng nề sau lũ.