Bám trụ phản đối nhà máy gây ô nhiễm
Đã hơn 1 năm kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức công bố các thông tin về Nhà máy sản xuất thép Việt Pháp (NMSXTVP) thuộc Công ty thép Việt Pháp, tại phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và nguyên nhân phải di dời nhà máy đến nơi sản xuất mới.
Thế nhưng hiện nay nhà máy này vẫn tồn tại và người dân vẫn dựng lều bám trụ phản đối, vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm.
Gần 4 tháng qua người dân dựng lều phong tỏa nhà máy.
Khi dân bức xúc
Trước đây người dân đã từng dựng lều phản ứng, nhưng lần này, sự phản ứng kéo dài đã hơn 4 tháng qua. Trước tình trạng trên, ngày 27/10, ông Trần Úc - Chủ tịch thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản gửi UBND phường Điện Nam Đông, người dân khối phố 7A và NMSXTVP thông báo về thời gian sản xuất và di dời nhà máy này.
Theo văn bản trên, “Thời gian hoạt động sản xuất của NMSXTVP đến hết ngày 4/2/2019 là chấm dứt và không gia hạn thêm thời gian hoạt động của nhà máy. Về thời gian hoạt động sản xuất cụ thể hàng ngày của nhà máy bắt đầu từ lúc 17h30 và kết thúc vào 8h sáng ngày hôm sau”.
Thế nhưng người dân cho rằng, phải có sự cam kết bằng văn bản của trưởng khu phố và Chủ tịch phường Điện Nam Đông thì họ mới chấm dứt tình trạng căng lều, lán để phản đối.
Ông Tâm, một trong những người dân đang dựng lều phong tỏa NMSXTVP cho rằng: “Người dân chúng tôi chỉ cần ông Trần Dũng - Trưởng khối phố và ông Ngô Anh Hòa – Chủ tịch phường Điện Nam Đông ký cam kết thì chúng tôi sẽ rút lui vì thời gian di dời nhà máy còn dài. Nếu sau này chính quyền có quyết định khác thì chúng tôi biết kêu ai?”.
Những người bám trụ cũng cho biết, gần 4 tháng nay, người dân dựng lều phong tỏa không cho xe chở phế liệu vào ra nhà máy nhưng bên trong, các công nhân vẫn làm việc.
Trao đổi về vấn đề, bà Võ Thị Hạnh - Giám đốc NMSXTVP cho rằng, nhà máy đã ngưng sản xuất đến nay gần 4 tháng, hiện công ty đang trong giai đoạn rất khó khăn.
Do đó, công ty mong lãnh đạo địa phương và người dân khối phố 7A thông cảm, chia sẻ những khó khăn của công ty và tạo điều kiện cho công ty được sản xuất trở lại.
Giám đốc NMSXTVP cũng đã có đơn cam kết, sản xuất đảm bảo môi trường, cắt giảm công suất tối đa để không gây khói bụi, thời gian sản xuất từ 17h30 ngày hôm trước đến 9h sáng hôm sau, thời gian sản xuất đến ngày 4/2/2019.
Theo đó, đơn cam kết của giám đốc NMSXTVP nêu rõ: “Nếu sau thời gian trên, nhà máy không thực hiện đúng như đã cam kết, công ty hứa sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các cấp chính quyền và bà con nhân dân”. Công ty cũng bày tỏ nguyện vọng “xin” bà con cho đơn vị sản xuất lại ổn định và sẽ thực hiện như đã cam kết.
Đã có chủ trương di dời
Được biết, sau khi NMSXTVP có đơn cam kết, ngày 26-10, chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp với người dân khối phố 7A.
Tiếp đó, ngày 27/10, ông Trần Úc - Chủ tịch thị xã Điện Bàn đã có văn bản yêu cầu Công ty thép Việt Pháp thực hiện đúng cam kết.
Có một điều đặt ra là nhà máy này từng được trải thảm đỏ để mời đầu tư xây dựng sản xuất thép, được cấp phép 50 năm, công suất 48.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2012.
Từ năm 2013 đến nay đã có 8 lần Sở TNMT lấy mẫu các chất thải kiểm tra và tất cả đều đảm bảo môi trường theo quy định. Quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cũng cho kết quả tương tự. Dù vậy, người dân vẫn không đồng tình với sự tồn tại của nhà máy chủ yếu do ô nhiễm tiếng ồn, mùi khói từ nhà máy phát ra.
Chủ trương di dời nhà máy đã có cách đây 2 năm, từ khi xuất phát nhu cầu phát triển đô thị, xây dựng thị xã Điện Bàn. Việc chưa được di dời, buộc nhà máy phải tổ chức sản xuất ở nơi cũ, thì lại gặp sự phản đối của người dân. Trong khi đó, chọn nơi nào để nhà máy di dời thì ngay cả UBND tỉnh cũng thấy việc này khá nan giải .
Làm sao để đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng dự án và đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp đang là bài toán nan giải với chính quyền địa phương về trường hợp này.
Nhưng dù thế nào đi nữa cần phải nhanh chóng giải quyết để đáp ứng nguyện vọng của các bên và tránh để tạo nên điểm nóng ở địa phương này.